Xây nhà khang trang nhờ vườn cam
Từ lâu, cam sành Tân Lĩnh (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã trở thành thương hiệu đặc sản nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Những vườn cam trĩu quả, vàng óng, ngọt lịm trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, dịch bệnh và thiếu sự đầu tư về kỹ thuật, những vườn cam dần lụi tàn, khiến cho nhiều người dân xót xa, tiếc nuối. Nỗi nhớ về một thời vàng son của cây cam sành đặc sản đang day dứt trong lòng họ, nhiều người mong muốn được hỗ trợ giống, kỹ thuật để phục tráng lại vùng cam.
Những ngày đầu mùa đông ở huyện Lục Yên, không khí lạnh dần bao trùm khắp làng quê. Cái lạnh se sắt của mùa đông thẩm trong từng cơn gió, khiến những vườn cam của người dân nơi đây trở nên xơ xác, hiu quạnh hơn.
Lá cam vàng úa, rụng từng đợt xuống mặt đất, những quả cam còn sót lại trên cành cũng lặng lẽ, im lìm như đang chống chọi với cái lạnh tê tái.
Ngôi nhà xây cấp 4 khang trang của ông Nguyễn Hữu Tuyên ở thôn 4, xã Tân Lĩnh được xây từ năm 2002 với giá trị gần 100 triệu đồng, đây là con số rất lớn thời điểm đó. Giờ đây, ngôi nhà đã nhuốm màu thời gian, xung quanh là khu vườn rộng hàng nghìn m2 bởi cây cam héo úa chết dần nên đã được cải tạo để trồng rau, việc trồng rau chạy chợ là kế sinh nhai chính của gia đình. Trong khu vườn, những gốc và cành cam khô được được chặt ngắn, xếp gọn gàng thành từng đống để làm củi đun.
Hai vợ chồng ông Tuyên dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn phía trái nhà, hiện chỉ còn xót lại gần chục cây cam Vinh xơ xác, vàng vọt, quả thối rụng đầy gốc. Một số cây mới bị đốn hạ ngang thân, mọc chi chít mầm nhưng không cho thấy hi vọng hồi sinh.
Ông Tuyên chia sẻ, trước đây ở thôn Cầu Vè (nay là thôn 4), xã Tân Lĩnh gần như cả làng nhà nào trồng cam sành, các vườn cam cho năng suất cao, thương lái mọi nơi ùn ùn đến thu mua nên mọi người trong làng có thu nhập khá. Riêng nhà ông có hơn 100 gốc cam, mỗi vụ cho thu hoạch 6-7 tấn quả. Ngôi nhà khang trang được xây dựng cũng nhờ tiền tích cóp từ vườn cam. Cây cam sành là giống cam bản địa, được trồng từ đời ông cha, sau đó được chiết cành nhân giống trồng khắp xã và cả vùng lân cận. Đến những 2.000, những vườn cam lần lượt nhiễm bệnh gân xanh lá vàng rồi héo úa chết dần. Người dân phải chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng cam Vinh, tuy nhiên cây cam Vinh cũng chỉ tươi tốt, cho năng suất cao trong vài năm đầu rồi cũng tàn tạ.
Ông Tuyên mong muốn chính quyền địa phương sẽ quan tâm mời các chuyên gia về tìm hiểu nguyên nhân, sau đó cung ứng nguồn cây giống đảm bảo chất lượng và hỗ trợ kỹ thuật thâm canh, chăm sóc để người dân địa phương có thể khôi phục vùng cam như xưa.
Nỗi nhớ vị ngọt cam sành
Ngày trước, những vườn cam xanh mướt nằm dưới chân các dãy núi đá là hình ảnh đặc trưng của vùng đất này. Khi nhắc đến cam sành Tân Lĩnh, nhiều người dân địa phương không khỏi bùi ngùi nhớ về những ngày tháng khi mà dọc theo con đường trung tâm là những vườn cam bạt ngàn, quả đỏ rực, tròn mọng, ngọt lịm. Tiếp đó là mùa thu hoạch bội thu, những xọt cam sau khi hái xuống được ô tô, xe máy của thương lái tấp nập đến thu mua chở đi khắp nơi.
Hương vị của cam sành Tân Lĩnh không chỉ có người dân nơi đây yêu thích mà còn được người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước ưa chuộng. Trong các giống cam được trồng trên đất Lục Yên như cam chanh, cam sành, cam Vinh... thì cam sành vẫn được người tiêu dùng ưa thích hơn cả bởi múi cam róc vỏ, tôm vàng rộm, mọng nước và có vị ngọt đậm, không có vị chua, nhạt như cam ở các nơi khác.
Bà Hoàng Thị Mạnh một người có nhiều năm gắn bó với cây cam sành giãi bày, cam sành ở đây từng nổi tiếng khắp nơi, bạn bè tận Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng cũng đều biết đến vùng cam đặc sản này. Mỗi mùa cam về, không chỉ gia đình bà mà cả xã đều phấn khởi vì cam mang lại nguồn thu nhập khá giúp bà con nâng cao đời sống.
Thế nhưng giờ đây khi nhắc đến cam sành Tân Lĩnh, nỗi buồn lại hiện rõ trên gương mặt mỗi người. Trong làng ít nhà còn giữ được một vài cây cam sành, còn lại đa phần đã chuyển sang trồng cam Vinh. Tuy nhiên sau gần chục năm những vườn cam Vinh lại tiếp tục trở nên xơ xác, nhiều cây cam chết khô, quả ít, chưa đến kỳ thu hoạch đã rụng la liệt khắp vườn. Theo nhiều người dân, nguyên nhân cây cam lụi tàn và chết dần chủ yếu do thay đổi thời tiết, cây thoái hóa, nhiễm nấm bệnh, đất bạc màu…
Mong muốn được hỗ trợ kỹ thuật để khôi phục vùng cam
Ông Hoàng Sơn Trường, chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh cho biết, cây cam sành phát triển mạnh nhất trên địa bàn trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước, với diện tích khoảng hơn 50 ha. Nhiều năm liền các vườn cam sai trĩu trịt, quả rất to (nhiều quả trọng lượng đến 400 – 500 gram), có vị ngọt đậm, mẫu mã đẹp.
Đến đầu những năm 2.000, nhiều nơi trồng cam ồ ạt, giá cả thị trường xuống thấp dẫn đến cung vượt cầu, các vườn cam nhiễm sâu bệnh nhiều, chất lượng quả suy giảm. Đặc biệt, việc thiếu đầu tư chăm sóc, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã làm thoái hóa đất, nhiều diện tích cam chết hàng loạt, từ đó vùng cam sành ngày càng mai một. Hiện, toàn xã còn khoảng 20 ha cam, trong đó giống cam sành chỉ còn lác đác trong một số vườn, còn lại chủ yếu là các giống cam khác như cam chanh, cam Vinh. Nhiều diện tích được người dân chuyển đổi sang trồng quế, keo, bồ đề và các cây lâm nghiệp khác.
Chính quyền địa phương mong muốn huyện, tỉnh hoặc ngành chức năng hỗ trợ xây dựng các mô hình dự án trồng giống cam sành với quy trình kỹ thuật thâm canh bài bản, hiện đại. Sau đó tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để người dân nhân rộng, phát triển bền vững, từng bước phục tráng vùng cam. Nếu có sự đồng hành về mặt khoa học kỹ thuật và giống cam tốt, tin chắc rằng vùng cam Tân Lĩnh sẽ phục hồi và hồi sinh mạnh mẽ.
Vùng đất ngọc Lục Yên từng được coi là thủ phủ của cam sành, mỗi dịp Tết đến quả cam luôn là sự lựa chọn không thể thiếu trong mâm ngũ quả, túi quà tết của mọi gia đình như một sản vật đặc trưng cho vùng đất và con người nơi vùng cao này. Hi vọng trong tương lai gần, những làng quê nằm dưới chân núi đá thanh bình nơi đây sẽ lại được nhuộm vàng bởi những trái cam chín mọng, tràn trề nhựa sống và mang lại những mùa no ấm, đủ đầy cho người dân mỗi dịp xuân về.