Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng đầu năm 2022 đạt 39,15% so với kế hoạch Thủ tướng giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (40,60%). Trong đó, vốn trong nước giải ngân giảm gần 4%, đạt 40,87%.
Nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra, là 35/51 Bộ và cơ quan Trung ương, cùng 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Trong đó, 27 Bộ và cơ quan Trung ương, cùng 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Một số Bộ, cơ quan Trung ương tthậm chí giải ngân dưới 10%. Đó là: Bộ Y tế đạt 4,17%; Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam 4,57%; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 5,26%; Thanh tra Chính phủ 6,79%.
Một lý do nữa, là vốn đầu tư công năm 2022 nhiều hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021, và gấp hơn 2,5 lần so với năm 2016. 6 Tổ công tác đã được Thủ tướng thành lập và giao nhiệm vụ đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân tại 41 Bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân dưới mức trung bình cả nước (34,47%).
Là một trong hai nguồn đầu tư chính tạo nên tăng trưởng kinh tế, nhưng vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Dù vậy, vốn đầu tư công lại giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt tăng trưởng. Chậm giải ngân vốn đầu tư sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, giải ngân khoảng 500.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022 sẽ "khó về đích". Ông Phớc đề xuất, các địa phương cần sớm xử lý những tồn tại, hạn chế, đồng thời đề cao trách nhiệm người đứng đầu để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, cần sự linh hoạt trong điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Tối 5/9, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giảm 31.396 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải để chuyển cho 7 địa phương gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Riêng Hà Nội và TP.HCM được giao thêm hơn 19.000 tỷ đồng.
Đây là đợt thứ ba Chính phủ bổ sung, điều chỉnh vốn đầu tư công cho các đơn vị.
Báo cáo trong buổi làm việc với Tổ công tác số 4 của Chính phủ, TP. Hà Nội cho biết, thành phố chưa đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công do chậm công tác giải phóng mặt bằng. Trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư.
Chung nỗi niềm này, tại Tổ công tác số 6, 4 tỉnh gồm Nghệ An, Phú Yên, Sóc Trăng cho rằng nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu do vướng về thể chế, chính sách trong lĩnh vực đất đai, cũng như thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa.