Thanh tra Chính phủ vừa công bố sẽ tiến hành thanh tra dự án này.
Dự án đường sắt trên cao tuyến Ga Hà Nội – Nhổn gồm 9 gói thầu, trong đó nhiều gói thầu đang bị đội giá. Mỗi năm TP Hà Nội lại ra quyết định điều chỉnh kế hoạch cho các gói thầu, thậm chí có gói thầu điều chỉnh tới vài lần trong một năm. Mỗi lần điều chỉnh lại mất thêm cả trăm tỉ đồng.
Từ tháng 7/2013, TP Hà Nội bắt đầu điều chỉnh kế hoạch đấu thầu của các gói thầu số 3, 6, 7, 8, 9 của dự án. Cụ thể, gói thầu số 3 thành 226.246.839 triệu euro tăng trên 56 triệu euro; gói thầu số 6 thành 183,091 triệu euro tăng thêm 10 triệu euro; gói thầu số 7 thành 54 triệu euro tăng thêm trên 12 triệu euro; gói thầu số 8 thành 50 triệu euro tăng thêm 13 triệu euro; gói thầu số 9 thành 15,285 triệu euro tăng thêm gần 7 triệu euro. Với kế hoạch bổ sung này, Việt Nam sẽ phải vay thêm 246 triệu euro của các nhà tài trợ.
Năm 2014, các gói thầu số 3, 6, 7 lại trải qua vài đợt tăng giá nữa. Và theo cập nhật mới nhất của Báo NNVN thì đến nay gói thầu số 6 đã tăng lên thành 265 triệu đội giá so với dự toán ban đầu khoảng 92 triệu euro còn gói thầu số 3 đã lên tới 302 triệu euro, đội giá khoảng 133 triệu euro.
Như NNVN đã từng phản ánh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dự án bị đội giá trong đó phần lớn là lỗi chủ quan của chủ đầu tư đã khiến cho nhà nước bị thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Đơn cử như tại gói thầu số 6, gồm các hạng mục Đầu máy toa xe, Thiết bị Depot, OCC/SCADA (hệ thống quản lý tòa nhà trong các ga) tín hiệu, thông tin và cấp điện. Gói thầu này được phê duyệt dự toán là 234.750.000 euro.
Nhưng nhà thầu Liên danh ALSTOM Transort SA – COLAS rail SA –THALES Communication& Security SAS đã chào giá dự thầu là 265.291.000 euro cao hơn giá dự toán được duyệt tới trên 30,5 triệu euro mà vẫn được chủ đầu tư cùng UBND TP Hà Nội chấp nhận. Điều quan trọng hơn là trong gói thầu số 6 này, nguồn vốn Chính phủ Pháp cho Việt Nam vay là 247,41 triệu euro nhưng phía Việt Nam sẽ phải chi trên 265 triệu euro cho nhà thầu liên doanh của Pháp?
Chưa hết, trong gói thầu số 1 tuyến đoạn trên cao, chủ đầu tư MRB còn có dấu hiệu thông thầu và cố tình tìm cách “sút bay” nhà thầu bỏ giá rẻ và chấm cho nhà thầu khác bỏ giá cao hơn được trúng thầu. Thực tế gói thầu này có 5 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu với giá dự thầu từ thấp tới cao như sau: Nhà thầu Posco (Hàn Quốc) giá 56.085.919 euro; Liên danh nhà thầu Cienco1 – Lotte có giá 61.805.890 euro (có đơn giảm giá); Nhà thầu Kaengnam bỏ giá 62.122.670 euro ; Nhà thầu Daelim bỏ giá 65.252.970 euro và Liên danh nhà thầu Samwhan – Cienco 4 bỏ giá 65.343.368 euro . Trong 5 nhà thầu này, MRB đã chấm cho nhà thầu Daelim trúng thầu mặc dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn hẳn so với 3 nhà thầu khác. Như vậy tức là MRB đã cố tình vi phạm Luật Đấu thầu, gây thiệt hại cho nhà nước trên 3,4 triệu euro...
Không chỉ cố ý làm trái các nguyên tắc đấu thầu mà trong quá trình thực hiện dự án, lãnh đạo MRB còn có dấu hiệu bỏ qua cho các nhà thầu làm ẩu, kéo dài thời gian và nâng giá gói thầu.
Rõ ràng nhất là trong gói thầu tư vấn do Tư vấn Systra thực hiện. Sau khi chậm khoảng 30 tháng so với kế hoạch, Systra mới trình báo cáo cuối cùng về thiết kế kỹ thuật (TKKT) gói thầu số 3 hầm và các ga ngầm nhưng báo cáo này không hoàn chỉnh vì phần hầm chỉ được đơn vị tư vấn này lập như một bản thiết kế xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của TKKT đã được phê duyệt. Với sản phẩm tư vấn thiết kế không đạt, đáng ra phải yêu cầu Systra hoàn chỉnh lại nhưng MRB lại gấp rút tổ chức thẩm định và phê duyệt TKKT gói thầu số 3 chỉ trong 2 ngày. Hệ quả là phần TKKT còn thiếu ở hạng mục hầm lại bị chuyển sang nhiệm vụ của các nhà thầu thi công làm gia tăng giá trị của gói thầu thi công hầm và các ga ngầm.
Mặc dù, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo MRB phải rà soát giảm trừ khối lượng công việc thiết kế của Systra tránh trùng lặp với nhiệm vụ thiết kế của các nhà thầu để đảm bảo lợi ích quốc gia. Thực hiện chỉ đạo này, lãnh đạo MRB bao bọc cho tư vấn Systra bằng cách ký thêm phụ lục hợp đồng để nhìn vào đó số lượng nhiệm vụ của tư vấn đã giảm đi nhưng lại khôn khéo điều chỉnh dự toán hợp đồng trọn gói theo hình thức nhân lực + thời gian lao động. Cách điều chỉnh dự toán trên khiến cho khối lượng công việc của tư vấn Systra đã được giảm trừ đi nhưng kinh phí lại tăng lên tới 6,5 triệu euro.
Làm dự án, lãnh đạo MRB hiểu hơn ai hết rằng chỉ có thể kí hợp đồng với nhà thầu khi có mặt bằng sạch hoặc ít ra thì tiến độ GPMB có tính khả thi nhưng nguyên tắc này cũng bị MRB cố tình đi ngược lại. Gói thầu hầm và các ga ngầm được MRB kí hợp đồng với nhà thầu Liên danh HYUNDAI E&C - GHELLA JV từ tháng 10/2015 trong khi đến nay công tác GPMB vẫn đang bế tắc và không biết khi nào mới có mặt bằng sạch để bàn giao cho nhà thầu thi công. Vậy là, ngày 6/9/2016, nhà thầu HYUNDAI E&C - GHELLA JV đã gửi văn bản đòi MRB phải bồi thường 40 triệu USD vì chậm bàn giao mặt bằng.
Để hỗ trợ đoàn thanh tra, trong thời gian tới Báo NNVN sẽ tiếp tục thông tin, phân tích rõ hơn từng chi tiết sai phạm của dự án…