Và cùng với đó, một hệ thống đường truyền tốc độ cao sẽ kết nối hai máy chủ này tới 63 tỉnh, thành phố, 713 quận, huyện và 11.000 xã, phường, thị trấn. Kể từ đó, sẽ vĩnh biệt sổ hộ khẩu. Khi đi làm các thủ tục hành chính, công dân chỉ cần cung cấp 3 thông tin: Họ tên; mã số định danh cá nhân và chỗ ở.
Thông tin này khiến cả xã hội thở phào. Vậy là sổ hộ khẩu, “tượng đài” cuối cùng của chế độ hành chính quan liêu bao cấp, sẽ bị xóa bỏ nốt. Ai cũng biết, thời bao cấp, mỗi người dân đều có hai quyển sổ quan trọng nhất, luôn phải giữ gìn cẩn thận “còn hơn cả tính mạng của mình”, đó là sổ gạo và sổ hộ khẩu. Mất sổ gạo, coi như cả nhà treo niêu. Có tiền cũng không mua gạo ở đâu được. Còn sổ hộ khẩu ?
Quyển sổ này ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước. Quản lý công dân bằng hộ khẩu là việc làm vi hiến. Bởi tất cả các bản hiến pháp từ năm 1946 đến nay, đều ghi “công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước...(điều 23 Hiến pháp năm 2013)”. Nhưng không hiểu sao, cuốn sổ hộ khẩu lại “trói” chặt con người vào nơi họ có hộ khẩu suốt đời. Mất sổ gạo chỉ đói, nhưng mất sổ hộ khẩu, thì còn khổ hơn nhiều.
Bởi đi học, đi làm: Hộ khẩu? Lấy vợ lấy chồng: Hộ khẩu? Con mới sinh, làm giấy khai sinh: Hộ khẩu? Mua bán nhà đất, xe cộ: Hộ khẩu... Câu hỏi “sổ hộ khẩu đâu?” luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà chức trách mỗi khi công dân đến làm các thủ tục hành chính. Muốn đi đâu, phải được nơi có hộ khẩu cấp “giấy tạm vắng” rồi đến nơi mới phải làm “giấy tạm trú”. Hết thời hạn tạm vắng, tạm trú, lại phải xin giấy mới. Công dân có hộ khẩu và công dân “tạm trú” bị phân biệt đối xử. Nhất là ở các thành phố, khi người có hộ khẩu ở quận này muốn cho con học ở trường thuộc quận khác là ... trái tuyến.
Thời bao cấp, việc nhập hộ khẩu từ nông thôn đến các TP lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng... Còn khó hơn cả lên trời, với một rừng giấy tờ, thủ tục. Bây giờ, tuy các quy định đã được nới lỏng hơn rất nhiều, nhưng việc đó vẫn còn vô cùng gian nan. Chính vì thế, mà không ít người có thẩm quyền đã giàu lên rất nhanh nhờ “bán” các suất hộ khẩu đó. Đến tận năm ngoái, cả nước mới có 3 thành phố là Cần Thơ, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh bỏ quy định phải có hộ khẩu ở địa phương mới được dự tuyển các kỳ thi công chức, viên chức tại địa phương, còn 60 tỉnh, thành phố vẫn giữ nguyên quy định đó. Đủ thấy cái “sổ hộ khẩu” đã trói buộc, kìm hãm con người và xã hội đến thế nào.
Bỏ hộ khẩu, chính là tháo cái gông cuối cùng cho xã hội.