| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội & bi kịch những vùng đất ven đô bất động: Bài 2 - HUD ôm hàng trăm ha đất rồi bỏ hoang

Thứ Ba 07/05/2019 , 14:10 (GMT+7)

Là một trong những doanh nghiệp ôm hàng trăm ha đất “bờ xôi ruộng mật” của người dân Mê Linh trước khi địa phương này về Hà Nội, hơn 10 năm qua, các dự án của TCty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đang khiến người dân lẫn chính quyền sở tại rất bức xúc.

Vẽ dự án, ôm đất và bỏ hoang

Theo tài liệu NNVN thu thập được, trước khi huyện Mê Linh chuyển về Hà Nội, HUD đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tạo điều kiện để thực hiện các dự án Khu đô thị mới tại các xã Mê Linh, Thanh Lâm, Đại Thịnh… Kể từ khi chính quyền và doanh nghiệp “vẽ” hàng trăm ha đất sản xuất của người dân vào dự án thì cũng là lúc đầy rẫy bi kịch, hệ lụy xảy ra…

Người dân bức xúc với các dự án của HUD ở xã Đại Thịnh

Tổng cộng, một mình HUD đã ôm hơn 200ha đất để thực hiện 3 dự án thành phần trong tổng thể đại dự án ở huyện Mê Linh gồm: Dự án Mê Linh - Đại Thịnh (142ha), Thanh Lâm - Đại Thịnh 1(54ha) và Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (55ha). Khi thu hồi đất sản xuất của người dân, chủ đầu tư và chính quyền địa phương tham vọng, những dự án ở cửa ngõ phía bắc Hà Nội được quy hoạch bám theo trục đường trung tâm rộng 100m nối liền thành phố Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc, trở thành khu đô thị kiểu mẫu ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô.

Từ tham vọng đó, chỉ trong vòng một tháng (tháng 4/2011), chính quyền địa phương sẵn sàng bàn giao hàng trăm ha đất, chủ yếu là đất đang sản xuất của người dân để giao cho HUD thực hiện dự án, bất chấp những lo ngại của người dân về mức giá đền bù, về sinh kế sau mất đất...

Đã gần 10 năm, trên website chính thức của HUD, chủ đầu tư quảng bá: “Dự án nằm trong quy hoạch tổng thể huyện Mê Linh, có địa hình, cảnh quan thiên nhiên đẹp, tạo nên một khu đô thị kết hợp nghỉ ngơi lý tưởng có khả năng kết nối nhanh với trung tâm Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài nhờ tuyến đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài...”.

Sau hàng chục năm, HUD vẫn cứ ôm đất, bỏ hoang nhưng không bị thu hồi

Nhưng trên thực tế, tất cả những dự án HUD đang triển khai ở Mê Linh đang gây bức xúc cho cả người dân lẫn chính quyền địa phương. Ghi nhận của NNVN tại các dự án này, ngoại trừ một vài cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đang xuống cấp, một vài tường bao tạm bợ được dựng lên bằng những tấm pa nô quảng cáo về các dự án đô thị, còn lại chỉ là những bãi đất hoang mênh mông, đắp chiếu suốt năm này qua năm khác.

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư của dự án lên tới 1.873,021 tỷ đồng và đã thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng từ năm 2005, thời gian hoàn thành toàn bộ dự án là 4 năm (đến quý II/2015)... Tuy nhiên, những người dân ở thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh đang canh tác tại cánh đồng vùng trũng xunh quanh dự án Thanh Lâm – Đại Thịnh nói: Hơn 10 năm qua, hiệu quả duy nhất của dự án chỉ là bãi cỏ hoang để chăn thả trâu bò… Còn lại, những hệ lụy mất đất, thất nghiệp, những hạ tầng xây dựng xuống cấp, gây ngập úng khu vực xung quanh thì người dân địa phương lãnh đủ.

Bà Trương Thị Bằng, một nông dân mất đất, đã 65 tuổi, ngày ngày vẫn phải cố ra đồng, vừa là mưu sinh, vừa đi đòi quyền lợi cùng với những nông dân mất đất khác, cám cảnh: Đã hơn 10 năm chúng tôi đi chán cả chân vẫn không ai giải quyết cho cả. Họ lấy ruộng của dân với giá chỉ 17 - 18 triệu đồng mỗi sào. Dân phản đối thì cưỡng chế. Su hào, cà chua, mồ mả đều bị san để lấy đất cho dự án. Bây giờ dân không còn ruộng nữa, mà đất dự án cứ bỏ không như thế, hỏi có trớ trêu không cơ chứ.

Ông Nguyễn Đa Bẩy, Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh nói thẳng hành vi của HUD là xí phần và làm khổ địa phương. “Địa phương chúng tôi luôn chấp hành chỉ đạo các cấp là rải thảm đỏ đón nhà đầu tư về. Xã Đại Thịnh vốn là vùng thuần nông, đời sống người dân chủ yếu trông vào lúa, hoa, rau màu… Kể từ khi bị thu hồi ruộng đất để thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng xong ai cũng mong dự án triển khai để bà con mất ruộng bán nước bán nôi, bán mớ rau mớ cỏ đảm bảo cuộc sống. Nhưng từ ngày ấy đến giờ chả làm. Cả 2 dự án thu hồi hàng trăm ha đất của dân là An Phát và HUD thì "ông" An Phát đi tù rồi, "ông" HUD thì từ trong tết mới dựng được mấy tấm biển".
 

Kiến nghị thu hồi

Trong khi 2 dự án Thanh Lâm – Đại Thịnh bỏ hoang gây bức xúc trong nhân dân và chính quyền sở tại suốt hàng chục năm qua vẫn chưa được giải quyết thì tháng 6/2016, UBND TP Hà Nội tiếp tục có quyết định để tạo điều kiện cho HUD ôm tiếp hơn 142ha để thực hiện dự án Khu đô thị Mê Linh – Đại Thịnh. Đến thời điểm hiện tại, dự án này đang trong tình trạng chưa thể giải phóng mặt bằng. Người dân cho rằng, với năng lực của HUD, đáng ra Hà Nội phải thu hồi những dự án đã bỏ hoang nhiều năm qua chứ đừng nói đến việc lấy đất của dân để giao cho doanh nghiệp.

Người dân đề nghị, chủ đầu tư không có năng lực thì Thành phố Hà Nội phải thu hồi dự án

Cũng theo Chủ tịch xã Đại Thịnh Nguyễn Đa Bẩy, kể từ khi HUD xí phần và vẽ quy hoạch, địa phương rất khổ sở: Các xã không vướng quy hoạch có thể đầu tư kênh mương nội đồng, riêng Đại Thịnh, quy hoạch cho ông HUD làm dự án thì chịu. Muốn làm đoạn đường này cho bà con đi lại, kéo chiếc xe cải tiến cho đỡ khổ cũng không làm được. 14 - 15 năm nay rồi, không được đầu tư gì hết. Cả xã có 383ha đất nông nghiệp, dự án lấy mất hơn 100ha rồi, số còn lại cũng nằm trong diện quy hoạch, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, từ tiếp xúc cử tri, tiếp xúc với bà Phùng Thị Hồng Hà – Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội, nhưng chưa có kết quả.

Trước khi nhậm chức Chủ tịch xã, ông Bẩy là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đại Thịnh, thế nên nhìn bạt ngàn đất đai bị HUD thu hồi của dân rồi bỏ hoang cho cỏ dại mọc ông xót xa lắm: Sau khi giải phóng mặt bằng xong, HUD chỉ san nền rồi bỏ hoang. Chúng tôi đang quen đường cày, tấc đất tấc vàng từ bao đời nay nên giao ruộng xong thấy người ta bỏ hoang rất bức xúc. Chúng tôi đề nghị các dự án không có khả năng tài chính thì nên thu hồi đất để bà con sử dụng. Chứ cứ để cảnh đất bờ xôi ruộng mật thu rồi bỏ hoang, người dân thì thất nghiệp.

Trong số 47 dự án đắp chiếu ở huyện Mê Linh, xã Đại Thịnh có hơn 10 dự án. Ngoại trừ các dự án của HUD đang bỏ hoang, rất nhiều dự án khác thu hồi đất của người dân trong xã xong cũng rơi tình trạng đắp chiếu, thậm chí còn bộc lộ những dấu hiệu bao che từ phía chính quyền thành phố. Dự án Khu đô thị An Phát thu hồi gần 100ha của 2 xã Thanh Lâm và Đại Thịnh, chủ đầu tư vướng vào lao lý, thay hết chủ này sang chủ khác nhưng không hiểu sao UBND Thành phố Hà nội vẫn không ban hành quyết định thu hồi. Thậm chí có những dự án như Dự án Khu đô thị mới Vinalines, Dự án khu đô thị mới BMC thậm chí UBND huyện Mê Linh còn không liên lạc được với chủ đầu tư để báo cáo UBND Thành phố Hà Nội.

“Theo tình hình chúng tôi nắm bắt để đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét thì năng lực tài chính của các đơn vị chủ đầu tư yếu kém. Nhất là đối với các dự án An Phát, dự án của HUD. Bởi vì quá trình giải phóng mặt bằng không vướng mắc, nhân dân ủng hộ nhưng họ chẳng làm gì cả. Quan điểm của địa phương, nếu chủ đầu tư không có khả năng thực hiện thì đề nghị thu hồi”, Chủ tịch xã Đại Thịnh khẳng định.

HUD đang đắp chiếu các dự án ở Mê Linh

Theo thống kê, trong số 47 dự án đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất 2.445ha thì cả 47 dự án đều chậm tiến độ. Trong đó, 15 dự án đã có chủ trương nhưng chủ đầu tư không triển khai; 14 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chậm hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng, 18 dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng...

Được biết, năm nào Thành phố Hà Nội cũng có những đợt thanh, kiểm tra rà soát dự án nhưng gần như đâu vẫn vào đó. Dư luận cho rằng, sở dĩ các dự án ôm đất, bỏ hoang nhưng vẫn không bị thu hồi là do các chủ đầu tư đối phó bằng cách liên tục chạy để được điều chỉnh quy hoạch và chờ thời cơ giá đất nóng lên sẽ bán?

 

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.