
Bác sĩ Đài Loan Trương Vũ Tu.
Bác sĩ Đài Loan Trương Vũ Tu có bằng tiến sĩ Đại học Havard và giảng dạy tại Học viện Dương Minh. Ông đã tham gia chiến dịch tình nguyện chống Covid-19 tại Việt Nam. Có mặt tại TP.HCM và Đồng Nai từ tháng 3/2021 đến tháng 10/2021, bác sĩ Đài Loan đã ghi chép những sự kiện và những cảm xúc cá nhân thành cuốn sách “Việt Nam y ký”.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025), cuốn sách “Việt Nam y ký” của bác sĩ Đài Loan Trương Vũ Tu vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành. 268 trang, chia thành 94 đoản khúc, “Việt Nam y ký” không chỉ là câu chuyện y tế mà còn là câu chuyên nhân nghĩa giữa con người với con người trong bối cảnh thử thách cam go.
“Việt Nam y ký” diễn đạt đơn giản về khoa học của sự sống, về chống chọi với bệnh tật, với dịch bệnh, thể hiện tấm lòng và nỗi lo âu của người thầy thuốc, lúc hết sức khẩn trương, lúc trầm lắng. Bác sĩ Đài Loan đã chia sẻ với người dân Việt Nam hoàn cảnh cách ly vô cùng khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề. Tác giả Trương Vũ Tu gọi khoảng thời gian đối mặt Covid-19 là giai đoạn “không chắc chắn” nhưng “luôn kỳ vọng”.
Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thế Hùng nhận xét về cuốn sách “Việt Nam y ký” của bác sĩ Đài Loan: “Với tác phẩm này, bác sĩ Trương Vũ Tu miêu tả lại rất chân thực cuộc sống như ngừng đọng, TP.HCM chưa bao giờ vắng lặng như thế mà lại đẹp như thế! Nhiều gia đình được cơ hội bên nhau nhưng cũng có gia đình luôn tìm kiếm, chực chờ thông tin những người thương yêu không biết sống chết thế nào? Không biết ở đâu? Dù đây là thời bình, cuộc chiến chống siêu vi này sao mà bi thảm quá, nóng lòng ngóng trông người thương yêu như ở phương xa nơi đâu, chưa biết bao giờ gặp lại được.
Bác sĩ Trương Vũ Tu đã đề cập đến mọi tầng lớp xã hội mà ông bắt gặp trong những lúc dầu sôi lửa bỏng. Ông phát hiện giữa những lúc nguy khó vẫn tồn tại nét đẹp đời thường, đó là sự quan tâm dành cho người già, trẻ em và các đối tượng yếu thế trong cộng đồng.
Trong tâm khảm của bác sĩ Trương Vũ Tu, đội ngũ thầy thuốc trong đại dịch Covid-19 được phác họa: “Những thách thức lớn nhất mà người đảm nhiệm công tác điều trị ở mỗi quốc gia đều phải đối mặt, là làm được bao nhiêu, kiên trì được bao lâu, và làm thế nào để đốc hết sức mình? Trong tình trạng Covid-19 đang hoành hành tàn khốc như thế này, như một cơn sóng dữ ập tới, nếu trong tay còn có phao cứu sinh, nếu trong phòng bệnh vẫn còn có thể kê thêm được một giường nữa, nếu thời gian cho phép chúng tôi lắng nghe những âu lo đau đớn của họ, thì chúng tôi chẳng thể nào từ chối”.

Ghi chép của một bác sĩ Đài Loan từng tham gia chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế và Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới, bác sĩ Trương Vũ Tu quay trở lại Đài Loan với cảm xúc: “Thứ không nỡ bỏ nhất là hai chậu bonsai trồng ở cửa sổ, mà tôi đã tìm được chúng ở dưới quầy của một siêu thị khi vừa tới TP.HCM. Lúc mới mang về, do chưa thích nghi nên lá khô khốc cả. Sau đó tôi đổi sang trồng trong cái ly trà sữa, rồi mang đất ở bãi cỏ bên cạnh bệnh viện để thêm vào. Cuối cùng hai cái cây cũng vươn những nhánh lá non ra bên ngoài ban công. Tiếc là trong lúc này phải bỏ hai chậu bonsai đi, sau này cho dù có dời đến đâu, cũng không như ở ban công mà chúng thuộc về”.
Kết thúc cuốn sách “Việt Nam y ký”, bác sĩ Đài Loan đúc kết kinh nghiệm: “Covid-19 là một bài học và đau khổ mới đối với nhân loại. Chúng ta quyết không thể đối đãi bệnh nhân Covid-19 như những bệnh nhân thần kinh hay bệnh nhân phong cùi hàng trăm năm trước đây”.