| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

Kiểm soát an toàn thực phẩm rau quả ngay từ vùng nguyên liệu

Thứ Năm 13/10/2022 , 16:43 (GMT+7)

Ngày 13/10, AFT và CLB Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm 'Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm'.

Buổi tọa đàm 'Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm' do Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch và CLB Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp TP.HCM tổ chức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Buổi tọa đàm “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm” do Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch và CLB Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp TP.HCM tổ chức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

90% nấm nhập từ Trung Quốc

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có quyền được tiêu thụ thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, tuy nhiên hiện nay "cái" quyền ấy vẫn không được đảm bảo.

Bà Minh cho biết, trong lần đi khảo sát tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức gần đây, có một nghịch lý là rau củ quả nhập khẩu từ Trung Quốc về chợ đầu mối đều có nhãn mác ghi xuất xứ hàng hóa, tên người nhập, số điện thoại để liên hệ… Trong khi đó, rau củ quả của Việt Nam thì lại hoàn toàn là bao bì trắng, không có nhãn mác. Vậy làm sao để kiểm soát, truy xuất nguồn gốc khi có vấn đề về chất lượng?

"Tôi được các thương nhân tại chợ đầu mối cho biết, 90% nấm là nhập khẩu từ Trung Quốc, kể cả cải thảo, tỏi. Mình không nói Trung Quốc là xấu, Trung Quốc họ cũng kiểm soát rất tốt", bà Minh cho hay.

Ông Phan Anh Tuấn, trưởng phòng quản lý ATTP tại chợ Hóc Môn thừa nhận nguồn hàng về chợ có rất nhiều nguồn như Mỹ, Canada, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc. Về ATTP, tất cả các nguồn hàng vào chợ, thương nhân đều phải ghi xuất xứ hàng hóa.

"Ví dụ như cà rốt, có nhiều loại, nếu của Đà Lạt thì rất thơm, nhưng nguồn ít chỉ vài trăm ký. Còn nếu cà rốt sử dụng giống của Nhật thì sản lượng tăng chút nên chợ nhập thêm từ Hải Dương, Trung Quốc. Còn nấm rơm 100% là của Việt Nam, nấm bào ngư xám thì trồng tại Củ Chi, Đồng Nai. Còn lại nấm kim châm, nấm đùi gà chủ yếu là nhập khẩu của Trung Quốc", ông Tuấn nói.

Còn ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc bộ phận Kinh doanh tiếp thị, Công ty CP Quản lý & Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức cho biết, bình quân mỗi ngày, chợ này cung cấp ra thị trường 2.300 tấn rau củ quả trái cây, trong đó khoảng 1.300 tấn rau củ tươi. Với số lượng lớn hàng hóa như vậy thì quy trình để đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc tại vùng trồng là một vấn đề lớn đối với công ty quản lý chợ.

Cũng theo ông Phương, chủ hàng khi nhập hàng vào chợ đầu mối đều phải đăng ký với công ty về nguồn hàng, mã hàng, vùng hàng, cung cấp vào ô vựa nào, số lượng bao nhiêu, tên người nhập… để làm bằng chứng có vấn đề truy xuất nguồn gốc, để truy xuất ngược lại vùng trồng. “Tuy nhiên trên bao bì hàng Việt Nam không có tên, việc này chỉ gây khó khăn cho những người mới đến chợ mua lần đầu, còn lại đa phần thương nhân đều đã làm việc từ lâu nên họ đều biết rõ nguồn hàng này từ đâu, của ai”, ông Phương nói.

Ông Phương cũng cho biết, việc quản lý ATTP tại chợ luôn được Ban Quản lý ATTP TP.HCM phối hợp Ban quản lý chợ lấy mẫu ngẫu nhiên, tuy nhiên đối với các sản phẩm có nghi ngờ về việc mất ATTP vệ sinh thực phẩm, có sử dụng hoá chất ngâm tẩm thì sẽ được lấy mẫu nhiều hơn. “Hiện Ban quản lý ATTP chủ yếu dùng test sâu, từ 3-5 ngày mới có kết quả, khi ấy rau đã đến tay người tiêu dùng mất rồi, khi ấy lại quay ngược lại truy vùng nguyên liệu. Vì vậy, cần phải kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay tại vùng trồng là quan trọng”, ông Phương cho hay.

Đồng quan điểm, ông Lý Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng cho rằng, việc test trong phòng thí nghiệm rất mất thời gian từ 3-5 ngày, còn test nhanh thì chỉ phát hiện ra dư lượng ở hàm lượng cao, còn dư lượng thấp thì test nhanh không phát hiện ra, trong khi đó giá test đắt chứ không rẻ. “Chúng ta không thể nào kiểm soát được sản phẩm cuối cùng (là cây rau – PV), mà bắt buộc phải kiểm soát bằng quá trình sản xuất, tiêu chuẩn, vùng nguyên liệu”, ông Hải nói.

Luật pháp phải bắt buộc rau củ quả tươi có nhãn mác

Ông Nguyễn Diệp Pháp, Phó TGĐ khối Kinh Doanh Quốc Tế, Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) cho biết, phương châm của GC là thực phẩm an toàn, cuộc sống hạnh phúc. Với tư cách là một nhà sản xuất, GC kiểm soát quá trình từ 5 năm về trước khi bắt đầu tham gia vào việc trồng trọt. “Cách đây 2 năm, GC đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, dữ liệu hoá các thông tin trồng trọt của mình trên dữ liệu big data từ lúc gieo trồng đến thu hoạch, để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc bằng mã QRCode. Đây cũng là một cách để GC minh bạch với người tiêu dùng”, ông Pháp cho hay.

Ở góc độ kênh phân phối hiện đại, bà Võ Thị Bích Thủy, Phó giám đốc Phòng Quản lý chất lượng, Hệ thống siêu thị Co.op Mart Việt Nam cho biết, hiện nay người tiêu dùng chưa hiểu rõ việc kiểm soát chất lượng hàng hoá của các kênh phân phối để có đủ niềm tin vào hệ thống. Trong 30 năm kinh nghiệm bán lẻ, Saigon Co.op luôn đặt việc kiểm soát chất lượng hàng hoá lên hàng đầu và là việc làm thường xuyên và xuyên suốt.

“Hàng hoá được Saigon Co.op mua tập kết tại kho phân phối ở Bình Dương, tại đây có phòng thí nghiệm để kiểm tra hàng hoá trước khi phân phối đi các cửa hàng. Ngoài ra, tại mỗi cửa hàng đều có bộ phận chuyên môn để kiểm soát chất lượng sản phẩm bằng những test nhanh. Không những thế, chúng tôi thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm để gửi sang một bên thứ ba để họ kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, Saigon Co.op cũng trang bị xe kiểm soát lưu động giống như một phòng thí nghiệm thu nhỏ, để kiểm soát ngay tại vùng trồng của đối tác (nhà cung cấp), nếu có vấn đề gì thì cảnh báo ngay với họ.

Saigon Co.op cam kết kinh doanh một cách minh bạch, và không ngừng quản lý chất lượng hàng hoá đem đến tay người tiêu dùng một cách tốt nhất”, bà Thuỷ khẳng định.

Trước những vấn nạn về việc rau chợ đội lốt rau VietGAP trà trộn vào hệ thống siêu thị hiện đại, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch hiệp hội AFT cho rằng, lỗ hổng lớn nhất hiện nay là luật pháp chưa bắt buộc rau củ quả tươi phải có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, phải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm minh bạch, thực phẩm đạt chuẩn an toàn rất nhỏ bé, bên một núi rau không an toàn.

“Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm minh bạch, an toàn, hữu cơ, để họ liên kết với nhau, tiếp cận với thị trường, khi đó người tiêu dùng có thể mua được thực phẩm sạch an toàn với giá thành phải chăng”, bà Minh nói.

Hãy thương người nông dân và trả giá đúng với công sức họ 

Đứng ở góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ nhiệm Hội quán các bà mẹ cho biết, bà không tin bất cứ một quảng cáo về câu chuyện “rau nhà trồng”, mà đi tìm những nông trại, những cộng sự thực sự canh tác theo phương pháp hữu cơ, “dù họ không có một cái giấy chứng nhận hữu cơ nào”.

“Để câu chuyện rau sạch, rau bẩn không lặp đi lặp lại thì vai trò người tiêu dùng cực kỳ quan trọng. Chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, hãy lan toả và ủng hộ những người làm thực phẩm sạch, hãy thương người nông dân và trả giá đúng với công sức của họ. Còn người phân phối, người bán lẻ bớt nhúng hoá chất ở công đoạn bảo quản đi, để chúng ta không phải trả giá đắt về sức khoẻ vì “ngập tràn hoá chất””, bà Thuý bày tỏ.

Theo bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Organica, người tiêu dùng ở Việt Nam đang thiếu thông tin và thừa sự nghi ngờ. Chính vì vậy, suốt 10 năm qua theo đuổi các sản phẩm organic, nhiều lúc cũng không khỏi chạnh lòng, “đánh vật” với những nghi ngờ của người tiêu dùng. “Chúng tôi khao khát có thêm nhiều nhà cung ứng thực phẩm sạch, an toàn để đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng”, bà Thảo nói.

(Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Yến sào Khánh Hòa ký kết hợp tác với 2 đối tác Trung Quốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Chuỗi lạnh quốc tế Mai Sơn và Tập đoàn Đồng Nhân Đường (Trung Quốc).

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.