Thứ Bảy, 15/2/2025 3:1 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ ca trù Cổ Đạm không còn phải bảo vệ khẩn cấp?

Thứ Tư 29/01/2025 , 12:32 (GMT+7)

Trong vòng xoáy phát triển đa dạng các loại hình âm nhạc, ca trù đang phải đối mặt với nhiều sóng gió trong hành trình thoát ra khỏi bảo vệ khẩn cấp. 

Nghề không nuôi nổi nghề

Diễn xướng ca trù vốn được xem là thể loại âm nhạc bác học với những ca từ uyên thâm. Xưa kia, ca trù chuyên phục vụ cho giới thượng lưu, chính nhân quân tử, qua nhiều triều đại phong kiến và nổi lên như một hiện tượng âm nhạc đỉnh cao thời bấy giờ. Ở thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, ca trù lọt thỏm giữa các loại hình âm nhạc đương đại.

Năm 2009, UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ảnh: Hưng Phúc.

Năm 2009, UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ảnh: Hưng Phúc.

Ngày 1/10/2009, UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Những năm tiếp theo, nhiều ban, ngành, địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh quan tâm khôi phục, ca trù dần có được hơi thở và sức sống mới. Dẫu vậy, trong vòng xoáy của sự nghiệp công nghiệp hóa, chuyển đổi số và sự phát triển đa dạng các loại hình âm nhạc, ca trù vẫn còn phải đối mặt với nhiều sóng gió, nguy cơ mai một. 

Ông Nguyễn Long Thiên, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Nghi Xuân, chia sẻ: “Dù ca trù có giá trị đặc sắc, được UNESCO công nhận và yêu cầu bảo vệ khẩn cấp nhưng có một thực tế đáng ngại là hơn 15 năm trôi qua, ca trù vẫn đang bị đe dọa. Với các điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế hiện nay, sự giao lưu các nền văn hoá, sự phát triển truyền thông đại chúng, sự thay đổi nếp sống, lối sống, sự tấn công vào truyền thống dân gian của các hình thức âm nhạc, vui chơi giải trí... đang khiến cho vị trí của ca trù bị lung lay trong lòng dân chúng”.

Ở Nghi Xuân hiện đang song song tồn tại 2 câu lạc bộ (CLB) ca trù: Nguyễn Công Trứ và Cổ Đạm, với số lượng thành viên dao động từ 30 - 50 người. Mỗi khi cất lên tiếng phách, tiếng đàn, các ca nương, kép đàn ở đây như đắm mình vào một thế giới chỉ có âm nhạc. Cứ ngỡ những cặp ca nương, kép đàn kia không vướng bận với nỗi lo cơm áo gạo tiền… nhưng thực tế lại rất phũ phàng là “nghề không nuôi nổi nghề”.

Tuy nhiên, 15 năm qua việc bảo vệ khẩn cấp gặp nhiều khó khăn và ca trù đang dần lung lay trong lòng dân chúng. Ảnh: Hưng Phúc.

Tuy nhiên, 15 năm qua việc bảo vệ khẩn cấp gặp nhiều khó khăn và ca trù đang dần lung lay trong lòng dân chúng. Ảnh: Hưng Phúc.

Nghệ nhân ưu tú, ca nương Dương Thị Xanh đã phải thốt lên như thế khi chị trót yêu ca trù từ thuở ấu thơ, gắn bó với 2 CLB ca trù ở Nghi Xuân hàng chục năm nhưng phải “tha phương cầu thực” nơi xứ người suốt 3 năm để nuôi đam mê.

“Tôi đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan 3 năm, từ 2016 đến 2019. Thời điểm đó, cả 2 vợ chồng đều là hạt nhân nòng cốt ở các CLB nhưng kinh tế gia đình không gánh được cho hoạt động văn hóa, văn nghệ nên tôi buộc phải đi nước ngoài để kiếm kế sinh nhai”, nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh bày tỏ.

Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Nghi Xuân, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khiến sự tồn tại của ca trù đã và đang bị đe dọa. Ví như chưa có các chủ trương, chính sách ưu tiên đối với việc bảo tồn phát huy giá trị di sản ca trù; quy hoạch thiết chế văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực đang còn nhiều bấp cập; địa phương nơi có di sản ca trù chưa có hệ thống thiết chế văn hoá đồng bộ; trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản còn nhiều hạn chế.

Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh (thứ 2 bên phải) là một trong những ca nương hiếm hoi ở huyện Nghi Xuân gắn bó với ca trù từ thuở bé. Ảnh: Hưng Phúc.

Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh (thứ 2 bên phải) là một trong những ca nương hiếm hoi ở huyện Nghi Xuân gắn bó với ca trù từ thuở bé. Ảnh: Hưng Phúc.

Đặc biệt, đội ngũ tác giả soạn lời mới cho ca trù hầu như là con số 0. Tính sau 35 năm trên địa bàn toàn huyện Nghi Xuân chỉ có được một vài bài viết lời mới cho nghệ thuật ca trù, một phần do việc viết lời mới cho làn điệu ca trù vô cùng khó, phần nữa các cấp, các ngành chưa có sự động viên, quan tâm đúng mức đối với đội ngũ viết lời mới cho ca trù…

Cần chính sách đãi ngộ tương xứng cho các nghệ nhân

Giới chuyên gia nghiên cứu về văn hóa đánh giá, ca trù Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân có nét riêng về bản sắc với những ca từ, âm vần, nhạc điệu, được thẩm thấu, sàng lọc và cô đọng qua nhiều năm, nhiều thế hệ. Trải qua thăng trầm, biến thiên của lịch sử, cho đến nay, ca trù Cổ Đạm vẫn còn nguyên những giá trị nhất định về lịch sử, văn hóa và xã hội...

Tuy nhiên, do thiếu sự quan tâm, đầu tư tương xứng nên đến thời điểm này, trong số hàng trăm học sinh từng biết hát ca trù, sau khi học xong lớp 12 đều đã rời xa quê hương kiếm kế sinh nhai. 15 năm qua chỉ duy nhất ca nương Phan Thị Sâm ở lại do lấy chồng trong làng. Tất cả những yếu tố này khiến ca trù khó “sống” ở thời đại ngày nay.

Di tích Nguyễn Công Trứ - nơi sinh hoạt của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Hưng Phúc.

Di tích Nguyễn Công Trứ - nơi sinh hoạt của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Hưng Phúc.

Về lâu dài, những người làm công tác văn hóa ở Hà Tĩnh mong muốn, 15 tỉnh, thành phố trên cả nước có ca trù cần kết nối với nhau dưới sự chủ trì của cơ quan cấp bộ, xây dựng một chương trình hành động cụ thể; thành lập Ban bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể ca trù; xây dựng các chính sách đãi ngộ với các nghệ nhân, hạt nhân có nhiều thành tích xuất sắc.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho những tác giả viết lời mới có chất lượng tốt và đạt giải cao trong các cuộc hội thi, hội diễn cấp tỉnh, Trung ương; tổ chức quảng bá về ca trù bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, khai thác giá trị ca trù một cách bền vững nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Xem thêm
H.Kane vượt mặt E.Haaland trong ngày Bayern Munich thắng hú vía

Tại vòng 20 Bundesliga, H.Kane lập kỷ lục ghi bàn trong ngày Bayern Munich thắng hú vía 4-3 trước Holstein Kiel.

Hàng vạn người dân tham gia lễ hội đua thuyền Thuận Long

Sự kiện đua thuyền Thuận Long (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách thập phương đến theo dõi và cổ vũ.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất