| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030

Thứ Hai 05/12/2022 , 10:40 (GMT+7)

Phát huy hiệu quả đã đạt được, ngành nông nghiệp tiếp tục hướng đến đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.

Tạo chuyển biến về nhận thức

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương thực hiện cải cách, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục, thông tin truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm theo hướng kết hợp phổ biến giáo dục pháp luật với thông tin truyền thông, quảng bá các cơ sở sản xuất kinh doanh, các nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao nhằm tăng cường nhận thức và chuyển đổi hành vi đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng từ người sản xuất đến người tiêu dùng.

Hoạt động chế biến thủy sản. Ảnh: NNVN.

Hoạt động chế biến thủy sản. Ảnh: NNVN.

Bằng các hoạt động cụ thể nhằm đa dạng hóa sản phẩm phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp triển khai tuyên truyền phổ biến trên thông tin đại chúng với phổ biến trực tiếp cho tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi cung cấp nông lâm thủy sản.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã huy động, kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) để tuyên truyền, phổ biến, vận động, giám sát tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn thông qua các chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Thời gian qua, Bộ NN- PTNT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm... triển khai đến các hội viên các Hội, phát hành nhiều ấn phẩm truyền thông, tài liệu, sổ tay, tờ rơi...; vận động hộ gia đình hội viên ký cam kết và tuân thủ quy định đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông sản; áp dụng các quy trình sản xuất chất lượng, an toàn, bền vững như VietGAP, GlobalGAP, VietGAHP, ISO, HACCP...

Các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến kiến thức, hướng dẫn lựa chọn, bảo quản chế biến thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng; quảng bá các sản phẩm, địa chỉ sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về các sản phẩm chất lượng, an toàn. Phối hợp với các báo, đài truyền hình thực hiện các chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn”; “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho thế giới”, “Nông nghiệp xanh, thực phẩm sạch”, cập nhật và quảng bá danh mục chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên website của các cơ quan quản lý và trên chuyên mục “Nông nghiệp sạch”, “Địa chỉ xanh, nông sản sạch” ; sản xuất, phát sóng các bản tin về đảm bảo an toàn thực phẩm và các phóng sự cập nhật và quảng bá danh mục chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; các mô hình áp dụng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; tổ chức các phiên chợ, hội chợ nông sản thực phẩm an toàn....Việc tuyên truyền về đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản qua hệ thống loa phát thanh tại các xã, phường... cũng phát huy được hiệu quả.

Kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2021 đã tạo dư luận tốt trong xã hội, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cũng như niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận, xác nhận an toàn.

Các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030

Để triển khai các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách pháp luật quan trọng về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, đặc biệt là Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu “Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững,nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 15 tháng 4 năm 2022 phê duyệt đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản giai đoạn 2021 - 2030”.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp phấn đấu 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu làm sẵn, ăn liền tăng 10%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm. Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm.

Phấn đấu 100% các địa phương kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp; 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

Empty

Hoạt động chế biến đảm bảo chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: NNVN.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN- PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm của Việt Nam và thị trường nhập khẩu cho tất cả các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; Tổ chức giám sát, đánh giá và truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm theo chuẩn mực quốc tế phục vụ quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và doanh nghiệp; Xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thống kê báo cáo chất lượng an toàn thực phẩm trong toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; Biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu trong sản xuất, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật bị xử lý theo quy định.

(Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)

Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Đàn ông toan tính không thể có hạnh phúc hôn nhân

Đàn ông toan tính chạy theo nhan sắc và tiền bạc, thì dù có khéo léo đến mấy cũng lộ ra khuôn mặt bội bạc và khó giữ mái ấm đích thực.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?