UBND Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Qua rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai, trong đó 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, từ tháng 7/2018 đến nay đã rà soát, đối chiếu và triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai…
Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội đã kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt đầu tư đối với 29 dự án có tổng diện tích 1.844,3ha.
Trước đó, như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh tại loạt bài Hà Nội và bi kịch ở những vùng đất ven đô bất động, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có hàng loạt dự án ma. Hàng trăm dự án, hàng triệu m2 đất nông nghiệp vốn là bờ xôi ruộng mật của người nông dân đang bị bỏ hoang suốt hàng chục năm qua ở những địa phương ngoại thành Hà Nội. Tất cả đều là hệ lụy của những cuộc “cách mạng” mà thực chất là thu hồi đất nông nghiệp làm dự án một cách vô tội vạ...
Đơn cử như khu vực huyện Mê Linh, phải mất rất nhiều năm, các dự án mới bị đề nghị thu hồi như Dự án Khu đô thị mới Vinalines tại xã Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tráng Việt, huyện Mê Linh của Công ty Cổ phần bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc, dự án Khu đô thị Việt Á tại xã Thanh Lâm huyện Mê Linh của Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á. Dự án Khu đô thị mới BMC tại xã Đại Thịnh huyện Mê Linh của Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại. Dự án Khu đô thị mới Prime Group tại xã Đại Thịnh, Tráng Việt của Công ty Cổ phần Prime Group...