Anh Nguyễn Văn Tài là hộ dân có thâm niên nuôi cá lồng tại phố 1 Lâm Xa (thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa). Anh Tài cho biết, vào lúc 5 giờ ngày 27/4, khi kiểm tra lồng cá trên bè nuôi, gia đình phát hiện cá ngửa bụng chết với số lượng lớn tại 6 lồng nuôi.
Sau khi phát hiện cá chết, anh Tài đã xuôi bè cá dọc sông Mã tới khu vực hón nước, cách vị trí cá chết khoảng 200m để cứu cá. Uớc tính gia đình anh Tài bị thiệt hại hơn 1 tạ cá các loại. Có loại cá đạt trọng lượng khoảng 2kg, chuẩn bị xuất bán bỗng chết trắng sau một đêm.
“Từ ngày tôi nuôi cá đến nay, đây là lần thứ 2 gia đình gặp thiệt hại lớn. Lần trước do một số nhà máy chế biến lâm sản dọc sông Mã xả thải gây thiệt hại cho bà con. Sau đó họ cấm nhà máy hoạt động một thời gian nên việc nuôi cá của dân trên sông khá thuận lợi. Lần này cũng không loại trừ nguyên cá chết do ô nhiễm nguồn nước bất thường. Số cá thiệt hại dùng ủ làm thức ăn cho lợn, chứ bây giờ vứt đi cũng tiếc”, anh Tài nói.
Gia đình anh Nguyễn Văn Lý (phố Vận Tải, thị trấn Cành Nàng) có 3 lồng nuôi trên sông Mã với 1.500 con cá lăng đen và 60 con cá trắm. Ước tính số cá trong lồng đạt sản lượng khoảng 1 tấn. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ cá trong các lồng nuôi của gia đình chết gần hết. Số cá còn lại khoảng 100 con (chủ yếu là cá trắm) cũng đang thoi thóp, khó có khả năng cứu vãn. Cũng theo anh Lý, vụ nuôi này, gia đình đầu tư hơn 100 triệu tiền giống, thức ăn, nay số tiền trên gần như mất trắng.
“Lứa cá của gia đình chuẩn bị xuất bán thì ngửa bụng chết trắng. Hiện tượng cá chết xảy ra nhanh quá khiến chúng tôi không kịp trở tay. Từ Tết đến giờ cũng có hiện tượng cá chết lác đác trong lồng nhưng không chết đột ngột và số lượng lớn như bây giờ. Cứ mỗi lần có hiện tượng cá chết là dân phải kéo bè đi nơi khác để cứu cá. Thời điểm cá chết, gia đình kiểm tra và phát hiện nước trong lồng có màu đen, có mùi khó chịu. Số cá còn lại chắc bán chỉ được vài triệu đồng, không bõ công chăm nuôi mấy tháng nay”, anh Lý cho biết.
Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng cho biết, tính đến chiều 28/4 địa phương có 40 hộ nuôi với 54 lồng cá bị chết. Theo kiểm đếm sơ bộ, số cá chết đã lên tới hơn 5,1 tấn chỉ trong hơn 1 ngày. Một số hộ dân đã dùng máy bơm, sục khí để cứu số cá còn lại với hy vọng vớt vát lại vốn đầu tư.
“Số cá chết chủ yếu là cá giống và cá đang trong giai đoạn sắp thu hoạch, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con địa phương. Tại vị trí có nhiều cá chết, kiểm tra nhanh cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp. Tuy nhiên, chúng tôi chưa dám khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cá chết bất thường. Hiện nay, các ngành chức năng đã lấy mẫu nước để làm rõ nguyên nhân", ông Hùng nói.
Được biết, đầu năm 2021, tình trạng cá chết hàng loạt cũng xảy ra trên sông Mã, đoạn qua các huyện Quan Hóa, Bá Thước và Cẩm Thủy. Khoảng 60 tấn cá lồng bị chết gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sau đó vào cuộc điều tra, xác định nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản dọc sông Mã ở huyện Quan Hóa và Bá Thước xả thải khi chưa xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước. Nhiều nhà máy sau đó bị xử phạt hành chính, buộc dừng hoạt động để khắc phục hậu quả.
Ngay sau khi nhận được thông tin về hiện tượng cá chết bất thường trên sông Mã tại thị trấn Cành Nàng, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa và Chi Cục thủy sản tiến hành kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân cá chết. Hiện tại, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy 6 mẫu nước (lấy 3 mẫu nước tại thôn Chênh, xã Ái Thượng; 3 mẫu nước tại thôn Dần Long, xã Lương Ngoại); lấy 3 mẫu bệnh cá nguyên con ở xã Lương ngoại) để gửi đi phân tích xác định nguyên nhân cá chết. Bên cạnh đó, cán bộ Chi cục Thủy sản hướng dẫn người nuôi cá lồng các biện pháp ứng phó để giảm thiệt hại.