Thời gian qua, dọc tuyến sông Đáy dài hơn chục km từ xã Quỹ Nhất ra tới cửa biển tại khu vực huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) xảy ra hiện tượng cá tự nhiên chết nổi trên sông. Ngoài cá, nhiều giống giáp xác tự nhiên khác như cua, rạm, cáy… sinh sống ven bờ cũng có hiện tượng yếu, nổi lên.
Cao điểm xảy ra hiện tượng cá chết rơi vào 3 ngày (từ 7-9/5) dọc tuyến sông dài hơn 10km. Từ tối 7/5, xuất hiện hiện tượng cá, tôm và các loại thủy sản bị suy yếu, dạt vào ven bờ hoặc chết trôi nổi trên mặt sông.
Sáng 9/5, Phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống kiểm tra, lấy mẫu nước… để xét nghiệm một số chỉ tiêu về môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản. Qua kiểm tra, trên khu vực sông Đáy tại địa phận thị trấn Quỹ Nhất, khu vực cuối sông Đáy (cống tiêu) vùng ngoài phía tây dự án Cồn Xanh, khu vực phía đông vùng bãi nuôi ngao đều có hiện tượng một số con giáp xác như cáy, cua nhỏ… chết rải rác.
Tại thời điểm kiểm tra và lấy mẫu, mực nước lên cao, tôm, cá chết trôi theo dòng, một số ít dạt vào bờ, đã có hiện tượng trương sình và hôi thối nên không lấy mẫu cá, tôm được. Đoàn đã đi kiểm tra dọc ven bờ sông Đáy từ Nghĩa Sơn xuống cống tiêu khu vực ngoài đê thuộc xã Nghĩa Hải.
Hiện tượng cá, tôm, các loài giáp xác bị suy yếu và chết xảy ra tại các xã Hoàng Nam, Nghĩa Trung, Nghĩa Lạc, Quỹ Nhất… dọc sông Đáy, chiều dài lên tới trên dưới 20km.
Khu vực từ bên dưới nhà máy nước Mai Thanh đến ngã ba kênh Quần Liêu, hiện tượng tôm càng xanh, cá lành canh, cá mòi, rạm… dạt vào bờ sông Đáy nhiều nhưng chưa chết, nước sông có màu xanh lờ lờ và hơi nhớt.
Khu vực từ ngã ba kênh Quần Liêu đến bến đò 10, hiện tượng tôm càng xanh và cá nhỏ nổi trôi dạt vào ven bờ sông; khu vực từ Nghĩa Phú đến Quỹ Nhất, tôm, cá lành canh, cá mòi chết, có con chưa chết dạt vào ven bờ sông Đáy. Đến sáng 9/5, khi con nước lên đã cuốn cá chết về dưới hạ nguồn.
Theo người dân địa phương, mấy năm gần đây có xảy ra hiện tượng cá chết nhưng chưa năm nào mật độ cá chết nhiều như năm nay. Người dân nghi vấn, nguyên nhân có thể do việc xả thải từ một cơ sở sản xuất nào đó ra sông gây ô nhiễm môi trường khiến cá, tôm… tự nhiên bị yếu, chết.
Khi xảy ra hiện tượng trên, nhiều người dân đã đi bắt những loài chưa chết về làm thức ăn chăn nuôi. Tổng sản lượng các loại thủy sản yếu và chết ước khoảng 2,5 tấn. Điều lo ngại khác, việc cá tôm chết gây ảnh hưởng tới nguồn nước tự nhiên, trong khi đó nước sông Đáy là đầu vào của nhiều nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt cho hàng vạn người dân.
UBND huyện Nghĩa Hưng đã có văn bản yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn nước từ các nhà máy nước sạch; tuyên tuyền cho các hộ dân không được vớt tôm, cá bị chết để sử dụng hoặc đem bán.