Nghề muối di sản Tam Đồng
Ông Nguyễn Trọng Bằng (sinh năm 1978) đang đảm đương trọng trách giám đốc hợp tác xã muối Đại Đồng (thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) với 320 thành viên thuộc 328 hộ gia đình. Ông cũng là người “giữ lửa” của kế hoạch dài hơi: duy trì, bảo tồn phát triển nghề muối thủ công gắn với du lịch tâm linh, gắn với lễ hội Bà chúa Muối trên quê hương Tam Đồng.
Trong bối cảnh chung của những làng nghề sản xuất muối ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng mỗi ngày một teo tóp, thu nhỏ, số lượng diêm dân bám trụ với nghề mỗi năm lại rơi rớt do chuyển đổi sang công việc khác có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, cánh đồng muối Đại Đồng vẫn duy trì 70 lao động thường xuyên với diện tích 3ha sản xuất.
Vụ muối 2024, Đại Đồng thu hoạch được trên 400 tấn muối thủ công. Do chất lượng muối vượt trội so với muối công nghiệp, giá muối Đại Đồng bao giờ cũng cao hơn các khu vực khác, bán được với mức giá trên dưới 5.000 đồng/kg, đạt doanh số khoảng 2 tỷ đồng.
Với bề dày lịch sử làng nghề hàng trăm năm, các kỹ năng, kỹ thuật làm muối đã ăn vào máu khiến các diêm dân Tam Đồng ai cũng thành thục như một nghệ nhân. Với họ, việc sản xuất ra hạt muối không quá nhọc nhằn, vất vả, dù nhiều công đoạn nhưng công đoạn nọ nối tiếp công đoạn kia, nhịp nhàng. Những ông bà 60 – 70 tuổi vẫn cần mẫn trên những cánh đồng muối giờ đây đã được đầu tư xây dựng bài bản, làm muối như thể tập thể dục mỗi ngày.
Bà Lê Thị Chung (SN 1964) chia sẻ: vài chục năm trước, đồng muối Tam Đồng đường đi còn là những con đường đất nhỏ hẹp, không có công cụ sản xuất, vẫn phải dùng những chiếc xe cút kít bánh gỗ để chở từng thùng nước biển đổ lên ruộng chà. Công việc nặng nề, vất vả mà năng suất không được là bao.
Từ năm 2021, Nhà nước đầu tư cho Tam Đồng cánh đồng muối 3ha láng xi-măng sạch sẽ, chia thành các ô khoảnh. Hệ thống kênh mương dẫn nước từ ngoài biển về cánh đồng muối được nạo vét khơi thông, kè cứng hai bên; xây dựng đường đi cho diêm dân. Nước phục vụ sản xuất muối dẫn về tận bờ ruộng, có máy bơm dẫn – đẩy. Nhà kho, nhà chứa muối, dụng cụ sản xuất để sẵn ngoài đồng, cứ đến giờ, đến cữ bà con lại thủng thẳng đi tay không ra ruộng, làm những công việc quen thuộc tới mức, có nhắm mắt họ cũng không bị nhầm, bị lẫn.
Công nghệ muối phơi cát đang được diêm dân Tam Đồng bảo tồn một cách bài bản!
Giám đốc HTX muối Đại Đồng Nguyễn Trọng Bằng là người nhiều hoài bão. Hết nghĩa vụ bộ đội, anh về quê tham gia công tác đoàn thể, lấy vợ, sinh con, duy trì cuộc sống bằng nghề muối trên đồng đất quê mình.
Đầu những năm 2000, anh đã mạnh dạn mở cơ sở chế biến muối sạch lấy nguyên liệu từ hạt muối quê mình. Sản phẩm chủ lực của anh Bằng khi đó là muối sạch, bột canh, muối gia vị… Thị trường mà anh hướng tới, đó là các tỉnh miền núi. Thế nhưng, tư duy của bà con diêm dân thời điểm đó sản xuất muối tự phát, không duy trì bền vững diện tích làm muối nên không ổn định được nguyên liệu. Anh Bằng đành tạm gác hoài bão mang hạt muối Tam Đồng đi xa hơn, nhưng, ngọn lửa khát vọng đó vẫn luôn cháy trong anh.
Kế hoạch sắp tới, HTX sẽ mở rộng diện tích, gắn sản xuất muối với du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh. Thụy Hải là xã duy nhất có đền thờ Bà chúa Muối, mỗi năm mở hội một lần vào ngày 14/4 âm lịch hàng năm – đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trong dịp lễ hội, các lễ vật dâng lên Bà chúa Muối không thể thiếu, đó là muối – sản phẩm gắn với tuổi thơ của bà chúa vẫn được truyền thuyết lưu lại. Những gói muối Tam Đồng rắn đanh, đẹp đẽ ánh màu ngũ sắc được đóng thành những gói nhỏ, xếp trên đĩa thờ như bày mâm ngũ quả để dâng lên bà chúa. Trong phủ, trong đền thờ Bà chúa Muối, không lúc nào thiếu hai mâm muối trắng được bày biện cẩn thận, đặt nghiêm trang hai bên bệ thờ.
Không chỉ có lễ hội Bà chúa Muối, Thụy Hải còn nằm trên cung đường dẫn tới Biển vô cực (xã Thụy Xuân) – một điểm check-in thu hút hàng ngàn lượt khách tìm về để ngắm bình minh trên biển, với bãi cát bồi lắng phẳng lì trải dài hàng km. Vào buổi sáng sớm khi triều chưa lên, bãi cát phẳng như một tấm gương khổng lồ loang loáng dưới ánh nắng ban mai, tạo nên vẻ huyền ảo, kỳ vĩ, hoang sơ thu hút mọi người tìm về.
Đây đang là những tiền đề để huyện Thái Thụy định hướng phát triển du lịch sinh thái trong tương lai, cùng với khu du lịch sinh thái Cồn Đen, Cồn Vành, những khu rừng ngập mặn nguyên sinh.
“Trong bản đồ du lịch của địa phương, làng nghề sản xuất muối Tam Đồng sẽ là một điểm nhấn. Du khách về Thụy Hải sẽ được tham gia trải nghiệm các công đoạn làm muối, như tãi cát, phơi cát, cào cát; xúc cát cho vào bồn để tiếp tục lọc lắng hay thu nước sạch vào các bể chứa. Thú vị nhất là được tận tay cào những lớp muối trắng đã cho thu hoạch, tự tay vun thành đống những đống muối trắng tinh khiết. Khi trở về, họ sẽ được mang theo những túi muối Tam Đồng do chính họ góp phần làm nên. Đó sẽ là những trải nghiệm mang lại nhiều cảm xúc” – ông Bằng chia sẻ.
Đề án 254 tỷ đồng khôi phục sản xuất muối sạch Tam Đồng
Tỉnh Thái Bình đã phê duyệt đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến nhằm khôi phục, phát triển nghề muối thủ công Tam Đồng gắn với di tích lịch sử đền Bà chúa Muối.
Từ năm 2020, Tam Đồng đã có 3 dự án được triển khai đầu tư gồm các hạng mục: xây dựng kho muối, thiết bị máy móc sản xuất muối. Năm 2022, Thái Bình cấp 14 tỷ đồng ngân sách để nạo vét, nâng cấp, kè kênh dẫn nước biển về cánh đồng muối… Đó là những thông tin tươi sáng được giám đốc HTX muối Đại Đồng Nguyễn Trọng Bằng chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND xã Thụy Hải Tạ Duy Bình, đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030” được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 1482 ngày 23/6/2021. Đề án được sự quan tâm ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương từ huyện đến xã và các hộ diêm dân của Hợp tác xã muối Đại Đồng.
Hiện nay chỉ còn xã Thụy Hải là xã duy nhất của huyện Thái Thụy còn giữ nghề sản xuất muối bằng hình thức phơi cát truyền thống gắn liền với di tích “Phủ và đền Bà chúa Muối”, gắn với lễ hội Ông Đùng Bà Đà vào ngày 14/4 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội đặc sắc duy nhất của tỉnh Thái Bình để kỷ niệm ngày mất của Bà chúa Muối.
Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối cổ truyền, tôn vinh giá trị “độc nhất vô nhị” của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia “Đền, phủ thờ Bà chúa Muối” và lễ hội Bà chúa Muối đã được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; triển khai các thủ tục để đăng ký làng nghề “Muối di sản” cho diêm dân tại xã Thụy Hải.
Theo đó, sẽ tổ chức lại sản xuất nghề muối, sản xuất muối gắn với du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm; tăng quy mô diện tích cho các hộ sản xuất có nhu cầu với quy mô 2 – 3ha/hộ.
Đến năm 2025, phấn đấu sản lượng muối đạt 5.000 tấn/năm trong đó diện tích ô kết tinh đạt 2 ha; cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng muối; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến muối; tăng năng suất tối thiểu lên 30%. Đến năm 2030, sản lượng muối đạt 7.000 tấn/năm với các sản phẩm muối đặc thù.
Trong Đề án, Thái Bình dự kiến sẽ bố trí diện tích 50ha để phát triển khu sản xuất muối, địa điểm tại thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải. Cánh đồng muối sẽ ở ngay trước khuôn viên Phủ thờ Bà chúa Muối. Kinh phí thực hiện Đề án, Thái Bình dự trù khoảng 254 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục chính: cải tạo, nâng cấp kiên cố hóa kênh mương thủy lợi đồng muối; xây dựng đường giao thông từ thị trấn Diêm Điền tới cánh đồng muối dài 3km; xây dựng đường ống dẫn nước biển xa bờ kết hợp lkamf cầu dẫn cho du khách ra xa bờ tham quan rừng ngập mặn; nạo vét, kè mái hệ thống sông dẫn Tam Đồng (chiều dài gần 5km), cứng hóa 23 kênh mương sản xuất muối với chiều dài gần 6,5km; xây dựng 18 tuyến đường giao thông nội bộ trên cánh đồng muối với tổng chiều dài hơn 8km…
Ngoài ra, xây dựng khu chế biến các sản phẩm muối có giá trị tăng cao thành hàng hóa với các nhóm chính là muối thực phẩm dinh dưỡng, muối dược liệu, muối tâm linh với các sản phẩm muối vi lượng, muối cho hồ bơi, muối hầm, muối gia vị, muối ngâm chân, muối spa, muối thờ cúng; xây dựng khu bán hàng, trưng bày giới thiệu sản phẩm muối tới khách du lịch.