Những người ký cấp phép dự án phải chịu trách nhiệm
Theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, tại 8 quận, huyện có tới 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục… Nếu cộng thêm 172 dự án của các quận, huyện, thị xã còn lại, Hà Nội có hơn 380 dự án đang “đắp chiếu”…
Nông dân mất đất ngày càng bức xúc với các dự án bỏ hoang. |
Thảm cảnh doanh nghiệp ôm đất và bỏ hoang xảy ra nhiều nhất ở huyện Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án), Bắc Từ Liêm (23 dự án)… Thê thảm đến mức, tại các địa phương này, có những dự án chủ đầu tư được chính quyền giao đất xong thậm chí còn không thèm liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định.
Mặc dù TP Hà Nội thừa nhận: Các dự án chậm triển khai, vi phạm đất đai nhiều năm gây bức xúc trong nhân dân, tranh chấp khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định trật tự xã hội… Tuy nhiên, thừa nhận là một chuyện, việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này dường như chưa được thực hiện xử lý một cách thực sự quyết liệt…
Bằng chứng là trách nhiệm của Sở TN-MT Hà Nội. Đối với các dự án ngoài ngân sách, theo khảo sát có 383 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai nhưng cơ quan này đã báo cáo chỉ có 161 dự án. Thay vì có những đề xuất xử lý những biện pháp thu hồi dự án theo quy định thì cơ quan chức năng Hà Nội liên tục có những quyết định tạo điều kiện để chủ đầu tư điều chỉnh, gia hạn, đặc biệt là điều chỉnh tiến độ triển khai dự án… Đến mức, Dự án của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 tại thôn Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì chậm triển khai nhưng Sở TN-MT Hà Nội quên hồ sơ không trình UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi.
Sau khi theo dõi loạt bài về thực trạng này trên NNVN, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) khẳng định: Các dự án đang bỏ hoang ở Hà Nội chính là một câu hỏi lớn về sự quản lý của bộ máy Nhà nước đối với các công trình đầu tư “rơi vào quên lãng”.
“Rõ ràng đấy là tiền của Nhà nước, đất đai Nhà nước, tài sản, sinh kế Nhân dân… Tại sao để tới con số gần 400 dự án bỏ hoang như vậy? Bỏ hoang bao lâu, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân như thế nào? Đấy là những vấn đề cần phải được làm rõ”.
Ông Doanh đề nghị Quốc hội cần quan tâm và có ý kiến về vấn đề này đồng thời Hà Nội cần phải lập các hội đồng đánh giá, các chuyên gia kinh tế độc lập tham gia đóng góp ý kiến để giải quyết thực trạng được cho là “khó có thể chấp nhận nổi”.
“Ở đây cần phải xem xét vấn đề lợi ích nhóm. Đây là một thực tế mà trong các lần phát biểu ý kiến chính Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý. Tôi kiến nghị, cần làm rõ nguyên nhân tại sao Hà Nội không giải quyết quyết liệt đối với các dự án đã có dấu hiệu vi phạm rõ ràng mà xử lý một cách kéo dài, không đúng quy trình như vậy.
Đặc biệt là trách nhiệm của những người ký cấp phép thực hiện dự án. Họ luôn nói rằng việc cấp phép là đúng quy trình, chặt chẽ, cả một bộ máy đồ sộ giám sát, xem xét, nhưng bây giờ dự án bỏ hoang như thế thì trách nhiệm của ai? Rõ ràng là trách nhiệm của những người thẩm định, những người ký cấp phép cho các dự án”, TS Lê Đăng Doanh kiến nghị.
Nhiều chuyên gia phân tích, chính “thái độ” của chính quyền Hà Nội đã khiến chủ đầu tư nhờn luật.
Trong một số tài liệu do bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội ký, hàng loạt vấn đề liên quan đến trách nhiệm các chủ đầu tư những dự án ma được chỉ rõ: “Nhà đầu tư cố ý sử dụng đất sai mục đích để thu lời bất chính hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ; lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để tối đa hóa lợi nhuận và kéo dài thời gian để chuyển nhượng dự án; năng lực thực hiện dự án còn hạn chế, năng lực tài chính không đạt yêu cầu; cố tình né tránh không hợp tác với cơ quan nhà nước…”.
Nhưng họ đã làm gì với những dấu hiệu vi phạm này? Đặc biệt là đối với những “ông lớn” đang ôm hàng trăm ha đất vốn là bờ xôi ruộng mật của người nông dân?
Kiến nghị Hà Nội thu hồi các dự án vi phạm. |
Công ty Cổ phần bất động sản AIC được giao tới 943.209,0m2 đất tại xã Mê Linh và Tiền Phong để xây dựng Khu đô thị mới Mê Linh. Hơn 10 năm qua, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng, người dân vẫn đang còn kiện cáo, khiếu nại, chưa chịu nhận tiền đền bù... Những dấu hiệu vi phạm quá rõ ràng nhưng những cơ quan liên quan ở Hà Nội hiện vẫn chỉ mỗi biện pháp “thúc giục” chủ đầu tư hoàn thiện dự án.
Hay như Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), trong khi 2 dự án Thanh Lâm – Đại Thịnh bỏ hoang gây bức xúc trong nhân dân và chính quyền sở tại suốt hàng chục năm qua vẫn chưa được giải quyết thì TP Hà Nội tiếp tục có quyết định để tạo điều kiện cho HUD ôm tiếp hơn 142ha để thực hiện dự án Khu đô thị Mê Linh – Đại Thịnh…
Và hàng loạt các vi phạm, sai phạm của vô số dự án dù đã được làm rõ nhưng Hà Nội vẫn không thu hồi. Chính vì vậy mới có thực trạng, ở một số địa phương, chính quyền dù rất bức xúc với chủ đầu tư nhưng không thể làm gì.
“Quan điểm của huyện tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án”, lãnh đạo huyện Mê Linh, nơi có xấp xỉ 50 dự án đắp chiếu khẳng định.
Cách xử lý triệt để nhất là thu hồi và đấu giá
Theo tìm hiểu của NNVN, trước khi Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội làm rõ thực trạng các dự án đắp chiếu, bỏ hoang đất, Thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức rà soát và có những chỉ đạo kiên quyết không đề xuất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án chậm triển khai, chưa thực hiện, vi phạm Luật Đất đai…
Tuy nhiên, thực tế thực hiện những chỉ đạo này, hàng loạt chủ đầu tư của các dự án tiếp tục tìm mọi cách để điều chỉnh quy hoạch. Thậm chí có những dự án như Khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) do Công ty CP Tập đoàn VIDEC làm chủ đầu tư, đã duyệt điều chỉnh quy hoạch năm 2017 thì nay chủ đầu tư lại tiếp tục kiến nghị điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Bản thân dự án đang găp phải sự cản trở của người dân về giải phóng mặt bằng, từ năm 2008 đến nay.
Trước thực trạng này, trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam khẳng định: Hệ quả dễ nhận thấy nhất là đất bỏ hoang phí, sử dụng sai mục đích, cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch bị ảnh hưởng.
“Giai đoạn mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, có hiện tượng doanh nghiệp ồ ạt đầu tư đất. Song thực tế nhiều dự án tới nay chưa triển khai. Cách xử lý triệt để nhất là lập tức thu hồi đất, tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư đủ khả năng tài chính, nguồn lực thực hiện”, ông Đính nói.
Chuyên gia môi giới bất động sản khẳng định để càng lâu thì thiệt hại cho mọi phía đều nặng nề hơn. Do đó, cơ quan nhà nước cần thanh tra, kiểm tra và phải thu hồi khi dự án quá trì trệ.
Cần phải làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng “đắp chiếu” dự án. |
Ngoài ra, lý giải nguyên nhân các dự án đắp chiếu nhiều và lâu như ở Hà Nội, ông Đính nhận định có 2 khả năng dẫn đến dự án treo: Một là doanh nghiệp “lướt sóng” thị trường, ôm đất chờ đẩy giá. Thứ hai là quá trình phê duyệt của chính quyền trong chủ trương đầu tư có yếu tố “không trong sáng”, giao đất cho đối tượng không đủ năng lực.