Dân tố gì?
Theo đơn trình bày, hơn 10 năm nay, việc khai thác đất đá của Cty CP Xi măng Tân Phú Xuân và Cty Xuân Phú trú tại địa bàn xã đã phá hủy cảnh quan thiên nhiên, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh.
Khu vực thôn 9 cũng là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc sắc, đa dạng trải dài từ thời tiền sử cho đến kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng việc khai thác đã xóa sổ nhiều di sản quý giá.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Tập – Chủ tịch UBND xã Liên Khê cho biết, trên địa bàn xã hiện nay chỉ có 1 doanh nghiệp khai thác khoáng sản là Cty CP Xi măng Tân Phú Xuân (Cty Tân Phú Xuân). Công ty đã được thành phố cấp phép khai thác đá vôi ở khu vực này từ hơn 10 năm nay. Ông Tập khẳng định, doanh nghiệp đã bồi thường cho những hộ dân đầy đủ. Đơn ghi “đại diện nhân dân thôn 9 xã Liên Khê” là không đúng.
“Tôi cũng là người dân ở thôn 9, tôi nắm rõ việc này. Mục tiêu của các hộ ký vào đơn này là muốn ép doanh nghiệp bồi thường thêm tiền đối với những diện tích nằm ngoài vành đai ảnh hưởng khai thác”, ông Tập nói.
Trong số 4 người ký vào đơn, chỉ có ông Cù Văn Núi là có một phần đất (0,5 sào) nằm trong vòng bán kính ảnh hưởng và đã nhận tiền bồi thường, 3 người còn lại có đất không thuộc phạm vi bán kính ảnh hưởng nên không được bồi thường.
Ông Tập cho biết, người dân nhiều lần gửi đơn thư tới chính quyền. Xã đã đối thoại với dân, nhưng khi đưa các nội dung khiếu nại nêu trong đơn ra thì họ lại không nắm được! Trước đây có đơn có đến 80-90 người ký vào nhưng khi truy ra thì chỉ có mấy người.
Theo Chủ tịch xã, ở đây có việc người dân bị giật dây, lôi kéo để viết đơn. Ông nói: “Đơn này không phải người dân viết mà có một bộ phận viết sẵn cho (…). Người ta cứ lấy đơn của ông nào trên thành phố, mang về rồi xin chữ ký cả làng”.
Doanh nghiệp chối
Làm việc với bà Nguyễn Thị Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Tân Phú Xuân đóng tại xã Liên Khê được biết năm 2002, Công ty được thành phố cho phép khai thác tận thu khoáng sản đá vôi tại núi Bụt Mọc trong 3 năm.
Bà Nguyễn Thị Liên - TGĐ Công ty Tân Phú Xuân (phải)
Năm 2008, thành phố cho phép công ty khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng trong 5 năm tại phía Nam núi Bụt Mọc. Năm 2015, Công ty được cấp phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích hơn 20ha với mức khai thác xuống sâu đến -20m tại núi Bụt Mọc trong 10 năm.
Khu vực núi Bụt Mọc cũng đã được Hải Phòng xác định là khu vực thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn Hải Phòng đến năm 2020.
Theo khẳng định của bà Liên, Công ty đã đền bù hỗ trợ cho toàn bộ các hộ dân có nhà, vườn, ruộng nằm trong vành đai ảnh hưởng của hoạt động nổ mìn khai thác đá, với tổng số tiền trung bình mỗi năm là 1,2 tỷ đồng, có đầy đủ các biên bản thỏa thuận và chữ ký người dân.
Trong phạm vi 30m cách khai trường khai thác đá, nếu có nhà bị rung chấn thì Công ty đền bù toàn bộ ngôi nhà. Trong phạm vi 100m, người dân phải di chuyển tránh mìn 2 lần/ngày, mỗi lần 1 giờ đồng hồ thì được bồi thường 45% sản lượng lúa/năm (ở đây là đất ruộng).
Khai thác và bảo tồn
Nếu doanh nghiệp đã đền bù, tại sao người dân liên tục gửi đơn khiếu nại? Nhân tố liên quan mà bà Liên nhắc đến là việc dòng họ Mạc muốn xây dựng khu di tích tại khu vực núi Thành Dền nằm trên địa bàn thôn Thiểm Khê, ở phía bắc núi Bụt Mọc.
Đây là dự án tôn tạo, xây dựng Khu di tích căn cứ phòng thủ và lăng mộ các vua nhà Mạc do Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Thành Dền đề xuất với thành phố. Căn cứ của đề xuất này là khu vực núi Thành Dền có liên quan đến Vương Triều Mạc.
Theo Báo cáo của Bảo tàng Hải Phòng, thời nhà Mạc (thế kỷ 16), Ninh vương Mạc Phúc Tư được nhà Mạc giao trấn giữ Hải Đông đã bồi đắp, xây dựng kiên cố thành Dền, thành Đấu Đong để làm căn cứ phòng thủ, luyện tập chống quân xâm lược giai đoạn 1527-1593.
Đến nay dấu tích thành Dền còn một số đoạn. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi – nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, cũng khẳng định điều này.
Quá trình khai thác đất đá sản xuất vật liệu xây dựng còn phát lộ 2 ngôi mộ có kích thước quan, quách lớn bằng gỗ quý cùng nhiều binh khí, vật dụng, đồ dùng tùy táng. Tại khu vực này còn lưu truyền địa danh “Mả Ba Vua”, cho rằng đó là mộ của hoàng đế Mạc Đăng Dung – vị vua khai sáng Vương triều Mạc.
Bà Liên với sơ đồ mặt bằng vành đai an toàn nổ mìn khai thác đá
Tuy nhiên về những giá trị lịch sử, văn hóa khu vực Thành Dền gắn với các sự kiện lịch sử liên quan đến Vương triều Mạc thì đến nay thành phố chưa chính thức công nhận khu vực này có phải là khu di tích hay không.
Khu vực núi Thành Dền đã được quy hoạch là vùng nguyên liệu cho sản xuất xi măng theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời theo quy hoạch của thành phố thì địa điểm trên nằm trong khu vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Vì thế, thành phố Hải Phòng cần sớm kết luận khu vực này có phải là khu di tích hay không?