Với dân số hơn 12 triệu người, TP.HCM là địa bàn trọng điểm lớn nhất cả nước về sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ và xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm.
Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, hiện nay sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm. Cụ thể, rau, củ, quả sản xuất tại TP.HCM mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu; động vật sống đáp ứng được 10%; thủy sản và sản phẩm thủy sản cũng đáp ứng khoảng 15-20% nhu cầu của người dân thành phố. Phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau.
Chính vì vậy, việc đảm bảo nguồn nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm cho người dân luôn được UBND TP.HCM, Sở NN-PTNT TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối… quan tâm đặt lên hàng đầu.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM thời gian qua, mặc dù chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã được cải thiện đáng kể nhưng không ổn định; tỷ trọng thực phẩm nông lâm thủy sản có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Thành phố. Mặt khác, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc vẫn còn diễn ra gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, từ 2018 đến nay, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM xây dựng, giám sát sản phẩm thủy sản cung ứng vào TP.HCM đảm bảo ATVSTP. Đến nay, TP Cần Thơ đã xây dựng được 13 chuỗi cung ứng thủy sản bao gồm các sản phẩm như lươn, ếch, cá thác lác, cá rô… cung ứng cho TP.HCM. Năng lực sản xuất của TP Cần Thơ về thủy sản rất lớn, có khoảng 220.000 tấn thủy sản sản xuất hàng năm, trong đó có 80.000 tấn cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Vì vậy, nhằm phối hợp kiểm soát thực phẩm từ nguồn và kết nối các sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã ký kết triển khai công tác phối hợp quản lý, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm có sản phẩm đưa về Thành phố giai đoạn 2021-2025 với Sở NN-PTNT 15 tỉnh gồm: Bà Rịa - Vùng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long. Đồng thời, qua đó, góp phần đẩy mạnh sản xuất và nâng cao hiệu quả giám sát an toàn thực phẩm của các tỉnh thành.
“Việc ký kết giữa TP.HCM và các tỉnh góp phần khẳng định mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa các tỉnh và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác...) đến cơ sở sơ chế/ giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ”, bà Lan cho hay.
Cũng theo bà Lan, thông qua việc ký kết và triển khai các chương trình, đề án đảm bảo an toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh thiết lập hệ thống quản lý đối với các cơ sở đạt chứng nhận an toàn kinh doanh tại TP.HCM, đặc biệt cung cấp vào bếp ăn trường học, hệ thống kinh doanh hiện đại và mở rộng đến chợ đầu mối, chợ truyền thống được quản lý, kiểm soát tương tự như cơ sở đạt “chuỗi thực phẩm an toàn”.
Có thể nói, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Thông qua việc vận hành, quản lý thực phẩm theo chuỗi, đã thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng nhằm mục tiêu cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân thành phố.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, trong thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển – SAFEGRO’, Sở NN-PTNT TP.HCM xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững góp phần triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản bền vững giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2022 - 2025.
Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện tìm đầu ra cho sản phẩm an toàn, được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ,...), các sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất từ các doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ, hệ thống siêu thị,... của TP.HCM đến khảo sát vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh để ký kết, bao tiêu sản phẩm. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm hoàn thiện các thủ tục, thực hiện quy định truy xuất nguồn gốc, giám sát an toàn thực phẩm để đưa nông sản, thực phẩm an toàn vào tiêu thụ tại TP.HCM.
Tính đến cuối tháng 10/2022, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp với các Chi cục chuyên ngành thuộc Sở NN-PTNT 15 tỉnh đã tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận tham gia Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn cho 295 cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, với sản lượng hơn 266.700 tấn rau, củ, quả, trái cây; hơn 400.500 tấn thịt gia súc; hơ 128.000 tấn thịt gia cầm; hơn 1,9 triệu quả trứng gia cầm và 19,8 triệu lít nước mắm.