| Hotline: 0983.970.780

Tự nguyện hiến cả đất nền nhà làm đường nông thôn

Thứ Ba 21/03/2017 , 08:31 (GMT+7)

Phú Đức là một trong 3 xã của huyện Tam Nông (Đồng Tháp) được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020.

Đến nay xã Phú Đức đã đạt 15 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. Nổi bật là việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn kết hợp làm bờ bao phục vụ sản xuất nông nghiệp.

16-26-41_o-cn-v-o-ro-tren-con-duong-dn-thong-thong-sch-dep-co-cong-dong-gop-cu-2-ong
Ông Cần (áo trắng) và ông Rô vui vẻ hiến đất làm đường
 

Trước đây, tuyến đường bờ Nam kênh ranh Phú Đức - Phú Hiệp thuộc ấp K9, xã Phú Đức chỉ là một con đường mòn nhỏ bằng đất, trũng thấp, vào mùa mưa mặt đường bị lầy lội, trơn trợt… gây khó khăn trong việc đi lại của người dân và thường xảy ra tai nạn.

Từ thực tế trên, UBND xã Phú Đức đã họp dân triển khai thực hiện việc nâng cấp, mở rộng và lót đan mặt đường trên theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong nhiều hộ tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động làm đường kết hợp làm bờ bao có hai hộ tiên phong là ông Võ Văn Cần (sinh năm 1954) và hộ ông Lê Văn Rô (sinh năm 1949) cùng ngụ ấp K9.

Khi biết có chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn kết hợp làm bờ bao sản xuất lúa 3 vụ/năm, ông Cần đã bàn bạc với vợ con tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất trị giá cả trăm triệu đồng để xây dựng tuyến đường và bờ bao sản xuất lúa. Trong suốt thời gian thi công, ông Cần cùng người dân còn bỏ thời gian theo dõi, giám sát, kiểm tra và đôn đốc đơn vị thi công bảo đảm đúng tiến độ kế hoạch và đạt chất lượng theo yêu cầu. 

Ông Cần vui vẻ chia sẻ: “Xây dựng NTM, gia đình tôi rất phấn khởi. Thành ra, vấn đề hiến một, hai công đất để Nhà nước làm đường cho con em đi học, rồi mình tới lui đi đứng dễ dàng… tôi rất sẵn long. Tôi thấy thoải mái mà. Cái đó là thực tế à. Như đường đan bây giờ ngon lắm rồi đó”.

16-26-41_o-cn-chi-con-duong-dn-truoc-nh-minh-d-hon-thnh-co-cong-hien-dt-cu-gd-minh
Ông Cần vui vẻ hiến đất làm đường
 

Một tấm gương sáng nữa là ông Lê Văn Rô (sinh năm 1949), ở ấp K9, đã không ngần ngại hiến 250m2 trị giá trên 30 triệu đồng để làm đường. Điều đáng khâm phục là gia cảnh ông Rô vẫn khó khăn, nền đất mà ông Rô hiến đang được vợ chồng ông chuẩn bị cất nhà ở. Sau khi hiến nền nhà trên, vợ chồng ông Rô và các con phải dựng nhà ở nhờ trên mảnh đất của người chị.

Ông Lê Văn Rô bày tỏ: “Thời gian trước tôi thấy bờ xáng hầm hinh quá, sóng đánh đất lồi lõm tùm lum, tới lui không được. Nghe nói Nhà nước mần đường, tui mừng dữ lắm. Tui hiến đất là không nghĩ ngợi gì hết trơn. Giờ thấy đường đẹp, tui mừng rồi. Cũng tính sửa soạn làm hàng rào cho nó đẹp. Miễn Nhà nước làm cái gì đẹp là tui làm theo…”.

Đoạn đường kết hợp làm bờ bao này, dài trên 3.700m, chiều ngang mặt và lề đường trên 5m, mặt đường được lót đan bằng bê tông cốt thép rộng 3,5 m, nối liền từ ấp K9 đến ấp Phú Xuân. Tổng nguồn vốn do Trung ương và tỉnh Đồng Tháp đầu tư 4,7 tỷ đồng, dân đóng góp 2,2 tỷ đồng.

Khi con đường hoàn thành, không chỉ người dân, học sinh, giáo viên và phương tiện xe đi lại được dễ dàng, giúp nông dân tăng vụ sản xuất hàng trăm hecta lúa từ 2 lên 3 vụ/năm mà còn tạo được mỹ quan cho bộ mặt nông thôn.

Ông Nguyễn Chân Thành, trưởng ban nhân dân ấp K9, xã Phú Đức nhận xét: “Anh Cần với anh Rô rất tốt đối với người dân xung quanh. Địa phương có chương trình xây dựng NTM là hai anh đồng tình ngay. Nghĩa cử cao quý của hai anh thật đáng trân trọng".

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.