| Hotline: 0983.970.780

Thủy điện Gia Lai lại “nuốt đất” Bình Định

Thứ Năm 26/09/2013 , 09:11 (GMT+7)

Đã có gần 15 ha đất SX ở huyện Tây Sơn (Bình Định) bị nước thủy điện An Khê-Ka Nak cuốn trôi...

* Đã có gần 15 ha đất SX ở huyện Tây Sơn (Bình Định) bị nước thủy điện An Khê-Ka Nak cuốn trôi

Mới đây, ngay sau khi Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai) xả nước tiếp tục cuốn trôi gần 2,5 ha đất SX của người dân xã Tây Thuận (Tây Sơn, Bình Định), UBND huyện này liền có công văn yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 7, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak phải bồi thường cho những hộ dân bị thiệt hại và yêu cầu có biện pháp chống sạt lở phía hạ lưu kênh của nhà máy.

Ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak lấy nước từ sông Ba (An Khê, Gia Lai) đưa về huyện Tây Sơn để phục vụ SX cho nhà máy đặt tại xã Tây Thuận gồm 2 tổ máy. Nước xả từ 2 tổ máy nói trên là 25 khối/giây/tổ máy. Vào tháng 6/2011, nhà máy đặt tại xã Tây Thuận bắt đầu vận hành tổ máy thứ nhất, qua tháng 8 vận hành tổ máy thứ 2. Khi 2 tổ máy đi vào hoạt động, nước xả của nhà máy thủy điện đổ ra gây sạt lở 2 bên bờ đoạn suối Cát nằm trên địa bàn 2 xã Tây Thuận và Tây Giang làm mất nhiều diện tích đất SX. Trước kia, dòng chảy của con suối Cát chỉ rộng chừng 10 m, nay đã toang hoác đến cả trăm mét. 


Ở nơi này trước đây đất SX rộng ra đến giữa lòng suối

Quan sát của chúng tôi, những đoạn bờ suối Cát nằm trên địa bàn xã Tây Thuận tuy được nói là “đã được gia cố kè”, nhưng thực ra chỉ là viên đá to được đổ xuống nằm chỏng chơ bên những đoạn bờ lở. Do không được xây kiên cố nên dòng nước xả từ 2 tổ máy cộng lại với lưu lượng 50 khối/giây cũng đã dần dà xô lệch, cuốn phăng những viên đá, nên những diện tích đất canh tác nằm sát cạnh bờ suối tiếp tục bị uy hiếp. Cùng đi thực địa với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Nam, CB Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện Tây Sơn, chỉ ra giữa dòng suối Cát nói: “Đất SX ở chỗ này trước kia rộng ra đến giữa lòng suối, giờ đã bị nước cuốn phăng”. Phó Chủ tịch huyện Tây Sơn Đỗ Văn Sỹ, bức xúc: “Ban Quản lý dự án thủy điện 7 phải có giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống kè chống sạt lở 2 bên bờ ở một số vị trí xung yếu, tiếp giáp với phần diện tích đất SXNN nhằm giữ đất SX cho nông dân”.

Theo các hộ dân thôn Thượng Giang 1, do nền đất ở sát mép suối là đất cát, nên việc đóng cọc tre và dùng bao tải đựng cát làm bờ kè không hiệu quả. Những đoạn kè này chỉ tồn tại được vài tháng là bị cuốn theo dòng nước dữ ngay. Ví như vào tháng 9/2011, ngay sau khi 2 tổ máy của nhà máy Tây Thuận hoạt động cùng lúc, dòng nước xả đã cuốn trôi kè tạm, nhà bếp, hầm bioga, lò nấu rượu, giếng nước… của gia đình ông Phạm Đình Binh (50 tuổi, ở thôn Thượng Giang 1) cùng lúc bị ngã nhào xuống dòng nước.

Ông Nguyễn Xuân Thanh (50 tuổi, ở thôn Thượng Giang 1) cho biết: “Việc sạt lở vẫn diễn ra mỗi ngày. Qua nhiều đợt bồi thường, đến nay gia đình tôi đã nhận được khoản hỗ trợ hoa màu trên đất khoảng 10 triệu đồng. Giữa thời buổi này, số tiền 10 triệu đồng tiêu cái vèo là hết ngay. Thế nhưng khi đất SX bị nước cuốn mất, gia đình tôi liền lâm cảnh khó khăn. Nhà tôi ở sát mép sông nên ngày đêm phập phồng lo lắng. Qua mùa mưa lũ năm nay không biết có còn đất ở nữa không?”.

Các hộ dân ở 2 thôn Thượng Sơn và Trung Sơn 2 có đất nông nghiệp nằm bên kia suối nên việc sản xuất càng khó khăn. Mặc dù đã được Ban Quản lý dự án thủy lợi 7 xây cây cầu vượt sông, nhưng khi đi làm, nông dân ngại phải đi vòng mấy cây số, có người đánh liều lội qua sông, gặp phải lúc thủy điện bất ngờ xả nước thì cầm bằng đối mặt với cái chết. Đến bây giờ, người dân địa phương còn nhớ mãi chuyện vợ chồng ông Bảy Ngà và bà Sáu Lắm (ở Trung Sơn 2) từng bị nước cuốn trôi suýt chết vì lội qua sông đi làm.

“Từ cuối năm 2011 đến nay, nước xả của Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak đã “nuốt” mất của người dân sống 2 bên bờ suối Cát thuộc 2 xã Tây Thuận và Tây Giang gần 15 ha đất SXNN”, ông Đỗ Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm