| Hotline: 0983.970.780

Vạn Đồn, làng “ngụ binh ư nông”

Thứ Tư 02/09/2009 , 11:58 (GMT+7)

Sau kháng chiến chống quân Nguyên, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi quân lính về đồng ruộng), nhà Trần cho những binh lính đồn trú ở Vạn Đồn giải ngũ...

Cách đây mấy chục năm, đến chợ Đụn làng Vạn Đồn (Thuỵ Hồng, Thái Thuỵ,Thái Bình) vào ngày phiên, còn thấy trên giời dưới vó. Dân Vạn Đồn nhà nhà bán vó, người thập phương đến mua cất có, mua lẻ có…nhộn nhịp chẳng khác gì khách đến làng tranh Đông Hồ thời nghề tranh còn thịnh vượng.

Nay về, dạo khắp chợ chẳng có một hàng bán vó nào, tôi tạt vào quán cháo lòng tiết canh góc chợ, hỏi bà chủ:

- Những hàng bán vó bây giờ đâu hết rồi, chị?

- Bác ở đâu về mua vó? Mua cất hay mua lẻ?

- Ở xa lắm, tận Hà Nội cơ.

- Các bác ở Hà Nội, toàn nhà cao cửa rộng, mua vó làm gì?

Tôi đùa:

- Biết đâu năm nay giời lại chẳng cho Thủ đô một trận lụt như đận tháng mười năm ngoái. Những đường phố quanh Hồ Tây, hồ Bẩy Mẫu hay hồ Ha Le… nước đến lưng người, cá từ hồ tràn ra đặc như cám heo, lúc ấy có vó tung ra bán cho dân cất trên đường phố, thì lãi một gấp mười…

- Muốn mua cất, bác phải vào nhà bà Mau hay bà Ân…làng giờ chỉ còn mấy nhà ấy vừa đan, vừa mua gom thôi…

Nghề đan vó Vạn Đồn có từ bao giờ, chẳng ai nói được chính xác. Một số cụ tám chín mươi tuổi kể, ngay từ lúc các cụ lên sáu lên bẩy, đã thấy nghề vó của làng phát đạt lắm rồi, và bản thân các cụ từ thời ấy đã biết đan vó. Vó Vạn Đồn có thương hiệu từ lâu. Câu “Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn…”, ai mà không biết. Gà Tò to con, dai thịt. Lợn Tó nhiều nạc, thịt thơm. Còn vó Vạn Đồn lại nổi tiếng bởi nhiều ưu thế. Một số làng khác quanh đó như Phương Man, Diêm Tỉnh… thời trước cũng đan vó, nhưng mà độ võng của vó không đều, nên cất lên có chỗ căng chỗ chùng, độ chụm không cao. Giống cá, nhất là cá to, thường rất tinh. Bị mắc vó, chúng trằn mình, tìm những chỗ vó căng, tựa vào đó làm đà bật mình vút lên, vọt ra ngoài thoát thân. Nhưng gặp vó Vạn Đồng thì các cu cậu chịu, vì độ võng rất đều, độ chụm tất cao, lăn chỗ nào cũng thấy bùng nhùng (người trong nghề gọi là “vó nhiều thịt”), không có chỗ làm đà để vọt lên, các chú đành nằm im chờ chui vào giỏ…

Không ai biết nghề vó có từ bao giờ, nhưng chắc chắn nghề này được du nhập vào Vạn Đồn, trước hết, bởi xưa kia đây là một vùng đồng nước mênh mông. Tra niên lịch, thấy đến nay làng đã hơn bẩy trăm tuổi. Trong trí nhớ dân gian, thì những cư dân đầu tiên của làng vốn là quân lính của Phụng Kiền vương Trần Liễu. Số là sau khi nhận ngôi báu của vợ nhường cho đã hàng chục năm mà vua Thái Tông Trần Cảnh vẫn chưa có con. Sợ lòng dân xao động, Thái sư Trần Thủ Độ buộc Trần Liễu phải “nhường” người vợ đang mang thai cho em. Cuộc gán ghép này khiến Thái Tông đau buồn, thay trang phục, che mặt trốn khỏi kinh thành Thăng Long lên Yên Tử đi tu nhưng lại bị Trần Thủ Độ tìm lên tận nơi bắt quay về, còn Trần Liễu thì đem binh trong trang ấp của mình nổi loạn. Cuộc bạo loạn bất thành, Trần Liễu phải giả làm người đánh cá, chèo một chiếc thuyền chài đến thuyền vua xin hàng.

Vua Thái Tông ôm lấy anh trai, khóc lóc, rồi lại lấy thân mình che cho anh khỏi lưỡi gươm của Trần Thủ Độ. Không một cái đầu nào bị rơi. Phụng Kiền vương Trần Liễu chỉ bị đưa ra Quảng Ninh làm An Sinh vương (vị vương sống an phận). Chính từ nơi sống “an phận” đó, ông đã dạy dỗ, rèn cặp cho đất nước một vị nguyên soái lẫy lừng là Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Mấy vạn gia binh của ông bị sung vào quân ngũ của triều đình, chia đóng dọc bờ sông Hoá, nhiều nhất là Vạn Đồn. Cái tên Vạn Đồn từ đó mà thành.

Sự kiện này được sử quan đời sau hết lời ca ngợi. Triều Đường và triều Trần, hai triều đại rực rỡ nhất của Trung Quốc và Việt Nam, mỗi triều đều có một vua Thái Tông. Thái Tông Lý Thế Dân nhà Đường lấy niên hiệu Trinh Quán, còn Thái Tông Trần Cảnh nhà Trần có niên hiệu Nguyên Phong. Cả hai vị đều có chuyện anh em tranh chấp, anh chống em. Nhưng Lý Kiến Thành nhà Đường bị em trai là Lý Thế Dân giết chết, còn Trần Cảnh không những không giết anh trai mình mà còn phong thái ấp để nuôi dưỡng trọn đời, và hai chi nhà Trần trước sau vẫn sống hoà thuận, như vậy Thái Tông nhà Trần nhân đức hơn Thái Tông nhà Đường (Thơ cổ: “Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông/ Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong/ Kiến Thành do tử, An Sinh tại/ Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng”).

Quân Nguyên xâm lược lần thứ hai, Vạn Đồn được tăng quân, vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo vương đã lập “Lưu Đồn hành cung” ở sát Vạn Đồn để chỉ huy cuộc kháng chiến. Từ Vạn Đồn, lui có thể qua cửa Đại Bàng ra biển để ngược lên Đông bắc hay xuôi vào Hoan, Diễn (Thanh Hoá, Nghệ An), nơi chỉ gọi một tiếng là có ngay mười vạn quân lính (Thơ của Nhân Tông Hoàng đế: “Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ/ Hoan, Diễn đang còn chục vạn quân”), tiến có thể theo sông Hoá sang sông Luộc vào vùng Lục Đầu Giang mênh mông hay vào sông Hồng áp sát Thăng Long. Lưu Đồn hành cung ngày nay chính là làng Lưu Đồn, cùng với Vạn Đồn đều thuộc xã Thuỵ Hồng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.

Tại Lưu Đồn hiện còn dấu vết của bốn chòi canh bảo vệ hành cung. Bảy cái giếng do Hưng Đạo vương cho đào để quân lính lấy nước ăn uống, tắm giặt, đáy mỗi giếng đều đóng bốn cọc gỗ lim, có chặn bằng một tảng đá lớn, thành giếng xây bằng đá, vẫn còn nguyên. Cả bảy giếng nước ấy, hiện nay người làng vẫn dùng, nước vẫn rất trong, truyền rằng Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đều đã từng tắm ở những giếng nước này, vì thế mới có câu ca:

Giếng này tắm đức thánh quân

Nước vo hạt gạo trắng ngần dẻo thơm 

Vạn Đồn còn có tên là làng Đụn, vì khởi nguyên nó được lập trên một đụn đất lớn. Ven sông Hoá gần cửa Đại Bàng thời Trần có tám đụn đất nổi cao giữa một vùng nước mênh mông. Lưu Đồn hành cung của vua Trần cũng dựng trên một trong 8 đụn đất ấy. Khi xây dựng đồn binh Vạn Đồn, các tướng nhà Trần là Bùi Công Bình, Nguyễn Phúc Hiến, Dương Mãnh Đại cũng đã tổ chức khẩn hoang. Bùi Công Bình khi mất được phong là Hùng Cảnh Đại Vương Thượng Đẳng Thần, lăng mộ ông hiện còn ở Lưu Đồn. Sau kháng chiến chống quân Nguyên, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi quân lính về đồng ruộng), nhà Trần cho những binh lính đồn trú ở Vạn Đồn giải ngũ, khai khẩn 8 đụn đất lập thành 8 làng là Vạn Đồn, Lưu Đồn, An Cố, Phương Man, Diêm Tỉnh, Tu Trình, Ô Trình, Quảng Nạp.

Nghề vó Vạn Đồn trước mười giờ chỉ còn một, nguyên nhân thứ nhất là do nhu cầu giảm. Đồng bằng sông Hồng trước đây, làng xóm nào, nhất là những làng xóm ven các con sông, mà chẳng nhiều hồ, đầm, thùng vũng, nguồn cá thiên nhiên rất lớn. Người dân, ngoài công việc cày cấy chẳng còn biết làm gì, rỗi rãi vác vó ra đồng là có ăn. Bây giờ, hồ đầm thùng vũng đều đã có chủ nhận thầu hay đã bị lấp hết, nông giang, sông ngòi cũng ô nhiễm…chẳng mấy ai dùng vó. Lượng vó thu gom được phần lớn bây giờ lại bán lên…miền núi. Ông Chủ tịch UBND xã Thuỵ Hồng kể:

- Dân dưới này lên chơi thăm bà con ở các tỉnh miền ngược như Bắc Giang, Tuyên Quang…mà mang lên được một vài tấm vó làm quà thì trên ấy quý lắm.

Lý do thứ hai khiến cho nghề vó mai một dần là ngày công đan vó rất thấp. Đan vó là một nghề làm hoàn toàn bằng tay, không có một loại máy nào có thể thay thế được. Trước đây, vó Vạn Đồn đan bằng sợi gai. Từ cây gai đến sợi gai đan vó phải qua cả chục công đoạn tước, ngâm, chuội trắng, xe…rất mất thời gian, vì thế một công đan lưới gai chỉ độ 10 hay 15 ngàn đồng. Bây giờ dùng sợi ni lông, có đỡ hơn. Anh Đinh Văn Coóng, con trai bà Mau, một tay đan vó có hạng kiêm chủ mua gom vó bán đi các nơi, bảo:

- Chiếc vó hai sải (mỗi cạnh có độ dài 2 sải tay người lớn) này, sức tôi đan kỳ khu phải 6 ngày mới xong, bán được cỡ 140 ngàn, tiền sợi (ni lông) mất 20 ngàn, còn lại mỗi ngày công chỉ được 20 ngàn.

Vì thế, bây giờ ở Vạn Đồn thường chỉ còn các cụ già không còn làm nổi việc gì nữa mới ngồi đan vó, cốt để kiếm thêm đồng mắm đồng rau. Thanh niên trai tráng, đàn ông trung niên tứ tán đi khỏi làng kiếm việc khác có thu nhập cao hơn, ngày dăm bẩy chục hay trăm ngàn. Các chị các bà thì chuyển nghề từ đan vó sang móc sợi thành giỏ, thành làn hay đan lưới bóng đá, bóng bàn, lưới cầu lông… cho các Cty.

Thời vàng son của nghề vó Vạn Đồn đã qua đi, và có lẽ chẳng bao giờ còn trở lại nữa.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.