| Hotline: 0983.970.780

Bài 2: Đói ở bản tái định cư

Thứ Ba 06/03/2012 , 10:30 (GMT+7)

Nhìn vào những ngôi nhà ở bản tái định cư thuỷ điện Huội Quảng, Bản Chát thì khó tin rằng người dân ở đây đang phải đối mặt với cái đói vàng mắt...

Bản tái định cư Pắc Khoa
Nhìn vào những ngôi nhà ở bản tái định cư thuỷ điện Huội Quảng, Bản Chát thì khó tin rằng người dân ở đây đang phải đối mặt với cái đói vàng mắt. Không ruộng vườn, tiền đền bù thì đã tiêu hết, cả bản lũ lượt kéo nhau đi làm thuê hay lên rừng kiếm cái ăn qua ngày. Hy vọng cuộc sống no đủ ở nơi tái định cư hãy còn xa vời lắm…

>> Bài 1: Mùa đói trên núi cao

Bản Pắc Khoa tựa lưng vào núi Khỉ nhìn ra cánh đồng xã Phúc Khoa (Tân Uyên, Lai Châu) có 52 hộ, 306 khẩu. Đây là bản tái định cư của người Khơ Mú mới di chuyển khỏi lòng hồ thuỷ điện Bản Chát từ ngày 18/2/2011. Nhìn những ngôi nhà mới dựng khá khang trang thì khó tin rằng cuộc sống của người dân nơi đây đang phải đối mặt với cái đói rạc dài chưa từng thấy. Vào độ này năm ngoái, bản nhộn nhịp và náo nhiệt tiếng đục, tiếng máy xẻ, máy cưa để dựng lên những ngôi nhà mới. Sau một năm mọi gia đình đã tạm ổn định nơi ăn, chốn ở, còn bây giờ thì mọi nhà đều bận rộn lo miếng ăn.

Khoảng chín giờ tôi đến Pắc Khoa, bản vắng tanh, chỉ gặp đôi ba người già và đám trẻ chưa đến tuổi đi nhà trẻ. Gió thổi thông thống từ đầu bản tới cuối bản, ở ngang lưng chừng núi nên gió nhiều quá. Trưởng bản Lò Văn Chô đang loay hoay tìm chiếc thẻ bảo hiểm y tế, anh bảo: Cháu gái đi bệnh viện sinh con, có mang thẻ bảo hiểm nhưng không đúng tên phải về lấy, chả biết để ở đâu…Tôi hỏi: Bản sao vắng thế, mọi nhà đã được phân đất sản xuất rồi sao? Chô lắc đầu: Làm gì đã có ruộng, mọi người rủ nhau đi làm thuê cả rồi. Người đi hái chè, người đi phụ hồ xây dựng, ở đâu có ai thuê thì đi. Mọi nhà trong bản đều đang đói, chỉ có khoảng chục nhà còn thóc ăn…

Chô cho hay: Trong số 52 hộ thì có 19 hộ đăng ký nhận tiền tự đi mua ruộng, còn 33 hộ đợi nhà nước phân ruộng. Từ quỹ đất ở của bản Pắc Khoa còn dôi 2,5 ha ruộng, Ban Quản lý dự án Xây dựng cơ bản và hỗ trợ bồi thường di dân tái định cư huyện Tân Uyên đề nghị phân số diện tích đó cho một số hộ, nhưng không ai nhận, họ đề nghị khi nào có đủ ruộng thì phân một thể, khi đó mọi người mới nhận. Còn diện tích ấy mọi nhà trong bản cùng trồng đậu, trồng lạc. Cho đến nay người đăng ký nhận tiền tự mua đất vẫn chưa nhận được đồng nào, thành ra cả người tự đi mua đất và người chờ phân đất đều chưa có một mét vuông đất sản xuất. Ông Lò Văn Tàng, Bí thư Đảng bộ xã Phúc Khoa cho biết: Diện tích ruộng theo định mức mỗi khẩu là 350m2, bản Pắc Khoa còn thiếu khoảng 5 ha nữa. Người dân sở tại đồng ý bán số ruộng cho bà con mới đến, nhưng không nhất trí với giá đất mà tỉnh Lai Châu quy định là 25.000đ/m2, họ đòi 90.000đ/m2 như giá đền bù ở Tam Đường khi xây dựng công trình thuỷ lợi. Xã và huyện đang thương thảo với bà con và xin ý kiến tỉnh. Vì thế, hiện chưa có đủ đất để giao cho bà con sản xuất…

Những hạt cơm nguội cuối cùng
Trưởng bản Chô cho hay, tháng 9/2011 bản được hỗ trợ lương thực đợt 3, nhà anh có 4 khẩu được lĩnh 13,288 triệu. Số tiền ấy đã đong gạo ăn hết từ lâu rồi, số thóc còn lại gia đình anh dùng tiền đền bù hoa màu, vật dụng kiến trúc để mua dự trữ. Nhiều gia đình đến Tết Nhâm Thìn không còn hạt gạo nào ăn, huyện cho tạm ứng một ít gạo để bà con ăn Tết, đến nay nhiều nhà không còn hạt gạo nào. Ruộng thì không có để sản xuất, vụ xuân 2012 gia đình Chô phải đi mượn ruộng ở bản Phúc Khoa để cấy, tới vụ gặt thì chia đôi số thóc. Chỉ có 30 hộ mượn được ruộng, mỗi nhà vài sào, số hộ còn lại vừa không mượn được ruộng lại không có tiền mua thóc giống, phân bón nên phải đi làm thuê kiếm tiền đong gạo đợi nhà nước phân ruộng. Chô thở dài: Chỉ còn hai tháng nữa là đến mùa cày cấy vụ mùa, nhưng đến nay bà con vẫn chưa được phân ruộng, chả biết bao giờ mới có ruộng. Không có ruộng thì năm sau càng đói…

Nói rồi Chô dẫn tôi qua nhà Hoàng Văn Bun. Nhà Bun hết gạo ăn từ Tết, bố của Bun là ông Hoàng Văn Phom dắt được con trâu từ bản cũ về, tới nơi ở mới do không có bãi chăn thả, con trâu gầy ốm ông Phom sợ nó chết nên rủ mọi người mổ đổi được 5 tạ lúa, Bun được bố cho một bao thóc xát gạo cho con ăn. Vợ Bun là Hoàng Thị Lả bảo: Số thóc bố cho đã ăn hết từ mấy hôm nay rồi, chồng cháu đang đi làm thuê. Hôm nào có việc thì làm, không có việc thì ở nhà hoặc lên rừng tìm rau măng, đào củ rừng… kiếm được cái gì thì ăn cái nấy. Lả ngồi bó gối nhìn ra cửa đợi chồng đi làm về có tiền đong gạo thổi cơm cho con ăn. Nhìn khắp nhà chả thấy bao thóc, bao gạo nào. Nhà Lò Văn Xuân xem ra còn bi đát hơn, gạo đã hết từ lâu, Tết được tạm ứng ít gạo chỉ đủ ăn mấy ngày, anh phải đi làm phụ hồ, cũng chẳng đủ việc làm nên hôm nay ở nhà đan rào trồng rau. Không có đất trồng rau, thứ gì cũng mua thì đào đâu ra tiền, nên phải vay mượn lung tung khắp nơi. Anh bảo: Hôm qua cháu lên quán "cắm" 20 kg gạo, giá mười bốn, thành tiền là hai trăm tám. Không có ai thuê làm thì chả biết lấy tiền đâu để trả…

Không cần giở sổ Lò Văn Chô kể vanh vách những gia đình như: Lò Văn Phớ có 8 khẩu, Lò Văn Phom 8 khẩu, Hoàng Văn Nhứng 5 khẩu, Lò Văn Tèn 8 khẩu… giờ đang đói lắm, phải chạy ăn từng bữa. Sắn cũng không có mà ăn, ở bản cũ thì còn có sắn nên cũng đỡ. Còn ở nơi tái định cư ruộng nương chưa có, chả biết làm gì để sống. Mọi người túa nhau đi làm thuê, người hái chè, người phụ hồ, người vào các bãi vàng… gặp việc gì thì làm cốt kiếm được đồng tiền để mua gạo và mắm muối. Buổi sáng trên con đường vào bản Pắc Khoa từng tốp người rồng rắn nhau đi làm thuê, nhiều người tối mịt mới trở về nhà.

Một nỗi buồn bi đát hiện rõ trên gương mặt Lò Văn Chô, anh lắc đầu chán nản: Thiếu ăn và thiếu cả nước sinh hoạt, đã mấy ngày nay nước sạch không về, cả bản phải xuống suối Nặm Bon gánh nước và tắm giặt. Đói quá, bà con đang đợi tiền hỗ trợ đời sống năm 2012, nhưng cán bộ bảo chưa có tiền, chẳng biết bao giờ mới có. Bản mới đẹp hơn bản cũ, nhưng mà đói thì đẹp làm gì…

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng

Ông Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 2]: Đất, nước đều ô nhiễm

'Hồi chưa làm nhựa thì còn thấy đồng lúa thẳng cánh cò bay, nước kênh còn trong. Bây giờ nước đen ngòm ruộng đồng không trồng trọt gì nữa…', người dân Xà Cầu chia sẻ.