Những ngày này, chúng tôi về với các ấp, xóm, phum sóc tỉnh Kiên Giang, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, cảm nhận đầu tiên là diện mạo các phum sóc đang khởi sắc, đời sống của bà con Khmer không ngừng được cải thiện và đổi thay rõ rệt.
Kiên Giang có 15 xã đặc biệt khó khăn (trong đó có 6 xã nằm ở vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 9 xã vùng biên giới, ATK). Thực hiện chương trình 135, hàng năm tỉnh, huyện chỉ đạo các xã rà soát các danh mục công trình thiết yếu để phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh; hỗ trợ vốn vay đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD) phát triển kinh tế gia đình; cấp bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và người dân vùng khó khăn.
Diện mạo nông thôn xã đặc biệt khó khăn Thổ Sơn (Hòn Đất) đang khởi sắc có sự đóng góp rất nhiều của người dân
Ba năm qua, Kiên Giang đã huy động các nguồn lực đầu tư hơn 174 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp hàng chục công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, trụ sở xã, chợ, cấp nước sinh hoạt…phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; xây cất hàng nghìn căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.
Cùng với nguồn vốn Chính phủ, NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách tại 15 xã đặc biệt khó khăn, với gần 20 nghìn hộ vay vốn, tổng dư nợ đến cuối năm 2015 đạt gần 300 tỷ đồng.
Vốn vay từ NHCSXH đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo không những có điều kiện phát triển SXKD, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững mà còn góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Chị Thị Thanh ở xã Thổ Sơn (Hòn Đất) trước đây do gia đình không có đất sản xuất, nên đời sống rất khó khăn. Năm 2013, gia đình chị được địa phương xét hỗ trợ vốn chăn nuôi. Sau 3 năm, từ mô hình nhỏ, gia đình chị Thị Thanh đã có hơn 40 con lợn thương phẩm, trung bình 4 tháng chị xuất chuồng gần 2 tấn lợn thịt, lợi nhuận thu về trên 80 triệu đồng/năm. Có vốn, gia đình chị còn mua được 1ha đất sản xuất; căn nhà xiêu vẹo ngày nào đã được xây mới khang trang.
Chị Thị Thanh ở xã Thổ Sơn (Hòn Đất) chăm sóc đàn heo và thoát nghèo bền vững từ vốn vay NHCSXH
Chị Thị Thanh cho biết: “Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, gia đình tôi không thể có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Căn nhà với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng vừa hoàn thành vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2016, khiến gia đình tôi vui mừng hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà con cái cũng được học hành đầy đủ hơn”.
Hiện nay, 14/15 xã đặc biệt khó khăn có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 55% ấp có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chí NTM; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 95%, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85%; tỷ lệ xã có trường mẫu giáo theo quy định đạt 84,8%, trạm y tế đạt chuẩn 63%; thực hiện chính sách hỗ trợ y tế Kiên Giang đã cấp bảo hiểm y tế cho hộ dân sống ở 15 xã khó khăn, đạt tỷ lệ 98% với tổng kinh phí 40 tỷ đồng.
Diện mạo phum sóc xã NTM Định Hòa (Gò Quao) đang khởi sắc, đường GTNT được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của bàn con đồng bào dân tộc Khmer
Bên cạnh đó, đào tạo nghề nông thôn cho 2.190 người, với 70% trong số này sau khi học nghề có việc làm, tự tạo việc làm, thu nhập ổn định, trong đó xuất khẩu lao động hàng chục người; hỗ trợ bù giá điện cho hàng chục ngàn lượt hộ nghèo gần 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, các công trình thiết yếu khác được lồng ghép đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và huy động xã hội hóa phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng đồng bào dân tộc đã có bước phát triển về mọi mặt.
Điển hình như xã Mỹ Đức (TX Hà Tiên) là xã giáp biên với nước bạn Campuchia có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhờ Chương trình 135 đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới, những năm qua với các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo như giúp vốn, cây con – con giống sản xuất, cải thiện nhà ở, bù giá điện, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, xây dựng cơ sở hạ tầng…, đã tạo sự chuyển biến phát triển về nhiều mặt tại các xã nghèo, vùng nghèo, đời sống người nghèo từng bước nâng lên khá giàu, góp phần cho xã Mỹ Đức giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,9%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, xã biên giới giai đoạn 2013 - 2015, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Kiên Giang ngày càng phát triển; hộ nghèo, xã nghèo giảm dần. Ông Mai Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm, tích cực thực hiện công tác dân tộc, nhất là công tác giảm nghèo đối với đồng bào DTTS. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giải quyết việc làm, giáo dục - đào tạo, y tế và đầu tư cơ sở hạ tầng, bộ mặt vùng nông thôn, biên giới, hải đảo đổi thay đáng kể…
“Hiện nay, các xã nghèo thuộc Chương trình 135 còn tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là 11,3% là xã Vân Khánh Đông (huyện An Minh) và xã Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên) có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là 1,9% trong số các xã đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2016 - 2020, Kiên Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả tỉnh từ 1 - 1,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo xã đặc biệt khó khăn giảm 2 - 2,5%/năm”, ông Huỳnh nói.
Sự đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc Khmer hôm nay ở Kiên Giang đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào Khmer. Đây cũng là động lực giúp bà con thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm công trình, phần việc có ý nghĩa trong phong trào xây dựng nông thôn mới mang lại sự khởi sắc cho làng quê.