Sông Ba bắt nguồn từ cao nguyên Kon Plong của tỉnh Kon Tum. Từ đây, dòng sông hùng vỹ nhất Tây Nguyên và Nam Trung bộ này chảy qua nhiều địa bàn thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên rồi đổ ra Biển Đông.
Không thể phủ nhận những nguồn lợi vô cùng to lớn về kinh tế, về văn hóa… mà dòng sông này mang lại cho cư dân nơi nó chảy qua. Và, cũng không thể không lo ngại bởi những ẩn họa luôn rình rập mà cụ thể nhất là nạn sạt lở bờ sông vào những mùa mưa kéo dài ở Tây Nguyên.
Một trong rất nhiều địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ dòng sông Ba là huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Tuy nhiên mỗi khi bước vào mùa mưa, chính quyền và nhân dân ở đây lại luôn nơm nớp với nỗi lo sạt lở.
Chúng tôi đang đứng ở buôn Pan (xã Ia R’sai, huyện Krông Pa) dưới cơn mưa tầm tã của cao điểm mùa mưa Tây Nguyên. Đây là một trong rất nhiều “điểm đen” của sông Ba về vấn đề sạt lở vào mùa mưa hàng năm. Cứ sau mỗi mùa mưa lũ, do sự biến đổi của dòng chảy mà không ít diện tích đất canh tác - kể cả đất ở của bà con trong buôn làng J’rai này bị sạt lở và cuốn đi. Tính mạng của người dân nơi đây cũng giống như những cành củi bé nhỏ đang xoay tít trong cuộn đỏ lũ sông Ba.
Ông Siu Pieng - một ông già J’rai điển hình sống ở buôn Pan không khỏi lo lắng khi nói với chúng tôi: “Cứ sau mỗi mùa mưa, có rất nhiều diện tích đất trồng trỉa, đất ở bị sạt lở. Hoa màu, trâu bò cũng bị cuốn trôi không ít. Chúng tôi lo lắm, mong chính quyền sớm giúp bà con di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống”.
Ba buôn khác bên cạnh buôn Pan là K’tinh, Chik và Puih cũng luôn sống trong tâm trạng lo lắng mỗi khi mùa mưa về. Cả bốn buôn này có khoảng 170 hộ J’rai sinh sống trên khoảng 4km chiều dài dọc sông Ba. Tuy nhiên cả chiều dài 4km này đều nằm trong nguy cơ sạt lở cao, mùa mưa năm nào cũng bị sạt lở đất vì nước dâng cao, đổi dòng bất ngờ và chảy xiết. Tại 4 buôn này, rất nhiều chỗ đã bị sạt lở vào sâu 20-30 mét so với vị trí ban đầu.
Không riêng gì đất sản xuất mà đất ở, đất thuộc các công trình công cộng khác hàng năm bị mất dần theo những cơn lũ dữ. Tại trường Tiểu học xã Ia R’sai, trước đây, dãy phòng học của các em cách bờ sông Ba trên 50 mét. Còn bây giờ, dòng nước hung hãn đã lấn đến gần sát dãy phòng học. Tính mạng của hàng trăm học sinh con em người dân tộc J’rai ở đây, không những bị đe dọa trên đường từ nhà đến trường, mà ngay cả khi đã ngồi trong phòng học rồi, vẫn không hết lo lắng.
Không riêng gì huyện Krông Pa mà ở các địa phương khác như huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cũng như nhiều nơi sông Ba chảy qua, sự biến đổi dòng chảy đã cuốn theo rất nhiều diện tích đất sản xuất và đất ở, đe dọa đến tính mạng của người dân sống trong vùng. Nếu không sớm triển khai các phương án di dời dân thì cuộc sống của những hộ dân sống hai bên bờ dọc sông Ba, hàng ngày vẫn luôn bị đe dọa bởi những cơn lũ dữ vào mỗi mùa mưa Tây Nguyên. |
Phó Chủ tịch UBND xã Ia R’sai - ông Đỗ Công Tính, cho biết: “Tình trạng sạt lở đất dọc bờ sông Ba diễn ra hàng năm trên địa bàn xã chúng tôi, hình như mỗi năm một nguy hiểm hơn. Chính quyền xã đã thống kê, lập kế hoạch các hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao, đề nghị cấp trên sớm có phương án di dời dân".
Trước tình hình trên, UBND huyện Krông Pa giao Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, lập “Đề án di dời dân vùng sạt lở xã Ia R’sai”, trình UBND tỉnh Gia Lai và các cấp - ngành có thẩm quyền. Đề án này đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt theo Quyết định số 623/QĐ-UBND, ngày 5/6/2012.
Mục tiêu của đề án là di dời 170 hộ với 845 nhân khẩu thuộc xã Ia R’sai ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao. Tổng kinh phí thực hiện dự án này lên đến 17,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 70%, còn lại thuộc ngân sách địa phương. Nguồn kinh phí trên dùng để khai hoang, san ủi mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng, gồm: Đường giao thông, nhà trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân bóng đá và các công trình khác; đồng thời hỗ trợ 170 hộ dân nói trên di dời đến nơi ở mới.
Tinh thần là vậy, nhưng đề án không thể một sớm một chiều mà thực hiện ngay được. Ông K’păh Thành - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Krông Pa, cho biết: “Cái khó của việc triển khai dự án này là vốn cấp chưa kịp thời. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 17,7 tỷ đồng, riêng 1,7 tỷ đồng dùng để hỗ trợ dân đến nơi ở mới đã có, còn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng thì vẫn chưa có đồng nào. Mà chưa xây dựng cơ sở hạ tầng thì làm sao đưa dân đến ở được?”.