Cá chết kéo dài hơn 10km dọc sông Đáy
Khoảng 2 - 3 ngày qua, hiện tượng cá tự nhiên trên sông Đáy đoạn chảy qua địa phận huyện Nghĩa Hưng bỗng chết nổi trắng sông. Nước sông chuyển sang màu đỏ bất thường so với màu nước tự nhiên thường ngày.
Rất nhiều người dân đã quay, chụp và đưa hình ảnh cá chết nổi trên các khúc sông và đưa lên mạng xã hội.
Anh Nguyễn Văn Cương (người dân huyện Nghĩa Hưng) cho hay: cá chết nổi trên khúc sông dài gần chục km, kéo sang cả địa phận tỉnh Ninh Bình.
“Không chỉ cá tự nhiên trên sông bị chết, các sinh vật sinh sống trên lớp bùn cửa sông, cửa biển như cua, cáy, còng còng… cũng bỏ chạy ra khỏi hang, tìm đường tháo chạy. Nhiều loài cá khác như cá bống cũng phải tìm cách ngoi lên mặt sông. Người dân địa phương tranh thủ đi bắt cá, có những gia đình vớt được cả tạ cá bống mỗi ngày”, anh Cương cho hay.
Đây là lần đầu tiên hiện tượng cá tự nhiên chết nổi trên sông Đáy, kéo dài từ xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hòa tới xã Quỹ Nhất, khoảng cách khoảng 18km.
Tại khu vực bến phà Quỹ Nhất, người dân chứng kiến cảnh tượng cá chết nổi trên sông với mật độ dày đặc, bị sóng đánh trôi ra cửa sông.
“Rất nhiều người đi phà đêm qua Quỹ Nhất tối ngày 8/5 đã chứng kiến hiện tượng này. Chỉ cần soi đèn pin cũng có thể thấy từng đàn cá chết, bị con nước cuốn xô ra cửa biển”, anh Tuấn, một người dân đi phà chứng kiến cho biết.
Rất nhiều người dân đã tranh thủ đi bắt cá, cua, cáy, rạm… Những con vật này bò đầy lên bờ, không có phản ứng khi bị bắt, hệt như đang bị… say thuốc. Người dân cho rằng, nguyên nhân có thể do việc xả thải ra môi trường của một cơ sở sản xuất nào đó dọc tuyến sông.
Ngày hôm nay, 9/5, ngành chức năng tỉnh Nam Định đã xuống kiểm tra, lấy mẫu nước, mẫu cá chết về phân tích để tìm hiểu nguyên nhân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng xác nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam, đoàn công tác của Sở TNMT, NN-PTNT, các ban ngành huyện Nghĩa Hưng đang phân tích nguyên nhân.
“Tỉnh Nam Định sẽ có thông báo ngay khi có kết quả phân tích”, ông Dũng nói.
Lo ngại đầu vào nguồn nước sạch bị ô nhiễm
Tại xã Qũy Nhất, nhiều người dân đưa hình ảnh cá chết bị dồn vào khu vực sông Đáy nơi đặt đường ống lấy nước sông để sản xuất nước sạch sinh hoạt. Điều này dẫn đến lo ngại đầu vào nguồn nước sạch sinh hoạt sẽ bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng sức khỏe… khi nguyên nhân làm cá chết bất thường chưa được tìm ra.
Bà Nguyễn Mai Thanh (Giám đốc Nhà máy nước sạch Mai Thanh) cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, đơn vị này đã đóng đường ống lấy nước từ sông Đáy và sử dụng nguồn nước tích trữ trong hồ chứa, hồ lắng để cấp nguồn nước đầu vào. Đồng thời, đơn vị này cũng cử bộ phận kỹ thuật đi lấy mẫu nước để phân tích, xét nghiệm.
“Hiện tại, chúng tôi đang sử dụng nguồn nước trong các hồ chứa để sản xuất nước sạch sinh hoạt, tạm thời đóng đường ống lấy nước từ sông Đáy nên người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng nước sinh hoạt như bình thường. Chúng tôi cũng phân tích mẫu nước sau sản xuất để kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn, chất lượng mới vận hành bơm đến các điểm cấp nước”, bà Thanh cho hay.
Cũng theo bà Thanh, để đảm bảo đầu vào nguồn nước sản xuất nước sạch sinh hoạt, đối phó với các sự cố về môi trường như sự cố cá chết bất thường vừa xảy ra, đơn vị này đã đề xuất chính quyền địa phương được mở rộng, điều chỉnh quy mô hồ chứa nước ngọt lên 4ha.
“Chúng tôi luôn chủ động có các phương án ứng phó khi có sự cố về môi trường. Bà con không hoang mang, dao động bởi chúng tôi luôn kiểm soát chất lượng nguồn nước sạch, đạt tiêu chuẩn mới bơm đấu nối tới các hộ dân”, bà Thanh khuyến cáo.