130 ca khúc giống như một món quà dành tặng Đà Lạt tròn 130 năm, tính từ ngày bác sĩ Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên năm 1893. Đà Lạt vốn được xây dựng làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức chính quyền đô hộ Pháp, rồi dần dần trở thành địa chỉ “cho người này niềm vui, cho người kia mát lành”.
Vẻ đẹp mơ mộng của Đà Lạt đã kích hoạt cảm hứng cho nhiều tâm hồn nghệ thuật. Đà Lạt lặng lẽ ngày xưa và Đà Lạt rộn ràng bây giờ, vẫn nguyên vẹn sự mời gọi với bàn chân du khách. Mỗi người yêu Đà Lạt theo một cách riêng, và tình yêu ấy luôn được bồi đắp bởi những ca khúc viết về Đà Lạt.
Tuyển tập 130 ca khúc viết về Đà Lạt, không chỉ có 130 ca khúc, mà người biên soạn là nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp còn in kèm 19 ca khúc trong album “Mong em về Đà Lạt” của mình. Vị chi, tuyển tập dày hơn 300 trang này chứa đựng đến 149 ca khúc.
Không phải ngẫu nhiên Đà Lạt được UNESCO công nhận là “thành phố sáng tạo âm nhạc” đầu tiên của Việt Nam. Tuyển tập 130 ca khúc viết về Đà Lạt góp phần chứng minh giá trị ấy. Thật khó xác định ca khúc nào viết về Đà Lạt sớm nhất, nhưng có những ca khúc viết về Đà Lạt đã vô cùng quen thuộc với công chúng như “Ai lên xứ hoa đào” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên (1930 -1973), “Đà Lạt hoàng hôn” của nhạc sĩ Minh Kỳ (1930-1975), “Mimosa” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường (1924-1999) hoặc “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương (1937-2020).
130 nhạc sĩ góp mặt trong 130 ca khúc viết về Đà Lạt, cũng bao gồm nhiều thế hệ. Trưởng thượng nhất có nhạc sĩ Phạm Duy sinh năm 1921 với ca khúc “Cỏ hồng”, còn hậu sinh nhất có nhạc sĩ Quỳnh Phạm sinh năm 1999 với ca khúc “Đà Lạt và kỷ niệm”.
Đà Lạt vốn có một ngôi làng định cư lâu đời của người Lạch. Cho nên, thật thú vị khi thấy Đà Lạt đi vào ca khúc của các nhạc sĩ bản địa, như nhạc sĩ Krajan Plin với ca khúc “Đà Lạt mùa xuân” và nhạc sĩ Krajan Dick với ca khúc “Nồng nàn cao nguyên.
Có một nhạc sĩ nước ngoài sáng tác về Đà Lạt là Dalena quốc tịch Mỹ, với ca khúc “Phố mùa đông”, được nhạc sĩ Bảo Chấn chuyển ngữ lời Việt.
Sự lãng mạn của Đà Lạt chất chứa nguồn thi ca bất tận. Vì vậy, nhiều nhà thơ viết về Đà Lạt đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Trong tuyển tập 130 ca khúc viết về Đà Lạt có không ít ca khúc phổ thơ như “Nụ cười Đà Lạt” do Lư Nhất Vũ phổ thơ Hải Như, “Thực mơ Đà Lạt” do Hoàng Sông Hương phổ thơ Vũ Quần Phương, “Nhớ về Đà Lạt” do Hoàng Trọng phổ thơ Hồ Đình Phương, “Ngẫu hứng Đà Lạt phố” do Dương Toàn Thiên phổ thơ Uông Thái Biểu, “Tình yêu Đà Lạt” do Trương Tuyết Mai phổ thơ Thái Xứng hoặc “Lạc giữa tình yêu” do Nguyễn Thái Hiệp phổ thơ Lương Minh Cừ.
Nếu Đà Lạt với nhạc sĩ Đức Huy là “Cơn mưa phùn” và nhạc sĩ Thanh Tùng là “Mưa ngâu”, thì Đà Lạt với nhạc sĩ Thế Bảo là “Lao xao rừng thông”. Ở tuổi 87 tuổi, nhạc sĩ Thế Bảo chia sẻ: “Tôi viết ca khúc “Lao xao rừng thông” vào năm 1981, trong chuyến đi Đà Lạt cùng nhạc sĩ Trần Quang Huy. Năm 1995, tôi đưa ca khúc “Lao xao rừng thông” vào album “Người tình vô tư” với giọng hát cao vút của ca sĩ Ngọc Ánh”.
Tuyển tập 130 ca khúc viết về Đà Lạt đã quy tụ nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Trọng Cầu, Phạm Tuyên, Châu Kỳ, Y Vân, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Nguyễn Cường, Việt Anh… Đó là một cuộc điểm danh khá tưng bừng. Chỉ tiếc, thiếu vắng nhạc sĩ Phú Quang (1949-2021).
Trong gia tài của nhạc sĩ Phú Quang có một ca khúc viết về Đà Lạt là “Đà Lạt ngày về” phổ thơ Trần Hữu Lục. Ca khúc “Đà Lạt ngày về” từng được ca sĩ Nhã Phương thể hiện rất da diết: “Đà Lạt ngày tôi về, cánh rừng xõa tóc đêm/ Chút hương thoảng bay triền dốc sương đầy/ Ngã ba đường xưa tôi đứng, giờ hoa anh đào tàn phai/ Em bây giờ quá xa, một nửa vầng trăng hao khuyết/ Em bây giờ quá xa, khi ngày tôi trở lại/ Tan về đâu, về đâu những hạt mưa ngày ấy/ Tan về đâu, về đâu màu áo buổi ban đầu”.