| Hotline: 0983.970.780

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Thứ Tư 18/12/2024 , 06:00 (GMT+7)

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...

Các giải pháp này phải được tiến hành đồng bộ và thường xuyên trên quan điểm hướng đến mục tiêu duy trì, bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng

Bài liên quan

Xây các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với mục tiêu bảo vệ, nâng cao độ phì nhiêu của đất/sức khỏe đất và quản lý sử dụng dinh dưỡng cây trồng hiệu quả.

Nhà nước đầu tư một phần kinh phí định kỳ (5 năm 1 lần) kiểm tra sức khỏe đất đối với các vùng canh tác các loại cây trồng xuất khẩu chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng…. để đánh giá tình trạng sức khỏe đất làm cơ sở cho việc sử dụng, quản lý dinh dưỡng cây trồng một cách hiệu quả, từng bước cải thiện và nâng cao độ phì nhiêu của đất, phục hồi được đất bị suy thoái.

Các dữ liệu về sức khỏe đất cần có cơ chế để được số hóa và cập nhật trong bộ cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ cho công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp của quốc gia, của vùng và của địa phương.

Một số người dân Tây Nguyên vẫn có thói quen dùng thuốc để diệt cỏ dẫn đến đất ngày càng bị thoái hóa. Ảnh: Trương Hồng.

Một số người dân Tây Nguyên vẫn có thói quen dùng thuốc để diệt cỏ dẫn đến đất ngày càng bị thoái hóa. Ảnh: Trương Hồng.

Xây dựng cơ chế, chính sách trong trồng trọt nhằm bảo vệ, nâng cao độ phì đất/sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả như xây dựng bản đồ độ phì đất ở các vùng chuyên canh làm cơ sở cho việc sử dụng phân bón hợp lý. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón theo hướng thân thiện với môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm thất thoát, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các loại phân bón hữu cơ chất lượng cao, các loại phân bón cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hướng đến mục tiêu cải thiện tính chất lý, hóa học của đất (độ tơi xốp, khả năng giữ nước, giữ dinh dưỡng, tái lập cân bằng hệ vi sinh vật đất; cải tạo độ chua của đất…); các loại phân bón chức năng, phân bón thông minh có hệ số sử dụng chất dinh dưỡng cao, giảm phát thải phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững.

Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách đầu tư lâu dài hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh để phục vụ tưới tiêu chủ động cho các vùng canh tác các loại cây trồng chủ lực, góp phần phục hồi đất bị suy thoái theo hướng hoang mạc hóa do bị thiếu nguồn nước tưới.

Về khoa học, công nghệ

Nhà nước ưu tiên đầu tư kinh phí thỏa đáng cho các đề tài thuộc lĩnh vực sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng một cách liên tục, đặc biệt là các đề tài liên quan đến phục hồi đất thoái hóa vùng Tây Nguyên gắn với chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp đạt hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền và có chính sách khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ để cải tạo đất cho vùng Tây Nguyên. Ảnh: NNVN.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền và có chính sách khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ để cải tạo đất cho vùng Tây Nguyên. Ảnh: NNVN.

Các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến thoái hóa đất/sức khỏe đất cần được đồng bộ hóa với hệ thống các dữ liệu về đất và dinh dưỡng cây trồng của quốc gia nhằm phục vụ cho việc phát triển nông, lâm nghiệp bền vững.

Các viện trong vùng, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào cần phối hợp nghiên cứu, xây dựng quy trình sử dụng bộ sản phẩm (phân bón hữu cơ, vô cơ, phân bón cải tạo đất…), thuốc bảo vệ thực vật cho từng đối tượng cây trồng ở các vùng, tiểu vùng sinh thái khác nhau nhằm đạt được mục tiêu góp phần phục hồi suy thoái đất ở Tây Nguyên (cải thiện, nâng cao và duy trì độ phì nhiêu của đất). Các quy trình luôn thay đổi theo sự biến động độ phì nhiêu của đất và được cập nhật trên hệ thống dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Về khuyến nông

Hàng năm nhà nước bố trí một nguồn kinh phí phù hợp cho cơ quan khuyến nông xây dựng và quảng bá các mô hình canh tác, mô hình sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo duy trì, cải thiện độ phì nhiêu đất, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Các mô hình này cần phải được tiến hành trên các loại đất đang có vấn đề về suy thoái độ phì và thực hiện một cách liên tục, đảm bảo thời gian đủ dài để đánh giá hiệu quả phục hồi hoặc cải thiện độ phì nhiêu của đất. Tổ chức tổng kết, đánh giá các mô hình để rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô cho các địa phương một cách kịp thời.

Về tập huấn đào tạo và truyền thông

Nhà nước, doanh nghiệp nông nghiệp cần ưu tiên nguồn kinh phí để tăng cường năng lực trong hoạt động sản xuất cho nông dân thông qua việc đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và kỹ năng trong canh tác nông nghiệp, đặc biệt là đào tạo kiến thức, kỹ năng về bảo vệ đất, chống xói mòn và rửa trôi trong quá trình canh tác các cây trồng; kiến thức và kỹ năng về sử dụng phân bón một cách hiệu quả, tiết kiệm trên cơ sở bón phân cân đối dựa vào độ nhì nhiêu của đất và năng suất cây trồng trên nền tảng của nguyên tắc "4 đúng"; kiến thức và kỹ năng về quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật có trách nhiệm, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường; quản lý cỏ dại bền vững.

Trồng xen cà phê và sầu riêng cùng với dùng phân bón hữu cơ là giải pháp để phục hồi đất bị thoái hóa. Ảnh: TA.

Trồng xen cà phê và sầu riêng cùng với dùng phân bón hữu cơ là giải pháp để phục hồi đất bị thoái hóa. Ảnh: TA.

Chú trọng sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ sinh học kết hợp với phân hóa học và phân bón cải tạo đất để từng bước phục hồi, duy trì và nâng cao độ phì nhiêu của đất. Trang bị kiến thức và kỹ năng sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng sinh học bằng các hình thức trồng xen các cây trồng có giá trị kinh tế cao cũng là giải pháp không những giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác mà còn góp phần duy trì và cải thiện độ phì nhiêu của đất. Đây cũng là giải pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Trong bối cảnh giá nông sản cao, nông dân có xu hướng sử dụng phân bón cao hơn từ 30 – 40%, vì vậy việc tăng cường công tác đào tạo tập huấn về sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật cần phải được chú trọng hơn do nguy cơ dư thừa các chất dinh dưỡng và hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường đất và nước, là nguyên nhân góp phần đẩy nhanh tốc độ suy thoái đất.

Cần xây dựng bộ tài liệu tập huấn đào tạo về sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng để thống nhất về nội dung, kiến thức trong quá trình đào tạo, tập huấn cho nông dân.

Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức liên quan đến sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe đất đối với sản xuất nông nghiệp hiện tại và tương lai. Phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với các hội, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng.

Cơ quan chức năng cần phối hợp với cơ quan báo chí để truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, sự cần thiết của việc phục hồi và nâng sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả; phổ biến, giới thiệu các mô hình canh tác, mô hình sử dụng phân bón tiến bộ góp phần duy trì và cải thiện độ phì nhiêu của đất để nâng cao nhận thức của người dân. 

Nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.