| Hotline: 0983.970.780

4 doanh nghiệp sắn có dấu hiệu vi phạm không đại diện cho toàn ngành

Thứ Hai 28/03/2022 , 09:25 (GMT+7)

Nghi ngờ một vài doanh nghiệp sắn trục lợi chính sách, không thể ảnh hưởng chính sách hỗ trợ toàn bộ ngành sắn.

Cần có phương thức rà soát tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp

4 doanh nghiệp sắn trục lợi chính sách (nếu có) không đại diện cho toàn ngành. Ảnh: Lê Thế Tấn. 

4 doanh nghiệp sắn trục lợi chính sách (nếu có) không đại diện cho toàn ngành. Ảnh: Lê Thế Tấn. 

Tổng cục Thuế đã phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam do gặp vướng mắc liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) với mặt hàng tinh bột sắn. Theo đó, phải dừng việc hoàn thuế giá trị gia tăng vì phát hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sắn của Việt Nam bán hàng cho các doanh nghiệp "ma" tại Trung Quốc.

Cụ thể, cơ quan thuế đã phát hiện 4 DN bán tinh bột sắn cho 20 DN tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khi xác minh với cơ quan thuế Trung Quốc thì phát hiện trong 20 DN mua sắn này có tới 7 DN "ma", nghĩa là không xác định được nhân thân, 13 DN còn lại không thừa nhận mua bán với các công ty sắn của Việt Nam.

Tổng cục Thuế nghi ngờ các DN xuất khẩu sắn đã làm ngụy tạo hồ sơ mua bán để trục lợi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Hiện Tổng cục Thuế đã chuyển hồ sơ của 4 DN này sang cơ quan công an để tiến hành điều tra, xác minh làm rõ và tiến hành rà soát các công ty xuất khẩu sắn khác có việc mua bán với 20 DN nêu trên của Trung Quốc.

Tuy nhiên, dư luận đang đặt ra câu hỏi, cách giải thích này chưa phù hợp? Khi 4 DN này không thể đại diện cho toàn bộ ngành sắn, bất cứ tác động nào của cơ quan quản lý đều ảnh hưởng trực tiếp đến DN mà cụ thể ở đây là việc xuất khẩu sắn đang được hưởng ưu đãi của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo đối với bà con nông dân khu vực trung du miền núi, khu vực đất đai không thể canh tác các loại cây trồng khác ngoài sắn.

Việc Tổng cục Thuế, nêu ra lý do 4 DN sắn bán hàng cho các DN “ma” tại Trung Quốc để yêu cầu dừng hoàn và truy thu thuế đã ảnh hưởng trực tiếp đến các DN khác đang làm ăn chân chính từ trước đến nay khi vụ thu hoạch sắn đang cận kề.

Như vậy, Tổng cục Thuế cần phải có biện pháp khác xác minh việc có hay không mặt hàng sắn được xuất đi nước ngoài chứ không thể chỉ dựa vào nguồn thông tin từ phía bạn mà áp đặt cho toàn bộ ngành sắn trong nước. Theo thông tin chúng tôi được biết, để xuất khẩu theo Nghị định 14/2018, các doanh nghiệp sắn đều phải có chứng từ kê khai đầy đủ tại Hải quan thì mới có thể xuất hàng sang bên kia biên giới. Vì vậy, việc dựa vào chứng từ Hải quan và chứng từ giao dịch tại ngân hàng vẫn có thể xác minh được DN nào làm ăn chân chính.

Cũng theo Tổng cục Thuế, "nếu doanh nghiệp đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế theo quy định của pháp luật". Theo đó, Luật thuế VAT và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định để được hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, DN phải đáp ứng điều kiện gồm hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…

Theo ông Nghiêm Minh Tiến – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam, thời điểm chưa có dịch, các đơn vị thu mua của phía bạn thường sang tận nơi làm việc với Hiệp hội sắn và các DN sắn trong nước. Họ ký hợp đồng, thỏa thuận mua hàng xong thì chuyển tiền thanh toán và chúng tôi giao hàng lên biên giới. Vì vậy, cơ quan thuế nếu thống nhất, làm việc với cơ quan hải quan, ngân hàng thì có thể xác định được những DN nào thực chất xuất khẩu sắn, những DN nào “gian dối”, trục lợi chính sách để có biện pháp xử lý và không ảnh hưởng toàn bộ ngành sắn.

Việc ban hành Công văn 632 ngày 7/3/2022 về việc dừng hoàn và truy thu thuế VAT của Tổng cục Thuế đã khiến 42 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội sắn Việt Nam chiếm hơn 80% sản lượng toàn ngành đồng loạt gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ.

Cần phải đẩy nhanh việc điều tra, tránh để nông dân bị ảnh hưởng

Cần đẩy nhanh việc điều tra các doanh nghiệp sắn trục lợi chính sách, tránh để nông dân trồng sắn bị ảnh hưởng. Ảnh: Võ Dũng. 

Cần đẩy nhanh việc điều tra các doanh nghiệp sắn trục lợi chính sách, tránh để nông dân trồng sắn bị ảnh hưởng. Ảnh: Võ Dũng. 

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, luật sư Trần Hữu Huỳnh nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, “Việc xuất trình bộ Tờ khai Hải quan kèm chứng từ không phải khi nào cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa đã được xuất khẩu qua biên giới mà cơ quan thuế cần làm việc với hải quan để xem xét các thương vụ xuất khẩu cụ thể này”.

Như vậy, Tổng cục Thuế cần làm việc, xác minh một cách rõ ràng với cơ quan Hải quan để nắm bắt được các thương vụ xuất khẩu sắn bởi đây là trách nhiệm của cơ quan thuế để xác định những doanh nghiệp nào đang trục lợi chính sách. Chứ không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính mà ở đây là Công văn 632 ngày 7/3/2022 để áp đặt cho toàn bộ ngành sắn khiến các DN làm ăn “chân chính”, cũng như 1,2 triệu nông dân trồng sắn bị ảnh hưởng.

Mặt khác, cũng theo luật sư Huỳnh, “bất kỳ một tác động quản lý nào cũng ảnh hưởng cả mặt tốt lẫn mặt xấu đến nông sản nói chung và nông sản biên mậu nói riêng. Do đó, cần phải đẩy nhanh việc tìm hiểu, điều tra này để nông dân trồng sắn ít bị ảnh hưởng nhất, bảo vệ các nhà xuất khẩu tuân thủ pháp luật, nghiêm trị các trường hợp xuất khống và những cán bộ tiếp tay cho việc lợi dụng chính sách thuế để bảo vệ môi trường cạnh tranh và chống thất thu thuế”.

Do đó, việc kiểm tra, điều tra của Tổng cục Thuế là việc thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ khi phát hiện ra sai phạm mà cụ thể ở đây là 4 DN đã được Tổng cục Thuế chuyển hồ sơ sang cho cơ quan cảnh sát điều tra.

Hiện nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc xử lý những trường hợp lợi dụng chính sách thuế của Nhà nước để trục lợi. Cho nên, Tổng cục Thuế không thể vì một số trường hợp cá biệt mà áp dụng cho các DN ngành sắn, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bà con nông dân trồng sắn và ảnh hưởng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà Chính phủ đã đề ra.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dabaco đạt lợi nhuận trước thuế 857 tỷ đồng

Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn năm 2024 ước đạt 857 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.

Hà Nội sắp khởi công hai cầu vượt sông Hồng số vốn 30.000 tỷ đồng

Hai cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng sẽ khởi công năm 2025, tổng đầu tư 30.000 tỷ đồng.