| Hotline: 0983.970.780

Vẫn chuyện không sống nổi nơi tái định cư khi nhường đất cho thủy điện!

Thứ Hai 29/05/2017 , 14:40 (GMT+7)

Với 10 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, 23 dự án đang thi công, Nghệ An trở thành một trong những tỉnh có số lượng nhà máy thủy điện nhiều của cả nước. Thế nhưng...

Việc xây dựng những nhà máy thủy điện giúp an ninh năng lượng được đảm bảo nhưng cũng đem đến nhiều hệ lụy.
 

“Làn sóng” bỏ về quê cũ

Năm 2006, để nhường đất cho việc xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ, trên 2 nghìn hộ dân đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú từ huyện Tương Dương được di dân về Thanh Chương, cách đó gần 300 km để thành lập 2 xã mới là Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Về nơi tái định cư (TĐC), hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng bài bản giúp cho việc đi lại, giao thương kinh tế thuận tiện hơn. Tuy nhiên, theo thời gian, một số công trình như nhà ở, nhà văn hóa, các bể nước công cộng… xuống cấp.

Điều đáng nói là tại quê hương mới, lạ lẫm với hình thức canh tác mới, diện tích đất canh tác ít khiến không ít hộ lâm vào cảnh khó khăn. Không trụ lại được với miền đất hứa, nhiều hộ dân đã phải bán nhà cửa, hoặc gửi lại nhà cửa, con cái dắt díu nhau về quê cũ kiếm miếng cơm, manh áo.

Cứ vài tháng một lần, bà Kha Thị Cân lại lặn lội đi thuyền hàng giờ đồng hồ rồi bắt xe khách vượt thêm 200 km từ bản Kim Hồng, xã Hữu Khuông cũ (huyện Tương Dương) về bản khu TĐC bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương) để thăm con và cháu nội.

15-16-04_b-kh-thi-cn-trong-mot-ln-vethm-chu-noi-ti-khu-tdc
Bà Kha Thị Cân trong một lần về thăm cháu nội tại khu TĐC Thủy điện bản Vẽ

Số là năm 2014, cả 6 nhân khẩu trong nhà bà thấy cuộc sống ở đây quá khó khăn đành dắt díu nhau trở về quê cũ làm ăn. Một đứa con trai đã lập gia đình ở lại vừa giữ nhà cho ông bà vừa gom đất của anh em để canh tác nhưng xem ra cuộc sống cũng rất vất vả. “Về quê cũ thì cũng phát nương, làm rẫy thôi chứ không biết làm gì hơn. Về đó, nhà ta nuôi 2 con bò, phát rẫy cạnh khe suối để trồng lúa, trồng sắn”, bà Cân cho biết.

Ông Quang Văn Phăn, Trưởng bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm cho biết bản có 106 hộ. Nhưng thực tế, hiện chỉ còn 60 hộ đang ở lại khu TĐC; có 34 hộ đã bán nhà để về quê cũ làm ăn, họ không chuyển hộ khẩu, không khai báo với chính quyền địa phương. Họ là công dân của bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương nhưng hiện nay lại đang sinh sống, cư trú bất hợp pháp, làm ăn tại quê cũ, cách đó gần 300 km.

Cứ theo lời ông Phăn thì việc người dân bỏ về quê cũ làm ăn cũng không lấy gì làm lạ. Cả bản có 457 khẩu nhưng chỉ có 6,7 ha lúa nước (chưa được 150 m2/khẩu), gần 114 ha đất rừng (chưa đến 1,1 ha/hộ). Hiện nay, bản có 72 hộ nhận đất nhưng do quỹ đất ít quá, một số hộ nhường lại cho anh em canh tác, còn mình thì về quê cũ tiếp tục phát nương làm rẫy. Số hộ bán nhà cửa bỏ về quê cũ thì chưa nhận đất sản xuất. Số diện tích này hiện nay UBND xã Ngọc Lâm đang quản lý.

15-16-04_truong-bn-kim-hong-qung-vn-phnlo-lng-cho-doi-song-dong-bo-tdc
Trưởng bản Kim Hồng - ông Quang Văn Phăn - lo lắng cho đời sống đồng bào TĐC

Theo thống kê của cán bộ xã Ngọc Lâm, cả xã hiện có khoảng 100 ha lúa nước. Trong đó có 50 ha do người dân khai hoang, số còn lại nằm trong chính sách xây dựng khu TĐC của dự án Thủy điện Bản Vẽ. Thế nhưng đất đai bạc màu, việc cải tạo các vùng trồng lúa nước thiếu tính khoa học nên thực tế chỉ canh tác được gần 90 ha, năng suất bình quân 38 tạ/ha. Thu nhập chủ yếu của người dân Ngọc Lâm, ngoài chừng đó đất lúa thì có thêm một ít đất rừng, trồng sắn…
 

Nhà đầu tư đem con bỏ chợ?

Năm 2009, để xây dựng Nhà máy Thủy điện Khe Bố, hàng nghìn hộ dân tại các xã Tam Đình, Yên Thắng, Thạch Giám, Tam Thái và thị trấn của huyện Tương Dương phải di dân TĐC. Tại xã Tam Đình, 314 hộ dân đã phải di dời, nhường 281 ha đất để thi công nhà máy. Thế nhưng, đến nay, cuộc sống các hộ dân nơi đây vẫn chưa ổn định; nhiều hạng mục nằm trong dự án di dân TĐC chưa được triển khai.

15-16-04_mot-gi-dinh-d-bn-nh-cu-ruongvuon-bo-tdc-tro-ve-que-cu
Một gia đình đã bán nhà cửa, ruộng vườn bỏ TĐC trở về quê cũ

Ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết, để nhà máy Thủy điện Khe Bố khởi công đúng tiến độ, 3/7 bản ven sông Lam đã phải di vén dân lên vùng cao hơn, vốn không phải là địa bàn phù hợp để người Thái định cư. Riêng bản Định Tiến phải di dời về nơi ở mới. Về nơi TĐC, mọi thứ coi như quay về điểm xuất phát, cuộc sống khó khăn, chật vật. Thế nhưng, khi đồng bào và chính quyền địa phương đã đồng lòng di dân TĐC thì ở chiều ngược lại, tại khu TĐC, nhiều công trình còn dang dở khiến cuộc sống đồng bào đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Sau 8 năm về nơi ở mới, cuộc sống của đồng bào vẫn chưa thể ổn định được.

Người dân Tam Đình cho biết, theo kế hoạch, tiến độ ban đầu thì đến năm 2013, mọi chế độ cho người dân phải hoàn thành, hạ tầng TĐC phải hoàn thiện. Thế nhưng, đến cuối tháng 3/2017, các chế độ như hỗ trợ hộ nghèo 5,7 triệu đồng/khẩu họ cứ khất lần không chịu rót về (?). Sau nhiều lần hứa hẹn thì đến 30/4, họ có thanh toán một phần tiền này cho người dân.

15-16-04_mot-ngoi-nh-cu-dong-then-ci-tibn-kim-hong
Một ngôi nhà cửa đóng then cài tại bản Kim Hồng

“Đến nay, tiền đào nền nhà mới không thanh toán đầy đủ như cam kết ban đầu. Tiền hỗ trợ thêm 20 triệu đồng cho những hộ tự giác di dời sớm cũng hộ có, hộ không. Chúng tôi hỏi huyện thì được trả lời là không có. Vậy số tiền trước đây hỗ trợ những hộ tự giác di dời lấy đâu ra?”, ông Thắng cho biết.

Không có công trình nước sinh hoạt, dân bản Đình Thắng nhiều năm nay phải đi xa hàng km để gom từng giọt nước về dùng. Sau khi được nhận nguồn hỗ trợ 1,2 triệu đồng từ Chương trình 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì một số hộ dân mới có tiền mua đường ống, dẫn nước từ trên núi về dùng. Tuy nhiên, ống nhỏ, dẫn nước từ xa, nhiều hộ chung nhau nên chất lượng nước kém, tình trạng thiếu nước xảy ra như cơm bữa.

15-16-04_be-nuoc-d-lu-khong-co-mot-giotnuoc
Bể nước đã lâu không có một giọt nước

"Bản có 147 hộ với 617 nhân khẩu nhưng có tới 76 hộ nghèo và 26 hộ cận nghèo. Thiếu ruộng nương canh tác, con em trong bản bỏ đi làm ăn xa cả rồi. 112 hộ đồng bào đã ký vào hồ sơ di dời  với số tiền 2 triệu/nhà sàn và 1,5 triệu/nhà trệt từ rất lâu nhưng không hiểu sao đến bây giờ chưa nhận được tiền. Không biết tiền đang ở đâu? Đề nghị nhà đầu tư, ban đền bù giải phóng mặt bằng chi trả đầy đủ các khoản theo đúng Quyết định 4027 của UBND tỉnh Nghệ An”, Trưởng bản Đình Thắng bức xúc.

+ Theo thống kê, để triển khái các dự án thủy điện, UBND tỉnh Nghệ An đã thu hồi 8.310,4 ha (đất rừng, lâm nghiệp 5.687 ha; đất sản xuất 1.733,3 ha, còn lại đất khác). 3 dự án thủy điện lớn là Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố phải di dời 4.969 hộ dân đến 53 điểm tái định cư. Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có 10 dự án thủy điện đi vào hoạt động và phát điện hòa lưới điện quốc gia, tổng mức đầu tư hơn 18.300 tỉ đồng, tổng công suất 697,5 MW, sản lượng điện trung bình năm hơn 2,2 tỉ KWH.

+ Theo quy hoạch, Nghệ An có 54 dự án thủy điện với tổng công suất 1.659,2 MW. Tuy nhiên, sau khi rà soát, chấn chỉnh, toàn tỉnh hiện có 33 dự án thủy điện với tổng công suất 1.414 MW được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc đang khảo sát xin cấp phép đầu tư. Các dự án thủy điện chủ yếu được triển khai ở các huyện miền núi như Quế Phong (11 dự án), Kỳ Sơn có (8 dự án), Tương Dương (6 dự án)... Thậm chí, chỉ trên 1km dòng sông Nậm Mộ đoạn đi qua huyện Kỳ Sơn hiện có tới 3 dự án đã đi vào hoạt động và 1 dự án chủ đầu tư đang khảo sát xin cấp phép đầu tư.

 

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.