Mặc dù cung không đủ cầu nhưng rất lạ là giá hồ tiêu của VN những ngày qua bỗng sụt mạnh một cách bất thường. Theo tìm hiểu của NNVN, thực chất đây là chiêu trò của các giới đầu cơ quốc tế, bắt tay nhau tung giá “ảo” lên sàn để trục lợi…
CHỈ LÀ GIÁ “ẢO”
Đã không ít lần, giới đầu cơ hồ tiêu quốc tế luôn rình rập chờ cơ hội để liên kết, dìm giá hồ tiêu của nước ta, vì đơn giản VN đang chiếm tới trên 50% sản lượng XK hồ tiêu toàn cầu. Trước đây, có những năm sản lượng hồ tiêu không tăng, sản lượng không quá dư thừa, nhưng do bàn tay của các nhà đầu cơ “làm giá” đã kéo hồ tiêu rơi tự do xuống dưới 2.000 USD/tấn (mức thấp kỷ lục). Và lần này có vẻ như kịch bản đó đang được lặp lại.
Giá hồ tiêu XK của VN những ngày gần đây chỉ đạt ở mức 6.000 USD/tấn tiêu đen và trên 8.000 USD/tấn tiêu trắng (giảm gần 2.000 USD/tấn so với thời kỳ cao điểm cuối năm 2011 và quý I/2012). Nhiều chuyên gia trong ngành hồ tiêu khẳng định: Rõ ràng “bàn tay” của các nhà đầu cơ đang thọc sâu vào thị trường hồ tiêu thế giới. Các nhà đầu cơ (nhập khẩu) sau khi liên kết đã tự đặt ra giá “ảo” và tự đưa lên sàn giao dịch, nhằm đánh tụt giá hồ tiêu của VN.
Tuy nhiên, người nông dân và DN XK cần hết sức cảnh giác vì giá “ảo” cực thấp trên sàn này chỉ là mua bán… trên giấy, không phản ánh các giao dịch thực trên thị trường. Đơn giản như tại VN, các đại lý gom tiêu dựa vào giá “ảo” này để ra giá thu mua tiêu xô (tại vườn) còn 120.000 đồng/kg, nhưng hầu hết chẳng nông dân nào bán ra. Vì thế, giao dịch thực gần như không có, rất trầm lắng. Theo tìm hiểu của PV, các DN trữ tiêu từ đầu vụ đến giờ nếu tính tất cả chi phí (lãi vay ngân hàng, kho bãi, hao hụt, nhân công…) thì giá không thể dưới 130.000 đồng/kg, nếu XK với giá như hiện nay 6.000 USD/tấn thì chắc chắn lỗ.
Liên quan đến thông tin đã có DN XK của VN do ký giao xa, giờ giá hồ tiêu giảm đã phải chịu thua lỗ hoặc không thực hiện đúng hợp đồng, ông Trần Đức Tụng – Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) cho biết: “Lượng DN ký giao xa với giá bất lợi rất ít, chỉ trừ một số DN chịu áp lực vốn vay, hoặc một số DN lớn kinh doanh đa mặt hàng hạch toán kinh doanh lỗ lãi trên nhiều sản phẩm (bù qua sớt lại) thì mới xuất hàng bán với giá này thôi”.
GIÁ SẼ TĂNG!
Theo VPA, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu của nhiều năm qua chỉ xoay quanh 300.000 tấn, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sức sản xuất không thể tăng ngay vì đây là cây công nghiệp dài ngày (sau 4 năm mới cho thu hoạch). Đặc biệt vốn đầu tư lớn (từ 1 tỷ đồng/ha) nên không phải bất cứ hộ nông dân nào cũng có thể đầu tư được. Cây hồ tiêu cũng rất khó tính, dễ bị tổn thương về sâu bệnh, nên cũng rất dễ “trắng tay”.
Những nguyên nhân này khiến cây hồ tiêu không dễ bùng nổ sản lượng như những loại cây ngắn ngày khác, cộng với diện tích già cỗi tăng cao khiến nguồn cung trong phạm vi toàn cầu khá ổn định. Đặc biệt, nguồn dự trữ hồ tiêu trên thế giới nhiều năm qua luôn ở thế hạn hẹp, càng khiến các nhà đầu cơ nóng lòng tung nhiều chiêu trò để tìm kiếm nguồn hàng giá rẻ.
VPA cho biết, khảo sát các nông hộ và DN mới đây (hiện còn trữ khoảng 40.000 - 45.000 tấn tiêu) họ đều khẳng định: Nếu giá XK tiêu đen đạt trên 7.000 USD/tấn, kéo giá tiêu xô trong nước đạt trên 140.000 đồng/kg, thì họ có thể sẽ bán. Nếu xu thế này diễn ra, lượng hồ tiêu XK năm 2012 có thể đạt 110.000 - 115.000 tấn, tổng kim ngạch đạt khoảng 780 triệu USD. Ngược lại nếu không đạt giá trên thì phần lớn nông dân tiếp tục trữ hàng và DN nếu bán phải hết sức cân nhắc, tránh ký giao xa gây bất lợi. |
Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu trên toàn cầu tăng trung bình 2 – 5%/năm. Xét về mặt cung – cầu, hoàn toàn có lợi cho các nhà sản xuất và XK. Chính vì thế mà trong vòng mấy năm qua, giá hồ tiêu đen từ khoảng 3.000 USD/tấn đã liên tục tăng lên tới 8.000 USD/tấn (năm 2011 và quý I/2012); còn tiêu trắng từ 5.000 USD tấn đã tăng lên tới 10.000 USD/tấn (năm 2011 và quý I/2012).
Thực tế này đã phản ánh sự mất cân đối cung – cầu và không lý gì giá lại tụt sâu khi nguồn hàng đang thiếu. Đây cũng chính là lý do khiến các nhà NK đầu cơ hồ tiêu “nóng mặt” và lo sợ về sức mạnh cán cân trên 50% thị phần XK tiêu trên toàn cầu của VN.
Theo ông Trần Đức Tụng, do công tác thông tin, dự báo của ngành hồ tiêu khá tốt, đặc biệt là khuyến cáo nông dân không bán tháo hồ tiêu lúc chính vụ mà phối hợp bán rải đều các tháng trong năm, nhằm tối đa hóa lợi nhuận đã khiến thị trường hồ tiêu hiện nay co kéo, không theo ý muốn của giới NK đầu cơ.
Các DN hồ tiêu VN cũng tổng kết rút ra được nhiều bài học là phải “chơi” theo kiểu nông dân: Khi nông dân không bán hàng, trong kho DN lại không có chân hàng cần và đủ thì không được ký giao xa. DN phải “chơi bài” làm dịch vụ XK cho người trồng trọt (nói nôm na là “mì ăn liền"), mua đến đâu bán đến đấy, đánh nhanh rút gọn, lợi nhuận ít nhưng luôn chắc ăn.