Trang bị kỹ năng phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thiết thực
Theo ông Lý Văn Luận, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), hàng năm thị xã bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu những cơn bão, áp thấp nhiệt đới kèm những cơn mưa trái mùa; tình hình sạt lở đê biển, đê sông diễn biến phức tạp, gây ra những thiệt hại lớn cả về người và của cải vật chất.
Ngành giáo dục thị xã cũng gánh chịu những tác động không nhỏ do thiên tai gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh. Hiện toàn thị xã có 53 trường học với 1.779 cán bộ giáo viên và 35.655 học sinh (chiếm trên 22% dân số thị xã), là những đối tượng chưa có khả năng tự bảo vệ mình và cộng đồng trước thiên tai, rất dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra.
Vì vậy, ngành giáo dục thị xã Vĩnh Châu đã xác định xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động phòng chống thiên tai (PCTT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của ngành là rất cần thiết, nhất là công tác truyền thông, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc PCTT và ứng phó với BĐKH. Nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kĩ năng về PCTT và ứng phó với BĐKH cho cán bộ, giáo viên, học sinh là nhiệm vụ hết sức thiết thực, nhằm từng bước xây dựng hệ thống trường học an toàn.
Đặc biệt, làm tốt công tác PCTT và ứng phó với BĐKH trong ngành giáo dục còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng dân cư trong thị xã nói riêng, trong cả nước nói chung, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ trong công tác PCTT và ứng phó với BĐKH.
Nhiều cách làm truyền thông sáng tạo
Trên tinh thần đó, trong những năm qua, ngành giáo dục thị xã Vĩnh Châu đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để nâng cao nhận thức, kỹ năng PCTT và ứng phó với BĐKH cho giáo viên, học sinh, nhất là truyền thông về phòng chống thiên tai.
Điển hình như Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông trong hoạt động của cơ quan như: tuyên truyền miệng, phát thanh, đăng tin trên cổng thông tin điện tử, zalo, facebook, treo băng rôl, pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về PCTT, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học… tại trường nhằm kêu gọi tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh … nâng cao nhận thức về các giải pháp PCTT, thích ứng với BĐKH, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, có các hành động thiết thực góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó có hiệu quả với BĐKH, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát loa tuyên truyền thường xuyên trong khuôn viên trường học đầu giờ và ra chơi hằng ngày về những kỹ năng tự bảo vệ mình trước thiên tai hay hiện tượng thời tiết bất thường như khi trời mưa gió không ở dưới góc cây; không đi ra đường khi dự báo sắp có mưa to, gió lớn; không đứng trú mưa, gió lốc, sấm sét dưới cột điện, gốc cây to …
Tuyên truyền trực tiếp với học sinh về ý thức phòng chống tiên tai thông qua các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ, các tiết sinh hoạt tập thể, sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoài giờ lên lớp và sinh soạt dưới cờ.
Để công tác tuyên truyền trực quan có hiệu quả, các nhà trường còn thực hiện treo pano, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, tranh cổ động, biểu đồ tuyên truyền trước cổng ra vào, trước hành lang các phòng học,…tại các khu vực trung tâm của nhà trường cho phụ huynh và trẻ dễ nhìn thấy.
Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức truyền thông phát động hưởng ứng các phong trào như: Ngày hội tái chế, Ngày hội sống xanh, Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Ngày không sử dụng túi nilon ... Mục đích của hoạt động này nhằm giáo dục cho học sinh biết bảo vệ môi trường và hiểu được bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chính sự sống, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường là một việc làm hết sức cấp bách và cần thiết để hạn chế BĐKH và là giải pháp hiệu quả để giảm hậu quả thiên tai xảy ra.
Kết quả có 100% cán bộ, giáo viên, học sinh hưởng ứng và đồng thời tuyên truyền cho người thân hiểu hơn về công tác phòng chống thiên tai, qua đó càng làm tăng hiệu quả của hoạt động; nâng cao nhận thức đến cha mẹ học sinh và cộng đồng về rủi ro thiên tai và có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ tài sản và tính mạng con người.
Nâng cao kiến thức, kỹ năng qua hoạt động ngoại khóa
Nâng cao kiến thức, kỹ năng PCTT và ứng phó BĐKH cho học sinh, còn được thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa trong ngành giáo dục ở thị xã Vĩnh Châu.
Tại trường TH&THCS Lai Hòa, trong tháng 5/2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Vĩnh Châu đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, tổ chức thành công chuỗi hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia PCTT, trong đó có các hoạt động ngoại khóa.
Cụ thể, học sinh tiểu học của trường được tiếp cận, làm quen với khái niệm thiên tai và phòng chống thiên tai qua hình thức vẽ tranh ngoại khóa sáng tạo, vui vẻ. Hoạt động này vừa tạo sân chơi bổ ích sau giờ học, đồng thời thúc đẩy các em học sinh thể hiện sự hiểu biết quan điểm cá nhân về thiên tai và cách PCTT.
Có 713 em học sinh tiểu học đã tham gia vẽ tranh. Các bức tranh đã thể hiện góc nhìn của các em về các loại hình thiên tai và sự nguy hiểm của nó đối với con người như: bão cuốn bay nhà cửa cây cối; lũ lụt nhấn chìm mọi thứ trong biển nước; lũ quét, sạt lở đất vùi lấp con người, đồ vật; hạn hán, xâm nhập mặn khiến cây cối chết khô, héo úa, con người vất vả chống chọi; rét đậm, rét hại có thể đóng băng cây cối trên các vùng núi cao, làm chết trâu bò, vật nuôi khác; sạt lở bờ sông, bờ biển có thể làm đổ sập cả dãy nhà, đường …
Những nỗ lực chống chọi của con người trước thiên tai như: chuẩn bị ứng phó với bão, chằng chống, gia cố nhà cửa …; nỗ lực khắc phục sau thiên tai như: thu gom rác thải, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường … Đặc biệt là hình ảnh những tấm gương người tốt việc tốt trong thiên tai như: hình ảnh các đoàn cứu trợ, các chú bộ đội, các cô chú trong Lực lượng xung kích PCTT hỗ trợ người dân trong bão, lũ …
Học sinh vào giáo viên cấp trung học cơ sở được nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai qua cuộc thi “Rung chuông vàng”. Theo đó, các lớp tổ chức tranh tài nội bộ (trong tiết sinh hoạt của tuần) để lựa chọn khoảng 5-10 học sinh đại diện cho lớp tham dự vòng chung kết toàn trường. Các lớp phát động cuộc thi và tổ chức ôn tập cho học sinh theo bộ câu hỏi về phòng chống thiên tai do Ban tổ chức cung cấp.
Trong năm 2021 mặc dù các đợt mưa, bão có kéo dài, mực nước dâng cao hơn rất nhiều, có một số điểm trường nước ngập sâu nhưng thiệt hại về con người và tài sản trong ngành giáo dục thị xã Vĩnh Châu đã giảm rất nhiều so với trước đây.
Cụ thể: Trong suốt mùa mưa cơ sở vật chất các nhà trường được đảm bảo tốt, không có trường hoặc điểm trường bị hư hại do mưa bão gây ra; các thiết bị, đồ dùng dạy học ở các trường đều được bảo quản tốt, không xảy ra hư hại, thất thoát do mưa bão và thiên tai gây ra; cây cối trong sân trường được cắt nhánh, tỉa cành không có cây đổ ngã gây thiệt hại về người và cơ sở vật chất.