Cuộc sống người dân nơi đây trở nên ngột ngạt, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề.
Khai thác, chế biến khoáng sản từ hàng chục năm nay đã lấy đi của huyện Quỳ Hợp hàng trăm ha đất tự nhiên. Không chỉ mất đất, người dân Quỳ Hợp còn phải gồng mình gánh chịu ô nhiễm không khí, nguồn nước… nặng nề. Chỉ đến khi sự cố vỡ bể chứa bùn thải của xí nghiệp Suối Bắc xảy ra, các cơ quan chức năng mới tích cực vào cuộc.
Một đại công trường khai thác, chế biến đá tại xã Châu Hồng |
Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã diễn ra từ năm 1982, chủ yếu là các mỏ khai thác thiếc thuộc Cty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh. Thời điểm trên, việc quy hoạch cấp phép mỏ chưa bị ràng buộc chặt chẽ bởi Luật Khoáng sản, doanh nghiệp dựa trên nhu cầu khai thác, chế biến để xác định diện tích thuê đất mỏ cho từng thời kỳ. Vì thế, xảy ra tình trạng, khi diện tích khai thác hết, doanh nghiệp lại làm thủ tục thuê đất, có thể là đất nông nghiệp, lâm nghiệp… của dân để khai thác.
Các điểm khai thác mỏ thiếc của Cty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh nằm ở thượng nguồn suối Bắc. Từ đây, mọi hoạt động khai thác, tuyển quặng diễn ra, nguồn nước thải đổ xuống suối Dôn, ra suối Nậm Tôn, chảy hàng chục km, đi qua các xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Hồng, tới ngã ba Châu Quang.
Nhánh bên kia nhận nước từ các hoạt động khai thác, chế biến đá tại các xã Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Cường. Nguồn nước thải này thẩm thấu hàng chục năm qua các hang cat-tơ. Khi những hang cat-tơ này bì bồi lấp, chúng chảy trực tiếp xuống Nậm Huống. Ở ngã ba Châu Quang, Nậm Huống hợp lưu cùng Nậm Tôn rồi cùng chảy ra sông Dinh, đổ về sông Hiếu, ra sông Lam trước khi hòa chung vào biển. Vì thế, những xã nằm sát QL48D từ ngã ba Châu Quang lên Châu Thành nằm giữa hai dòng suối ô nhiễm.
Suối Nậm Huống dường như đã chết |
Nói như thế để thấy, trên 35 năm nay, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại thượng nguồn suối Bắc ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân các xã Châu Tiến, Châu Thành, Châu Hồng, Châu Cường, Châu Quang…
Người dân thừa nhận, hoạt động của các mỏ khai thác, chế biến khoáng sản ở đây có tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương nhưng đó chỉ là cái lợi trước mắt. Về lâu dài, khác với sự tích tụ phù sa, bồi đắp, trên dòng lưu chuyển của mình, Nậm Tôn, Nậm Huống chỉ để lại sự hủy diệt. Suối Nậm Tôn, Nậm Huống gần như chết hẳn, bị sa mạc hóa, không còn một bóng chim, tăm cá. Sản xuất nông nghiệp nhiều xã bị ảnh hưởng nặng nề, diện tích đất bỏ hoang ngày càng tăng; nhiều diện tích đất lúa buộc phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác; nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm…
Hoạt động chế biến chủ yếu diễn ra tại Châu Quang và một số xã vùng thượng lưu sông Dinh (cuối nguồn Nậm Tôn, Nậm Huống) nằm trên tuyến QL48C. Có thể nói, đây là những xã chịu ảnh hưởng gián tiếp của hoạt động khai thác khoáng sản nhưng vẫn phải chịu hậu quả nặng nề. Mật độ các xưởng chế biến mọc lên dày đặc đồng nghĩa với công ăn việc làm được tạo ra nhiều hơn nhưng cũng khiến môi trường sống trở nên ngột ngạt, ô nhiễm, nhất là khi doanh nghiệp thờ ơ với công tác bảo vệ môi trường.
Dòng Nậm Tôn trơ đáy |
Sau Cty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh, đến lượt hàng loạt doanh nghiệp được cấp phép khai thác chế biến khoáng sản. Đến nay, toàn huyện Quỳ Hợp đã có 60 mỏ còn hạn, có khả năng khai thác, gồm 13 mỏ quặng thiếc, 30 mỏ đá trắng, 16 mỏ đá xây dựng; hơn 30 mỏ hết hạn và không khai thác, trong đó có 12 mỏ đang nâng cấp trữ lượng xin cấp lại; 153 xưởng chế biến trong đó có 41 xưởng chế biến hộ cá thể. Những mỏ khai thác, xưởng chế biến này chủ yếu nằm ở 8 xã của huyện Quỳ Hợp.
Bức xúc của người dân có từ hàng chục năm nay, nỗi ấm ức của chính quyền các cấp là có thật. Nhưng không nhiều người dám lên tiếng, các mỏ khai thác, chế biến đều do UBND tỉnh Nghệ An hoặc Bộ TN-MT cấp phép. Việc kiểm tra cũng phải thành lập đoàn liên ngành. Khi các đoàn liên ngành này đến nơi cần thanh kiểm tra thì mọi việc coi như đã “êm đẹp”. Có những đơn vị, cán bộ cấp huyện, xã nhận được phản ánh của người dân về việc gây ô nhiễm môi trường nhưng khi đến kiểm tra liền bị chặn ngay ở cửa cũng đành ấm ức ra về. Những cuộc tiếp xúc cử tri chỉ ghi nhận ý kiến lấy lệ, thực trạng ô nhiễm vẫn diễn ra từ năm này qua năm khác.
Có những đoạn đã bị sa mạc hóa |
Thế nhưng, như một hệ quả tất yếu, những “ung nhọt” cũng đến ngày bục phát. Đó là sự cố vỡ bể chứa bùn thải tại xí nghiệp thiếc Suối Bắc tại xã Châu Thành thuộc Cty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh xảy ra ngày 9/3/2017 khiến 100m3 nước và bùn thải quặng tràn ra, chảy xuống sông Nậm Huống. Cá chết hàng loạt ở những ao nuôi lấy nước từ Nậm Tôn, Nậm Huống thuộc các xã Châu Quang, Châu Cường…
Lúc này, cơ quan chức năng từ huyện đến Trung ương mới giật mình. Hóa ra, một xí nghiệp lớn của một doanh nghiệp khai thác, chế biến thiếc có số má như Cty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh nhưng bể lắng lại chỉ được đắp bằng đất sơ sài, đặt trên một đỉnh núi cao chẳng khác gì một túi bom nước khổng lồ. Câu hỏi đặt ra là, từ trước đến thời điểm xảy ra sự cố, số nước thải, bùn thải do hoạt động khai thác, chế biến được xử lý thế nào, có được vận chuyển đi để xử lý hay không? Thông tin người dân cho rằng, đơn vị khai thác đã xả “chui” toàn bộ nước và bùn thải vào những thời điểm mưa to, gió lớn?
Ngay sau sự cố, hoạt động của xí nghiệp Suối Bắc đã bị đình chỉ để Cty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh giải quyết hậu quả. Các đoàn công tác từ Trung ương đến địa phương cũng đã lấy mẫu xét nghiệm mức độ ô nhiễm của bùn thải nhưng đến giữa tháng 7 vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Đến nay, người dân Quỳ Hợp vẫn chưa hết hoang mang.
Những cánh đồng thiếu màu xanh của sự sống |
Sự kiện Suối Bắc như một hiệu ứng dây chuyền. Ngay sau đó, hàng loạt mỏ khai thác, cơ sở chế biến được thanh kiểm tra. Những sai phạm được bóc mẽ và lập biên bản, xử lý vi phạm. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu, khảo sát chính thức nào để kết luận về mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản diễn ra hàng chục năm qua tại Quỳ Hợp. Vì thế, người dân vẫn thấp thỏm lo âu.
+ Tại xã Châu Quang, do ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất sản xuất, mỗi năm UBND huyện Quỳ Hợp phải trích trên dưới 300 triệu đồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đào hố lắng kim loại nặng, xử lý ô nhiễm đất, nạo vét kênh mương. Thế nhưng, theo cán bộ xã Châu Quang, nguồn kinh phí này chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu. Điều quan trọng hơn, tình trạng ô nhiễm thẩm thấu vào lòng đất hàng chục năm qua khiến người dân vô cùng hoang mang. + Theo thống kê của Phòng TN-MT huyện Quỳ Hợp, diện tích tự nhiên toàn huyện gần 94 nghìn ha; nếu không kể diện tích mỏ được cấp cho Cty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh tại 5 xã thì những mỏ còn lại có diện tích trên 840ha; diện tích xưởng chế biến, khu công nghiệp là 144,37ha. Nhìn vào số liệu trên, thật khó tưởng tượng, người dân Quỳ Hợp sẽ sống bằng gì ở một huyện miền núi thuần nông khi mà gần như phần lớn diện tích là đất rừng phòng hộ, ao ngòi, sông suối, đất lâm nghiệp chủ yếu là núi đá cao khó sản xuất? |