Chiều 17/8, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức lễ kỉ niệm 5 năm ngày thành lập (18/8/2017 - 18/8/2022).
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, 5 năm trôi qua là một chặng đường không dài, nhất là với lịch sử truyền thống công tác phòng chống thiên tai của một đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”.
Thế nhưng trong 5 năm qua, theo ông Hoài, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều thành quả, đặc biệt đã khơi dậy ý chí, cống hiến của cả hệ thống phòng chống thiên tai xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương cũng như của toàn xã hội.
“Sau 5 năm, những mong mỏi lớn của chúng ta mới chỉ thực hiện được phần nào, tuy chưa có được một cơ quan chuyên nghiệp, quy mô, hiện đại như ở nhiều nước trên thế giới nhưng chúng ta đã từng bước xây dựng và phát triển, đạt được những thành quả đáng tự hào”, ông Trần Quang Hoài bày tỏ.
Theo đó, sau 5 năm, sự quan tâm về đầu tư trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã được thay đổi một cách toàn diện, vượt bậc ở khắp các vùng miền cả nước. Chính phủ đã dành sự đầu tư thích đáng cho các địa phương, dành nguồn lực của ngân sách nhà nước dự phòng để cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Hệ thống công trình đê điều, phòng, chống thiên tai được tăng cường đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, giai đoạn sắp tới là hơn 7.300 tỷ đồng trong vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để xóa dần các trọng điểm xung yếu, đảm bảo an toàn hơn trong mùa mưa bão.
Trải qua 5 năm nhiều khó khăn thử thách, Tổng cục Phòng, chống thiên tai không chỉ thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai mà còn hoàn thành tốt nhiệm vụ Văn phòng Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và phát huy vai trò của các bộ ngành, địa phương để phối hợp ứng phó kịp thời với thiên tai.
Từ năm 2017 đến nay, Tổng cục đã tham mưu kịp thời, hiệu quả ứng phó với 2.707 trận thiên tai trong đó có 73 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là những trận thiên tai lịch sử diễn ra; thành lập khẩn cấp mặt trận tiền phương; góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Đối với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, Tổng cục đều có hướng dẫn kịp thời, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó với các loại hình thiên tai lớn và điều chỉnh để phù hợp với diễn biến thực tiễn để hạn chế thấp nhất những tổn thất.
Lắng nghe những tâm tư và tình cảm của Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng tinh thần của vị thuyền trưởng Trần Quang Hoài dùng để lèo lái con thuyền phòng, chống thiên tai thời gian qua sẽ không chỉ truyền cảm hứng cho cán bộ, công nhân viên chức của Tổng cục mà còn khơi dậy ý chí cho những người làm công tác phòng, chống thiên tai trên cả nước.
Nhớ lại khoảng thời gian trực tiếp điều hành Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng cho hay, hơn 3 năm phụ trách Tổng cục đã cho ông nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm trong cả công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong cuộc sống. Từ đó, ông ngẫm ngợi nhiều điều về người làm công tác phòng, chống thiên tai.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhiều lần nhấn mạnh: “Với khối lượng công việc của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, cộng thêm công tác trực ban bão bùng, mưa lũ, thiên tai, nếu những người làm công tác phòng, chống thiên tai một ngày chỉ làm 8 tiếng sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ mà phải cần 18 tiếng mới làm hết được chừng ấy công việc".
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng nếu những người làm công tác phòng, chống thiên tai chỉ coi mình là công chức cũng sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Yếu tố quyết định mà người làm công tác phòng chống thiên tai cần phải có đó là đam mê và tâm huyết với công việc.
“Với truyền thống 70 năm công tác phòng, chống thiên tai và 5 năm của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, thời gian tới, những người làm công tác phòng chống thiên tai sẽ tiếp tục là tập thể đoàn kết, không run sợ và sẵn sàng lao vào mưa lũ, bão tố”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.