|
Dù có một chân nhưng ông Phụng là một thợ lặn nức tiếng đầm Thủy Triều |
Ở ông có ý chí và nghị lực phi thường vượt lên số phận để mưu sinh, dũng cảm cứu vớt những phận người suýt làm mồi cho “hà bá”.
Ông là Mai Xuân Phụng, SN 1963, trú tại tổ dân phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).
Tàn mà không phế
Đầm Thủy Triều là vùng đất chuyển tiếp giữa đất liền của huyện Cam Lâm với vịnh Cam Ranh. Đây là đầm có nguồn lợi thủy sản phong phú và là nơi mưu sinh của ngàn hàng người dân sống dọc theo con đầm hành nghề mò cua, bắt cá.
Trong số những phận người mưu sinh trên đầm, trường hợp của ông Mai Xuân Phụng (thường được gọi tên thân mật là Ba Bèo) là đặc biệt. Dù chỉ còn một chân nhưng ông lại là một thợ lặn nức tiếng vùng đầm Thủy Triều.
Năm ông lên 17 tuổi, do vô tình giẫm phải mìn còn sót lại sau chiến tranh ở khu vực ngoài bãi biển lớn, nay thuộc bãi Dài (Cam Lâm) nên chỉ còn một chân.
Sau này lớn lên, nỗi đau dần nguôi đi và ông bắt đầu nhận ra nhiều điều về cuộc sống. Khi chứng kiến nhiều số phận còn khó khăn hơn mình nhưng họ vượt lên mọi thử thách và làm những việc tưởng như không thể, ông Phụng quyết tâm vượt khó.
Kể về những ngày đầu tiên đi lặn, nhiều người cứ lo ông đuối nước và gia đình khuyên đừng chọn nghề đó. “Lúc đó, họ bảo tôi chân như thế kia lặn sao được?”, ông Phụng kể.
Nhưng rồi, ông bỏ ngoài tai tất cả. Ngày ngày luyện tập. Cuối cùng, ông cũng đã lặn được khiến nhiều người phải kinh ngạc.
Tôi tò mò không biết ông lặn như thế nào? Ông bảo, trước kia khi chưa lặn bằng “đồ hơi” (lặn có hỗ trợ bình ắc qui và quần áo lặn) ông chỉ “lặn bộ” (lặn không có gì hỗ trợ) thả lờ bắt cá kiếm sống rất khá.
Về sau này, khi “lặn bộ” không còn kiếm ăn được nữa, ông bắt đầu tiếp cận lặn bằng “đồ hơi”. Để có thể lặn lâu hàng giờ dưới nước, ông sử dụng chân giả tự chế lại gót cao su không có bàn chân để có thể rút ra dễ dàng khi gặp sự cố hay bị lún chân dưới bùn.
Bên cạnh đó để cho người chìm dưới đáy không bị áp suất đẩy lên, ông buộc trong người một khối lượng chì nặng từ 10-12 kg, đồng thời mặc áo lặn để góp phần giữ nhiệt cho cơ thể.
|
Số tôm cá thu được đã nuôi sống gia đình ông bao năm qua |
Công việc hàng ngày của ông bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc 1 - 2 giờ chiều. Mỗi ngày đi lặn ngụp như thế từ việc bắt con còng, cá, ghẹ và đuôi heo (một loại ốc) cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng.
“Dù số tiền không nhiều và chẳng giúp gia đình khá giả nhưng tôi rất tự hào công sức mình bỏ ra. Từ số tiền kiếm được hàng ngày, tôi đã nuôi 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn”, ông Phụng tâm sự.
Ân nhân của nhiều người
Không chỉ mưu sinh, ông Phụng còn là ân nhân của nhiều người sống quanh đầm không may đi ghe, thuyền gặp nạn mỗi khi sóng to, gió lớn. Bao năm qua, bất kể mưa nắng đêm ngày, ông đã không quản ngại khó khăn để trục vớt tài sản cho nhiều ghe, thuyền bị nạn, và những phận người suýt làm mồi cho “hà bá”.
Tôi hỏi, ông có nhớ đã bao nhiêu lần cứu vớt những người gặp nạn trên đầm không? Ông bảo chẳng nhớ nổi. Bởi ông cho rằng giúp người trong hoạn nạn là việc phải làm.
“Từ xưa đến nay dân biển chúng tôi có luật là ghe thuyền của ai hỏng máy thì phải kéo vào bờ, còn chìm thì cứu vớt và mất tích phải tìm kiếm ra xác. Thương người như thể thương thân nên khi giúp người tôi không nghĩ đến công và đền đáp”, ông Phụng bộc bạch.
Anh Lê Thanh Hải, một người dân ở tổ dân phố Tân Hải nhận xét, việc làm ý nghĩa của ông Phụng được nhiều người ghi nhận.
Còn ông Trần Phổi, Tổ trưởng tổ dân phố Tân Hải, đánh giá: Ông Phụng là tấm gương sáng để nhiều người noi theo. Mỗi khi trời mưa bão không may có người gặp nạn trên đầm, ông ấy là một trong những người tiên phong trong việc cứu người và tài sản. Thật đáng khâm phục.
+ Ông Phụng chia sẻ, thợ lặn phải biết làm chủ được nước, giữ nhiệt cơ thể để có thể lặn sâu mà không bị nhức xương; phải biết phát hiện được luồng nước độc, luồng xoáy để tránh nguy hiểm… Dù chỉ trang bị ống dẫn hơi và đồ lặn biển gồm quần áo, kính lặn sơ sài, không hề có một thiết bị bảo hộ nào khác nhưng bao năm qua nghề lặn đã giúp gia đình ông sống qua ngày. + Tính đến nay ông Phụng đã có hơn 30 năm trong nghề lặn. Bây giờ nghề lặn thu nhập kém hơn trước bởi nguồn lợi thủy sản không còn nhiều như xưa. Hiện nay, nhiều bạn lặn của ông đã bỏ nghề vì không lo nổi cuộc sinh nhai đầy khó khăn, chỉ còn vài ba người trụ lại. Nhưng đối với riêng ông Phụng, đầm Thủy Triều dẫu không còn nhiều loài thủy sản cho ông đánh bắt, nhưng cái máu, cái nghề lặn đã ăn vào máu thì không thể bỏ được. |