| Hotline: 0983.970.780

Đê đói vốn

Thứ Hai 13/08/2012 , 11:00 (GMT+7)

Các tỉnh phía Nam đã bước vào mùa mưa lũ, nhưng từ đầu năm đến nay, các công trình đê biển, đê sông, đê bao gần như chẳng làm thêm được gì vì thiếu vốn trầm trọng.

Các tỉnh phía Nam đã bước vào mùa mưa lũ, nhưng từ đầu năm đến nay, các công trình đê biển, đê sông, đê bao gần như chẳng làm thêm được gì vì thiếu vốn trầm trọng.

Tỉnh An Giang gần đây đã xảy ra 3 vụ sạt lở lớn trên địa bàn các phường Bình Đức, Bình Khánh (TP Long Xuyên) và huyện Phú Tân, khiến cho gần 130 hộ dân mất nhà cửa phải di dời đi nơi khác. Tình trạng sạt lở nghiêm trọng tới mức UBND tỉnh đã phải 3 lần ban bố tình trạng khẩn cấp về sự cố sạt lở bờ sông.

Theo ông Phạm Văn Lê, Chánh văn phòng BCH PCLB-TKCN An Giang, đến nay, tình trạng sạt lở đã lắng xuống. Nhưng theo Sở TN-MT An Giang, trên địa bàn tỉnh này hiện vẫn còn tới 52 khu vực bờ sông có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài 30km. Trong đó, có khoảng 4,3 km bờ sông Hậu ở đoạn chảy qua TP Long Xuyên là đáng lo ngại nhất. Để thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy nhằm cứu đoạn bờ sông này, cần khoản vốn tới 2.400 tỷ đồng.


Xây dựng đê bao

Đây là khoản vốn quá lớn, vượt quá khả năng đầu tư của An Giang. Nếu trông chờ vào vốn cấp từ TƯ thì cũng chẳng biết đến bao giờ. Bởi đến thời điểm này, An Giang mới chỉ được duyệt cấp vốn để bồi lấp lại mấy điểm sạt lở hồi tháng 5. Nguồn vốn cho công việc này đương nhiên nhỏ hơn nhiều so với vốn để chỉnh trị bờ sông nói trên, nhưng cũng vẫn mới chỉ dừng ở việc ghi vốn, còn khi nào mới được giải ngân để thực hiện vẫn đang là câu hỏi.

Cũng vì thiếu vốn nên đến thời điểm này, các tỉnh ĐBSCL mới chỉ thực hiện được việc gia cố các tuyến đê bao bằng nguồn vốn TƯ hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn lũ năm 2011. Còn việc nâng cấp, bảo vệ triệt để các tuyến đê bao thì chưa thể thực hiện được. Ông Đoàn Thanh Chung, Trưởng Cơ quan đại diện Cục Quản lý đê điều và PCLB tại TP HCM, cho hay, sau mùa lũ lớn năm 2011 ở ĐBSCL, khiến cho nhiều tuyến đê bao, bờ bao bị vỡ, các tỉnh vùng ngập lũ ở khu vực này đã đề nghị TƯ cấp vốn để kiên cố hóa các tuyến đê bao, nhưng đề nghị này vẫn đang bị bỏ ngỏ vì chưa có kinh phí.

Việc nâng cấp tuyến đê biển cũng đáng lo ngại không kém. Ở Cà Mau, tình trạng sạt lở đê biển Tây đã đến mức báo động. Trong 3 năm qua, tỉnh này đã nhiều lần phải ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp. Hiện có khoảng 7.560m đê biển Tây ở Cà Mau đang bị sạt lở nghiêm trọng, nhưng tỉnh này lại đang thiếu tới trên 250 tỷ đồng để nâng cấp đoạn đê biển nói trên, đồng thời triển khai xây dựng các công trình kè cơ bản, kè tạm chống sạt lở đê biển trước mùa mưa bão năm nay.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng BCH PCLB-TKCN Cà Mau cho hay, thực ra Cà Mau vẫn có nguồn vốn nâng cấp đê biển được rót từ TƯ xuống, nhưng nguồn vốn đó quá ít. Vì thế, tỉnh chỉ có thể ưu tiên xây dựng kè ở những vị trí xung yếu, mà chưa thể tính tới việc nâng cấp đê biển.

Tính chung cả chương trình nâng cấp tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang theo Quyết định 667, với tình trạng thiếu vốn trầm trọng như hiện nay, chắc chắn cũng sẽ không kịp tiến độ đến 2020.

Theo ông Đoàn Thanh Chung, do thiếu vốn trầm trọng nên từ đầu năm đến giờ, việc nâng cấp các tuyến đê biển ở hầu hết các tỉnh ven biển ĐBSCL, hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Tỉnh Kiên Giang đã lập xong các dự án nâng cấp đê biển trên địa bàn, nhưng do không có vốn nên chưa triển khai được. Tỉnh Bến Tre đã lập dự án mở rộng mặt đê, nâng cấp cống dưới đê và đã tổ chức đấu thầu. Nhưng đấu thầu xong để đó vì chưa có tiền. Tỉnh Sóc Trăng cũng đã lập xong các dự án nâng cấp các tuyến đê biển Vĩnh Châu, đê biển Cù Lao Dung. Nhưng lập xong thì chưa có tiền nên các dự án vẫn đang để đó…

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, khối lượng công việc nâng cấp đê biển mà các tỉnh đã thực hiện là rất ít. Ông Chung than: “Mỗi tỉnh chỉ được cấp vài chục tỷ đồng. Số tiền đó chỉ đủ lập dự án đầu tư, khảo sát thiết kế, mà chẳng thể thi công được gì”.

Công tác trồng rừng chắn sóng cho toàn bộ tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang cũng gần như chưa làm được gì mấy kể từ đầu năm đến nay, mà lý do duy nhất không ngoài chuyện vốn. Theo ông Chung, cứ đà này, chắc chắn đến năm 2015, các tỉnh phía Nam sẽ không thể hoàn thành được việc trồng cây chắn sóng theo tinh thần của Quyết định 667 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

Xem thêm
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 626 USD/tấn

Theo các chuyên gia, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục năm 2023.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.