| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội & bi kịch những vùng đất ven đô bất động: Bài 3 - Đại gia sa lầy và những lời hứa hão

Thứ Tư 08/05/2019 , 14:35 (GMT+7)

Chính quyền trải thảm đỏ, doanh nghiệp vẽ ra những dự án hoành tráng, hàng loạt ông lớn trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản đổ xô vào Mê Linh ôm đất. Nhưng tất cả chỉ là những lời hứa hão…

Hàng loạt vi phạm, tại sao không thu hồi?

Trước thời điểm Mê Linh chuyển về Hà Nội, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ ấy đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi đất để trải thảm đỏ đón hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Dự án bỏ hoang, chủ đầu tư đi tù nhưng không hiểu sao Hà Nội vẫn không thu hồi dự án của Công ty An Phát.

Từ những doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xây dựng như Vinaconex, Sông Hồng Thủ đô, Cienco5, Tổng công ty HUD, Tập đoàn AIC... cho đến những doanh nghiệp cò con cũng có thể dễ dàng xin dự án để ôm đất đón sóng về Hà Nội... Để rồi sau hơn 10 năm, những đô thị ma, những đô thị chăn thả trâu bò chiếm hàng ngàn ha đất nông nghiệp nhưng chỉ có những dự án “vô danh” bị đề nghị thu hồi, còn những “đại gia” ôm đất nhiều nhất nhất tiếp tục được tạo điều kiện tối đa.

Theo thống kê của huyện Mê Linh trong số 47 dự án đắp chiếu ở địa phương này, các công ty thành viên, liên kết của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) chiếm gần 100ha đất nông nghiệp tại Chi Đông và thị trấn Quang Minh; Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) chiếm gần 250ha tại các xã Mê Linh, Thanh Lâm, Đại Thịnh...; Dự án khu đô thị Cienco 5 của Công ty CP Xây dựng công trình 506 ôm hơn 50ha đất tại các xã Đại Thịnh, Tiền Phong, Mê Linh; Công ty CP bất động sản AIC (gần 100ha tại các xã Mê Linh, Tiền Phong...)... Đáng nói hơn, hầu hết các dự án này đều để xảy ra các vi phạm trong nhiều năm liền và liên tục điều chỉnh quy hoạch nhưng hầu như không hề bị xử lý. Chủ đầu tư nhăm nhăm phân lô bán nền, còn chính quyền địa phương miệt mài kiến nghị…

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Chi Đông. Từ năm 2004 UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định chấp thuận Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Chi Đông với tổng diện tích dự án lên tới 70,37ha bao gồm các chỉ tiêu đất xây dựng nhà ở, chỉ tiêu hạ tầng xã hội và chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật.

Trong văn bản chấp thuận dự án của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị cụ thể là đến tháng 12/2007 phải hoàn thiện toàn bộ quá trình xây dựng. Sau 12 năm từ thời điểm đáng ra phải hoàn thành, dự án vẫn đang hoang hóa một cách lãng phí. Những người đổ tiền đầu tư cùng với Liên danh Công ty CP xây dựng số 9 (Vinaconex 9) và Công ty CP Đầu tư CEO chờ đợi hàng chục năm trời nhưng các doanh nghiệp này chỉ nhăm nhăm phân lô bán nền mà không đầu tư xây dựng gì thêm.

Tương tự là dự án Khu nhà ở để bán của Công ty CP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2). Theo kế hoạch của đơn vị đầu tư, dự án sẽ cung cấp chỗ ở cho gần 3.000 người gồm các chuyên gia, cán bộ công nhân viên khu công nghiệp Quang Minh, đáp ứng nhu cầu ở và sinh hoạt cho nhân dân huyện Mê Linh và khu vực lân cận. Công trình khởi công từ năm 2003, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2009, tạo cho khu dân cư đô thị có cuộc sống chất lượng cao, khu đô thị xanh sạch đẹp, có môi trường thiên nhiên tốt và có các cơ sở hạ tầng xã hội đạt tiêu chuẩn cao... Chủ đầu tư từng tuyên bố rằng, dự án sẽ hoàn thiện quý 4/2009 nhưng đến nay, sau gần 15 năm được khởi công, vẫn chỉ là lời hứa hão.

Đắp chiếu hàng chục năm trời, Hà Nội vẫn tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch

Tính tổng cộng có hơn 606,4ha thuộc các dự án ở Mê Linh đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, trong khi người dân mất đất tiếp tục khiếu nại đòi quyền lợi, chưa được đáp ứng thì chủ đầu tư ra rả rao bán. Thậm chí, rất nhiều dự án thuộc diện phải điều chỉnh Quy hoạch l/500, trong lúc chờ được phê duyệt đã ngang nhiên phân lô bán nền.

Trước thực trạng chủ đầu tư ôm đất, xí phần và bỏ hoang dự án gây nhức nhối ở Mê Linh, HĐND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND Thành phố lập các đoàn kiểm tra xem xét, thu hồi một loạt dự án bất động sản chậm tiến độ theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, báo cáo của UBND huyện Mê Linh cũng thể hiện, có 8 dự án với tổng diện tích 284ha cơ quan này không liên lạc được với chủ đầu tư.

Thực tế, theo điều tra của NNVN, có những dự án vi phạm rõ ràng, vẫn hoạt động bình thường nhưng trách nhiệm xử lý dường như vượt thẩm quyền các cơ quan cấp huyện.

Dự án Khu đô thị Làng hoa Tiền Phong nằm ở xã Tiền Phong chiếm 40,05ha do Công ty CP Đầu tư đất động sản Prime Land (thuộc Tập đoàn Prime Group) làm chủ đầu tư. “Bất động” suốt 13 năm trời, nhưng thay vì áp dụng các biện pháp xử lý, thu hồi thì các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội, cụ thể là ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã ký Quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án tỷ lệ 1/500, yêu cầu Sở Xây dựng, TN-MT, UBND huyện Mê Linh và những ngành liên quan tổ chức hướng dẫn cho chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư, quản lý đất đai và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo đúng quy định.

Một dự án khác liên quan đến Prime Group là Khu đô thị mới Prime Group chiếm 99,1ha đất tại các xã Đại Thịnh và Tráng Việt. Đây là điển hình của viêc cấp phép thần tốc của chính quyền Vĩnh Phúc trong những ngày cận thời điểm Mê Linh chuyển về Hà Nội. Chỉ nửa tháng trước khi quyết định chính thức có hiệu lực, ngày 15/7/2008, Vĩnh Phúc đã cấp cho Prime gần cả trăm ha đất sản xuất của người dân để làm dự án. Sau hơn 10 năm, lãnh đạo huyện Mê Linh phải ngán ngẩm vì “không liên lạc được với chủ đầu tư”.
 

Trải thảm đón doanh nghiệp, đẩy người dân tha hương

Đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định, chính sách trải thảm đón doanh nghiệp ôm đất đầu tư dự án trước thời điểm huyện mê Linh chuyển về Hà Nội đã đẩy rất nhiều nông dân ở đây khỏi ruộng đồng của họ.

Hi vọng sau chỉ đạo của Thủ tướng, TP Hà Nội sẽ mạnh tay hơn với các dự án bỏ hoang

Một nhà đầu tư chia sẻ với NNVN, thời điểm năm 2000 – 2005, khi đó Mê Linh còn trực thuộc Vĩnh Phúc, tỉnh này có cơ chế mở “trải thảm đỏ” đúng nghĩa kêu gọi các nhà đầu tư lên Mê Linh. Khi đó, Vĩnh Phúc đã lập quy hoạch và được phê duyệt chủ trương sẽ phát triển Mê Linh thành khu đô thị cửa ngõ của Vĩnh Phúc do huyện này liền kề với Thủ đô Hà Nội. Kể cả khi Mê Linh về Hà Nội thì “giấc mộng” này tiếp tục khiến chính quyền phải rốt ráo thu hồi đất. Cả những nhà đầu tư gần như không có khả năng tài chính vẫn được tạo điều kiện “xí phần”.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Mê Linh có 7 dự án ôm đất, chậm tiến độ, bỏ hoang... Ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch xã Mê Linh nói như than: Nó ảnh hưởng đến triển khai sản xuất của bà con nhân dân. Cả xã có 2.000 hộ/3.000 hộ dân đang sản xuất nông nghiệp. Về cơ bản các dự án đã lấy hết đất nông nghiệp của bà con nhân dân. Có dự án đã triển khai, có dự án chưa. Trong khi đó, các hộ dân mất đất phải chuyển đi Sa Pa, Sơn La, đi làm thuê ở các xã lân cận… Khi thực hiện giải phóng mặt bằng, người dân không gây khó khăn gì, chấp thuận chủ trương nhưng cơ bản là chủ đầu tư không có tiền để thực hiện chi trả đền bù, bồi thường hỗ trợ…

“Chúng tôi đã đề nghị nhiều lần, báo cáo nhiều lần về việc khó khăn trong sản xuất nhưng không ăn thua”, ông Thái nói.

Tiếng là xã có 400ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng trong thời gian tới dân xã Mê Linh không còn đất sản xuất nữa. Nguyên nhân là có nhiều dự án chưa triển khai nhưng chủ đầu tư đã xí phần từ hàng chục năm trước. Ví dụ, dự án Khu đô thị mới Sông Hồng của Công ty CP mặt trời Sông Hồng, cũng được cấp phép thần tốc ngày 15/7/2008, ôm 46,6ha đất sản xuất của người dân nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.

Các Quyết định của Vĩnh Phúc trước đây ảnh hưởng rất lớn

Được UBND tỉnh Vĩnh Phúc “trải thảm đỏ”, ồ ạt cấp phép trước khi Mê Linh về Hà Nội, nhưng trước thực tế hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã quay lại đổ trách nhiệm cho Vĩnh Phúc về việc các dự án bỏ hoang.

Năm 2016, 47 chủ đầu tư các dự án bất động sản tại Mê Linh đã có báo cáo chung gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp.

Trong đề xuất này, các chủ đầu tư xin phép Hà Nội được thành lập Hiệp hội BĐS Mê Linh để làm đầu mối liên hệ, giải trình… với các cơ quan ban ngành của Hà Nội để từ đó có hướng tháo gỡ chung.

Trong các bản kiến nghị, đại diện 47 chủ đầu tư cho hay: Vấn đề mấu chốt nằm ở cơ chế, chính sách giữa hai địa phương trước và sau khi sát nhập chưa có sự đồng nhất. 

Cụ thể, về cơ chế và đơn giá chi phí đền bù GPMB; tiền chuyển mục đích sử dụng đất và đơn giá thuê đất; các chính sách về thuế; việc đăng ký tài sản trên đất thuê; đất dịch vụ cho nhân dân: nhân dân mất đất nhưng chưa được chính quyền cấp trả đất (tồn tại từ thực tế giao đất thực hiện dự án của UBND tỉnh Vĩnh Phúc), tình trạng tái lấn chiếm đất dự án kéo dài dẫn đến dự án bị đình trệ không triển khai được…

 

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.