| Hotline: 0983.970.780

'Sách lừa' của NXB Đồng Nai

Thứ Sáu 18/09/2015 , 07:20 (GMT+7)

Xuất phát từ tâm lý muốn tìm hiểu về dòng của họ mình trong nước ra sao, nhiều người sẵn sàng chi 335.000 đồng để mua sách "Tôn vinh...". Tuy nhiên, khi xem nội dung sách mới biết bị lừa.

dsc0210610194540
Cuốn sách “Tôn vinh những người con làm rạng danh trong các dòng họ nổi tiếng Việt Nam”

Từ cuối năm 2014 đến nay, nhiều độc giả (phần lớn làm việc trong các cơ quan Nhà nước) phản ánh, kêu ca về những cuộc điện thoại gọi đích danh, chào mời, thuyết phục mua cuốn sách  “Tôn vinh những người con làm rạng danh trong các dòng họ nổi tiếng Việt Nam” (Thùy Linh - Việt Trinh - NXB Đồng Nai - 2014, sau đây gọi tắt là "Tôn vinh").

Nếu người mua mang họ Lê, người bán sẽ nói đây là cuốn sách viết về dòng họ Lê toàn quốc, nếu là họ Nguyễn, người bán lại giới thiệu sách viết về họ Nguyễn... do các GS, TS tên tuổi biên soạn.

Xuất phát từ tâm lý muốn tìm hiểu về dòng của họ mình trong nước ra sao, nhiều người sẵn sàng chi 335.000 đồng để mua sách. Tuy nhiên, khi xem nội dung sách mới biết bị lừa.

Sách "Tôn vinh" có hai phần:

Phần I Đôi nét về các dòng họ Việt Nam

Phần này chỉ có 75 trang, gồm một số bài viết khai thác từ nguồn vanhoadongho.vn. Trong đó GS Trần Quốc Vượng (1 bài), TS Nguyễn Xuân Kính (1 bài), GS Vũ Khiêu (nhiều bài, nguồn copy từ nguồn langmotrach.com) Trịnh Khắc Mạnh (Hannom.org.vn)... Một số bài không có tên tác giả, chỉ chú thích “theo vanhoadongho.vn”

Phần II Những người con ưu tú trong các dòng họ Việt Nam.

Đa số các bài viết cóp nhặt từ các trang mạng, sách báo đã xuất bản, “thượng vàng, hạ cám”, đủ các nguồn như: Hồ Chí Minh (Chính phủ Việt Nam-1945-1998. NXB Chính trị Quốc gia, 1999); Lê Đức Thọ  (theo báo Nam Định); Lý Tự Trọng (theo doanthanhnien.vn); Võ Nguyên Giáp (vov.vn); Ngô Bảo Châu (theo toantieuhoc.vn)...

Sách không có phần “Phàm lệ” nên cũng không biết các tác giả căn cứ vào tiêu chí nào để chọn ra “các dòng họ nổi tiếng” với “những người con làm rạng danh”? Ví dụ, họ Giang ở Việt Nam có nổi tiếng không? Nếu nổi tiếng tại sao sách chỉ chọn được mỗi “một người con” là Giang Văn Minh - văn thần đời Lê Thần Tông?

Phần họ Đinh, căn cứ vào đâu, các tác giả “tôn vinh” 3 “người con” là Đinh Tiên Hoàng, Đinh Công Tráng và Đinh Xuân Lâm (GS Sử học đương đại)? Và lý do gì xếp chung 3 “cụ” vào cùng một “chiếu”?

Nghe tên sách, độc giả cứ ngỡ sách biên soạn có hệ thống, khoa học. Ví dụ cùng họ Nguyễn, nhưng sẽ phân biệt các nhân vật lịch sử, danh nhân thuộc dòng Nguyễn nào. Thế nhưng thực tế trong sách cứ “Nguyễn” là được xếp chung vào một “mâm”.

Ví dụ căn cứ vào đâu, và tại sao lại xếp chung Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Huệ... vào một dòng Nguyễn? Nguyễn Huệ làm rạng danh Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng bằng cách đánh cho Nguyễn Ánh phải chạy dạt ra tận đảo Thổ Chu chăng? Hay hậu duệ của Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ánh có công làm "rạng danh" dòng Nguyễn Huệ bằng cách diệt Nhà Tây Sơn rồi quật mồ mả, giam hài cốt từ cha đến con vào ngục tối?

Đọc kỹ một chút bài về hai nhân vật quê Thanh Hóa: Lê Lợi và Lê Văn Hưu đã phát hiện ngay những cái sai rất sơ đẳng:

Bài “Lê Lợi”, viết: “Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, anh thứ là Trư)”. Tuy nhiên, "Đại Việt sử ký toàn thư" và "Lam sơn thực lục", cùng nhiều sách khác chép rõ: Lê Lợi là con của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Thương chứ không phải “Hương”.

Anh thứ của Lê Lợi tên “Trừ” chứ không phải là “Trư”. Về cái sai thứ 1, tôi nhớ ra ngay lỗi đánh máy của sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (Nguyễn Q.Thắng - Nguyễn Bá Thể - NXB Văn hóa thông tin -1999) khi viết về Lê Lợi: “Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, anh thứ là Trừ)”. 

Cái sai thứ 2: Có lẽ khi chép lại sách "Từ điển nhân vật lịch sử", các tác giả sách "Tôn vinh..." của NXB Đồng Nai chép lấy cái sai do lỗi đánh máy của người khác, rồi góp thêm một cái sai nữa: "Trừ" viết thành "Trư" (!)

Bài về Lê Văn Hưu, khi giới thiệu làng Phủ Lý, sách chú thích: “... nay thuộc xã Triệu Trung, huyện Thiệu Hóa...”. Tuy nhiên, Thanh Hóa không có xã nào là “Triệu Trung” (chỉ có xã Thiệu Trung thuộc huyện Thiệu Hóa).

Lỗi này không phải lỗi văn bản, vì “Triệu Trung” được nhắc lại trong đoạn văn khác: “đất Triệu Trung vốn là trang trại của vị tổ khai sáng dòng họ Lê”. Bài này, phần tên tác giả thấy mở ngoặc: “ (Theo GS Đặng Đức Siêu)”. Không rõ GS Đặng Đức Siêu viết như vậy hay trong khi các vị xào xáo món "sách lừa", chữ tác lại thành chữ tộ?

Về vấn đề bản quyền, các tác giả biên soạn sách thừa nhận: “Đây là cuốn sách được biên soạn trên cơ sở sưu tầm, chọn lọc từ các nguồn tư liệu khác nhau đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do điều kiện khách quan, chúng tôi chưa trực tiếp liên hệ để xin phép trước, thành thật xin sự lượng thứ của các tác giả”. Hóa ra xin phép được "vi phạm bản quyền” chỉ đơn giản thế thôi ư? 

Cuối cùng, về chuyện chế bản, in ấn, có lẽ sách “Tôn vinh...” cũng đáng được độc giả “tôn vinh” bằng danh hiệu "cẩu thả bậc nhất", bởi lỗi chính tả do phát âm tràn lan trong sách. Toàn bộ chú thích trong “Phần II Những người con ưu tú trong các dòng họ Việt Nam” bị lỗi phông chữ, không đọc được.

Không hiểu sao, một cuốn sách vi phạm bản quyền, biên soạn theo kiểu xáo xào, cẩu thả, sai sót tràn lan như vậy vẫn được phát hành và ngang nhiên đem rao bán lừa độc giả?

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm