| Hotline: 0983.970.780

Không để nông thôn mới... cũ đi

Thứ Ba 25/02/2025 , 09:21 (GMT+7)

Mục tiêu đô thị hóa huyện Triệu Sơn không còn xa vời bởi địa phương đã chuẩn bị đầy đủ về thế và lực để bứt tốc trong kỷ nguyên vươn mình.

650 DN với hơn 23.000 người có việc làm thường xuyên

Tỉnh Thanh Hóa đã vạch ra lộ trình để nâng tầm huyện Triệu Sơn bằng việc bổ sung việc thành lập "thị xã Triệu Sơn" giai đoạn 2026-2030 vào hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn khẳng định, đây là cơ hội để Triệu Sơn phấn đấu hoàn thành mục tiêu đô thị hóa trong giai đoạn tới. Mục tiêu ấy không xa vời, không huyễn hoặc mà sẽ được thực hiện thành công dựa trên nền tảng là lợi thế về điều kiện tự nhiên, con người, truyền thống văn hóa lịch sử, đặc biệt là sự đồng lòng, đoàn kết nhất trí của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện...

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án Cụm công nghiệp Hợp Thắng. Ảnh: BTH.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án Cụm công nghiệp Hợp Thắng. Ảnh: BTH.

Nói về mục tiêu đô thị hóa, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn điểm qua một vài yếu tố kiến tạo đô thị và xem đó là động lực quan trọng để thực hiện khát vọng vươn mình trong tương lai, điển hình như: Hiếm có huyện nào có vị trí thuận lợi như Triệu Sơn, bởi đây là vùng cận thị (tiếp giáp với thành phố Thanh Hóa). Nhiều tuyến đường lớn được mở ra như: Đường nối tỉnh lộ 515C và đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, từ xã Thọ Tân đi xã Hợp Lý, Xuân Thọ, Thọ Tiến; đường kết nối Quốc lộ 47C với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn… Tuyến đường cao tốc Bắc Nam chạy... Ngoài ra, Triệu Sơn còn có huyệt đạo Am Tiên (một trong ba huyệt đạo linh thiêng nhất cả nước) và các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng... 

Bài liên quan

Ông Tuấn cho biết, trong cơ cấu kinh tế của huyện, lĩnh vực nông nghiệp được xem là trụ đỡ cho sự phát triển kinh tế; phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch là động lực tăng trưởng. Theo đó, để tạo động lực tăng trưởng dựa trên thế tiềm năng, lợi thế sẵn có, lãnh đạo huyện đã “xắn tay áo” trực tiếp đấu nối và tìm kiếm, mời gọi đầu tư thông qua hội nghị kết nối các nhà đầu tư, đặc biệt là vận động doanh nghiệp là con em Triệu Sơn đang hoạt động trong và ngoài tỉnh hướng về quê hương.

Ông Tuấn thẳng thắn: “Nhiều khi cứ nói trải thảm đỏ để đón nhà đầu tư, nhưng nếu cứ ngồi chờ thì ai đến với mình? Mình không chủ động tiếp xúc, không hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đầu tư thì mảnh đất ấy dù có tiềm năng đến mấy cũng chỉ ở dạng... tiềm năng”.

Khác với nhiều địa phương trong tỉnh, vài năm trở lại đây người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Sơn không còn đặt nặng tư duy dựa dẫm vào việc bán đất để tạo nguồn thu ngân sách. Xét cho cùng, đây là nguồn lực hữu hạn, giải quyết vấn đề trước mắt chứ không thể tính chuyện đường dài. Thay vào đó huyện Triệu Sơn chú trọng việc thu hút các dự án lớn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động, từ đó huy động, tạo thêm nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Hiệu quả của cách làm khác biệt này đã thể hiện rõ qua những con số cụ thể. Tính đến năm 2025, trên địa bàn huyện có gần 650 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã và đang tạo việc làm cho hơn 23.000 lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định. Trong những năm tới, huyện Triệu Sơn đặt mục tiêu, mỗi năm sẽ tạo ra việc làm cho 3.000 - 5.000 lao động địa phương thông qua việc thu hút đầu tư.

Mặc dù thu hút đầu tư là nền tảng cho sự phát triển, nhưng lãnh đạo huyện Triệu Sơn khẳng định, không thu hút đầu tư bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế: “Các dự án đầu tư vào huyện phải đáp ứng tiêu chí “xanh, sạch, trí tuệ”. Nhà đầu tư phải đặt song hành lợi ích của doanh nghiệp và người dân, chứ không thể chú trọng vào quyền lợi của nhà đầu tư mà bỏ quên trách nhiệm cộng đồng, xã hội” ông Tuấn chia sẻ.

Lấy xây dựng nông thôn mới làm điểm tựa

Mỗi địa phương sẽ có những cách thức riêng biệt để kể câu chuyện nông thôn mới theo cách của mình và cách làm nông thôn mới tại huyện Triệu Sơn cũng có nhiều điểm khác biệt so với các địa phương khác trong tỉnh Thanh Hóa. Tựu chung lại, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định xây dựng nông thôn mới là bước đệm để đô thị hóa, chứ không phải để nông thôn mới… cũ đi.

Ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn, Thanh Hóa. 

Ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn, Thanh Hóa. 

Xác định muốn đô thị hóa thì hạ tầng phải đi trước. Hạ tầng phải xuất phát từ việc xây dựng nông thôn mới, làm tiền đề để thu hút đầu tư. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp bàn và nhất trí cao về mục tiêu xây dựng đô thị loại 4 (vừa xây dựng nông thôn mới vừa đô thị hóa) và được định hướng bằng Nghị quyết 12, lấy việc vận động người dân hiến đất mở rộng đường giao thông liên thôn, xã làm yếu tố then chốt, nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu nêu ra.

Nghị quyết 12 và chương trình hành động xuyên suốt được xem là “cuộc cách mạng” mở đường làm thay đổi nhận thức và bộ mặt nông thôn tại huyện Triệu Sơn. Nghị quyết giúp khơi dậy sức dân, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong thực thi nhiệm vụ từ huyện tới cơ sở trong xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa nông thôn.

Cơ sở hạ tầng tại huyện Triệu Sơn được đầu tư bài bản. 

Cơ sở hạ tầng tại huyện Triệu Sơn được đầu tư bài bản. 

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 12 (2022-2025), toàn huyện Triệu Sơn đã có hơn 21,6 nghìn hộ dân hiến đất với chiều dài các tuyến đường hơn 586 km và hơn 875 nghìn m2, trở thành mô hình điểm về phong trào hiến đất làm đường tại tỉnh Thanh Hóa và được nhiều huyện, thị, thành phố đến tham quan, học tập. Năm 2022, huyện Triệu Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và chỉ 2 năm sau địa phương tiếp tục được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Triệu Sơn nằm trong tốp các huyện có tốc độ tăng trưởng cao nhất tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 75 triệu đồng/người/năm. 

Xác định nông nghiệp là trụ đỡ cho sự phát triển kinh tế, bởi vậy lãnh đạo huyện Triệu Sơn đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc tích tụ đất đai, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm thay đổi đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.

Cây đào mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân huyện Triệu Sơn.

Cây đào mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân huyện Triệu Sơn.

Nhiều địa phương trong huyện đã hình thành các cánh đồng chuyên canh liền vùng, liền thửa rộng hàng trăm héc ta (vùng trồng đào, quất, cây cảnh…) mang lại giá trị thu nhập lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Các giải pháp chiến lược trong phát triển nông nghiệp của huyện Triệu Sơn được thực hiện đồng bộ quyết liệt đang từng bước biến nông dân trở thành những “ông chủ”, những công nhân nông nghiệp trên những cánh đồng mẫu lớn.

Khát vọng đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế, xã hội huyện Triệu Sơn không chỉ là momg muốn của người dân mà đó còn là trách nhiệm của hệ thống chính trị đặc biệt là những người “đứng mũi, chịu sào” tại địa phương.

“Với một địa phương hội tụ đầy đủ các cơ hội và yếu tố để phát triển, thì không có lý do gì để không phát triển. Chúng tôi mong muốn, con em địa phương sẽ không phải ra Bắc vào Nam để tìm kiếm việc làm, mà có thể ổn định cuộc sống trên chính quê hương mình” ông Tuấn nói.

Huyện Triệu Sơn có 32/32 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); 17/32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 53,13%); 2/32 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 6,25%); 2/2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện duy trì đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Xem thêm
TP.HCM đẩy mạnh cho vay cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

UBND TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản triển khai chính sách tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 5 huyện ngoại thành.

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

An Giang có 184 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao

UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh có 184 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao.

Bình luận mới nhất