Giá thanh long 25 ngàn đồng/kg
Những ngày gần đây, giá thanh long ruột trắng tại tỉnh Bình Thuận liên tục được thương lái thu mua nhích lên để gom sản phẩm đáp ứng cho vựa hàng xuất sang thị trường các nước.
Ông Nguyễn Tánh, một nông dân trồng thanh long ở thôn 5, xã Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, hiện nay giá thanh long thu mua xô tại vườn đã lên khoảng 25 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay và đã duy trì khoảng 4 - 5 ngày nay.
Trước đó, giá thanh long được thu mua dao động từ 17 - 18 ngàn đồng/kg, sau đó nhích lên từ 20 - 22 ngàn đồng/kg. Bởi nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ổn định.
Theo ông Nguyễn Tánh, với giá thanh long như hiện tại, nông dân thu hoạch sẽ lãi đậm từ 10 - 15 ngàn đồng/kg sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên hiện ít có vườn có thanh long chín vì thời điểm này cuối vụ chong đèn. Hơn nữa, bà con đã tập trung chong đèn thanh long vào dịp trước, trong và sau Tết nên các lứa sau chong đèn sản lượng cũng giảm dần.
“Thông thường, thanh long chong đèn pha trước ra quả nhiều thì pha sau chong đèn sản lượng sẽ ra ít và ngược lại”, ông Nguyễn Tánh nói và cho biết thêm, gia đình ông có 350 trụ thanh long đang chín, dự kiến 1 tuần nữa sẽ thu hoạch với sản lượng khoảng 4 tấn. Vì vậy, ông hy vọng giá thanh long trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao để thu hoạch bội thu.
Ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận xác nhận, hiện giá thanh long được các vựa thu mua dao động từ 20 - 25 ngàn đồng/kg (tùy vườn).
Về nguyên nhân giá thanh long hiện ở mức cao, theo ông Huỳnh Cảnh là do thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ ổn định. Vào thời điểm này tại Trung Quốc hầu như không có thanh long thu hoạch nên không bị “dội chợ”.
“Hiện nay thanh long Bình Thuận vẫn có hàng chứ không khan hiếm, vì các kho thu mua của các doanh nghiệp vẫn mở đóng hàng bình thường. Sắp tới, thị trường Trung Quốc sẽ có thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên do đầu mùa nên giá bán sẽ rất cao nên thanh long của Việt Nam vẫn sẽ tiêu thụ ổn định. Hơn nữa, bây giờ nắng nóng gay gắt khắp nơi nên trái cây cũng ít. Do đó, tôi cho rằng, thời gian tới giá thanh long vẫn được duy trì ở mức cao, ổn định”, ông Huỳnh Cảnh dự báo.
Chú trọng sản xuất thanh long chuẩn GAP
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 26.500ha thanh long, giảm gần 1.150ha so cùng kỳ năm 2023. Những tháng đầu năm 2024, nhu cầu tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu lớn nên giá thanh long ổn định, có thời điểm tăng cao, vì vậy bà con thu hoạch có lãi. Tuy nhiên, trong tháng 3/2024 nhiều hộ tiếp tục chong đèn trái vụ nhưng thời tiết nắng nóng gay gắt, gió mạnh nên khả năng ra hoa không đạt, dẫn đến năng suất thu hoạch thấp.
Trước diễn biến thời tiết phức tạp hiện nay, ngành nông nghiệp Bình Thuận khuyến cáo nông dân không phát triển thêm diện tích, tăng cường vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối và tập trung tiêu hủy nguồn bệnh để hạn chế thấp nhất bệnh đốm nâu trên thanh long. Các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân sản xuất thanh long GAP, chú trọng chất lượng sản phẩm.
Ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Thuận cho biết, để xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc được bền vững và ổn định, các hộ sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ các yêu cầu quy định về quản lý và sử dụng mã số vùng trồng và mã số cơ sở nhà đóng gói của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Cùng với đó, triển khai các biện pháp quản lý sâu bệnh hại trên vườn cây, các đối tượng sinh vật gây hại thuộc diện kiểm dịch thực vật của thị trường Trung Quốc.
Theo ông Đỗ Văn Bảo, định hướng phát triển thanh long Bình Thuận là ổn định diện tích hiện có, không phát triển thêm diện tích; đồng thời tập trung phát triển theo chiều sâu, chủ động trong việc thực hiện các yêu cầu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, từng bước nâng cao chất lượng của sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thanh long Bình Thuận xác định Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực, đồng thời đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ…
Tỉnh Bình Thuận đang quy hoạch lại vùng trồng thanh long trên địa bàn, ưu tiên xây dựng các vùng trồng tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Đối với các diện tích thanh long già cỗi, có thể chặt bỏ để trồng mới hoặc thay đổi các cây trồng khác nhưng phải phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng địa phương và có tiềm năng phát triển.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng thanh long về các biện pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Đồng thời phổ biến các chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để người dân tiếp cận một cách hiệu quả.
Theo ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Thuận, đến nay diện tích thanh long Bình Thuận được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP khoảng 8.604ha. Đã thực hiện công tác quản lý và cấp mới cho 623 mã số vùng trồng thanh long và 271 mã số cơ sở đóng gói thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản.