Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL; hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.
“Tôi cảm nhận được những tín hiệu lạc quan, khi các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đều sẵn sàng hành động và cam kết thực hiện bằng được Đề án này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đồng thời kỳ vọng: “Các thành viên của Văn phòng điều phối thực hiện Đề án cần làm việc với tinh thần “dốc hết sức chứ không phải cố hết sức”, và “chỉ khi nào các đồng chí biết lo, thì lãnh đạo Bộ mới bớt lo”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là cách tiếp cận và tư duy rất mới, khó thực hiện, nhưng nó sẽ kích thích chúng ta không ngừng nỗ lực để tạo ra giá trị mới, thấy được niềm vui, sự mới mẻ khi tham gia vào công việc này.
Ông Ngô Thế Hiên - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án, cho biết, để giúp việc cho Ban chỉ đạo Đề án triển khai các nhiệm vụ, ngày 20/3/2024, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký Quyết định số 805/QĐ-BNN-TCCB thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án, trong đó giao Văn phòng Đề án đặt tại Vụ Kế hoạch, do ông Ngô Thế Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch là Chánh Văn phòng Đề án.
Thực hiện nhiệm vụ được phân công, Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị triển khai Đề án tại Kiên Giang với sự tham dự và đồng chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị xây dựng và trình Bộ ban hành Kế hoạch triển khai Đề án; ban hành quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải phục vụ Đề án. Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát mô hình triển khai Đề án tại Kiên Giang, Đồng tháp trên tổng số 5 tỉnh được lựa chọn làm mô hình điểm.
Đặc biệt, xây dựng và tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo xin ý kiến quy trình đo đếm, báo cáo, thẩm định phát thải MRV; xây dựng chương trình đào tạo tăng cường năng lực, kế hoạch truyền thông và khuyến nông cộng đồng.
Xây dựng dự thảo Nghị định và tổ chức họp, hội thảo xin ý kiến nhiều lần trong đó có cả nội bộ và xin ý kiến các Bộ, ngành về cơ chế thí điểm chi trả kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả kết quả giảm phát thải khí nhà kính.
Tổ chức Lễ khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp; dự thảo và xin ý kiến tại các cuộc họp, hội thảo về dự án TCAF, dự án vốn vay Ngân hàng Thế giới.
Trong thời gian tới, Văn phòng BCĐ tiếp tục tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch hành động thực hiện Đề án tại Quyết định 720 ngày 13/3/2024 của Bộ NN-PTNT.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay Ban chỉ đạo Đề án triển khai cùng lúc 3 nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế pháp lý, cơ chế vận hành Đề án và ra được mô hình và kết quả cụ thể để sớm khẳng định được ý nghĩa và hiệu quả của Đề án.
“Nếu không có gì thay đổi, thì đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm ‘lúa giảm phát thải’ và trước hết sẽ do Cục Trồng trọt công bố tiêu chuẩn cơ sở”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Để có đủ cơ sở pháp lý công nhận sản phẩm lúa phát thải thấp, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các đơn vị và địa phương ĐBSCL triển khai 5 mô hình điểm với ít nhất 250ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, và phải làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 - 2026. Đồng thời, đầu tháng 5/2024, Bộ NN-PTNT sẽ họp với các tỉnh ĐBSCL và các đơn vị, tổ chức liên quan để thảo luận, xin ý kiến góp ý xây dựng cơ sở pháp lý liên quan đến chi trả tiền giảm phát thải. Đồng thời làm việc với Ngân hàng Thế giới để thống nhất, trình Chính phủ xem xét phê duyệt.