| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ hệ thống đê điều làm lá chắn 'thép' trước mưa lũ, thiên tai

Thứ Tư 17/08/2022 , 10:48 (GMT+7)

Trước thực trạng lũ lớn, không theo quy luật, hệ thống đê điều còn nhiều xung yếu, việc quản lý, bảo vệ, xây dựng, tu bổ đê điều không thể được chủ quan, xem nhẹ.

Nhiều hiểm họa rình rập 

Từ năm 2017 đến nay, mưa lũ tại Việt Nam diễn biến hết sức cực đoan, bất thường và trái quy luật tự nhiên. Những trận bão, lũ lớn, đặc biệt lớn, vượt mức lịch sử liên tiếp xảy ra trong các năm 2017, 2018, 2020. Điển hình là lũ lớn trên hệ thống sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã.

Theo đó, mưa cực đoan trái quy luật được dự báo sẽ xảy ra nhiều hơn. Đến năm 2030 lượng mưa lớn nhất trung bình sẽ tăng tới 70% so với hiện tại. Nếu các trận mưa cực đoan dịch chuyển lên phía thượng lưu của lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình với tổ hợp lũ bất lợi như đã từng xảy ra sẽ xuất hiện lũ đặc biệt lớn. Trong trường hợp đó, khi các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn đã sử dụng hết dung tích phòng lũ cho hạ du, khả năng xảy ra lũ lớn, lũ cực lớn trên hệ thống sông là rất cao, uy hiếp an toàn đê.

Chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ NN-PTNT), cho biết, nhiều năm qua, trên các hệ thống sông chính không có lũ lớn như trước đây nên nhiều nơi không chỉ người dân mà cả các cấp chính quyền cũng rất chủ quan khi cho rằng đã có hệ thống hồ chứa tại thượng nguồn thì sẽ không còn lũ trên sông. Điều đó dẫn đến sự thiếu quan tâm công tác quản lý đê, bảo vệ, hộ đê, đầu tư tu bổ cho hệ thống đê điều, gia tăng vi phạm pháp luật về đê điều.

Empty

Tại một số địa phương, việc cấp phép xây dựng công trình ở bãi sông chưa tuân thủ các quy định của Luật Đê điều. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.

Bên cạnh đó, trước sức ép của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng đất đai, vật liệu xây dựng ngày càng cao nên tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều gia tăng ở nhiều địa phương. Đặc biệt là vi phạm tập kết vật liệu với quy mô lớn trên bãi sông và trong hành lang bảo vệ đê, xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép trên bãi sông và lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ. Nhiều trường hợp có mức độ và quy mô vi phạm rất nghiêm trọng, việc ngăn chặn, xử lý vi phạm còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng chưa xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm còn nhiều.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, ở một số địa phương, việc cấp phép xây dựng công trình ở bãi sông chưa tuân thủ các quy định của Luật Đê điều, dẫn đến việc xử lý, giải tỏa vi phạm khi công trình đã được địa phương cấp phép rất khó khăn. Một số nơi còn xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh dẫn đến việc xử lý không dứt điểm, gây khiếu kiện kéo dài.

Ngoài ra, công tác tuần tra canh gác bảo vệ đê theo cấp báo động đang bị lơ là. Theo quy định của Luật Đê điều, khi có báo động lũ từ cấp I trở lên, UBND cấp xã nơi có đê phải huy động lực lượng tại địa phương phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều để tuần tra, canh gác và thường trực trên các điếm canh đê, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều.

Empty

Trong mùa lũ các năm qua, công tác tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ tại nhiều địa phương bị lơ là, xem nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: VL.

“Tuy nhiên, thực tế trong mùa lũ các năm qua, công tác tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ tại nhiều địa phương bị lơ là, xem nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện đầy đủ theo trách nhiệm. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng không phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều, là nguy cơ dẫn đến vỡ đê”, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều chia sẻ.

Năm 2017, lũ sông Hoàng Long vượt lũ lịch sử năm 1985 là 29cm, làm 82km đê đã bị tràn và xấp xỉ tràn, gây ra 242 sự cố đê điều. Năm 2018 lũ trên các sông Bứa, Đáy, Hoàng Long, Bùi, Bưởi vượt trên mức báo động 3 vào năm 2018; đặc biệt lũ trên sông Bứa, tỉnh Phú Thọ vượt lũ lịch sử năm 1975 là 1,26m. Năm 2020, các trận lũ lớn, đặc biệt lớn xảy ra trên 16 tuyến sông chính ở miền Trung…

Đầu tư mạnh mẽ để củng cố hệ thống đê điều

Trước thực trạng nhức nhối hệ thống đê điều đang phải đương đầu, các Bộ, ban, ngành cũng như các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm bảo vệ, xây dựng để phát huy hiệu quả của hệ thống đê điều. Cụ thể, việc đầu tư tu bổ hệ thống đê điều cũng đã được quan tâm, tăng cường hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.

Từ năm 2017 - 2022, các địa phương đã được bố trí 5.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều. Ngoài ra, sau các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã báo cáo Thủ tướng bố trí hỗ trợ cho các địa phương 7.300 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có hỗ trợ xử lý cấp bách sự cố đê điều. Kết quả đã xây dựng, tu bổ, nâng cấp 1.590 km đê, 235km kè, 146 cống qua đê.

Empty

Từ năm 2017 - 2022, các địa phương đã được bố trí 5.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều. Ảnh: TL.

Để hoàn chỉnh hệ thống đê điều, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã chủ động báo cáo Bộ NN-PTNT bố trí kinh phí trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 kinh phí 3.300 tỷ đồng để củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc bộ, xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê cấp III trở lên, tu bổ hệ thống đê xung yếu.

Tổng cục cũng đề xuất các dự án ODA như Dự án ADB 10 về Giảm thiểu rủi ro lũ lụt thích ứng biến đổi khí hậu với kinh phí 5.100 tỷ đồng, Dự án WB 10 về Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai vùng ven biển Việt Nam với kinh phí 4.400 tỷ đồng.

Đồng thời, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT, Chính phủ, báo cáo Quốc hội dự kiến bố trí 4.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi kinh tế để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ đê điều.

Bên cạnh đó, việc nhiều lĩnh vực trong công tác quản lý đê điều được áp dụng công nghệ thông tin, khoa học hiện đại bước đầu đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ. Tiêu biểu có thể kể đến như việc ứng dụng thiết bị bay không người lái để thu thập dữ liệu hình ảnh, video về thiên tai, lũ lụt ở những khu vực, vị trí nguy hiểm mà con người khó hoặc không tiếp cận được.

Empty

Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT, Chính phủ, báo cáo Quốc hội dự kiến bố trí 4.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi kinh tế để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ đê điều.

Song song, việc xây dựng, lắp đặt hệ thống camera theo dõi, giám sát trực quan theo thời gian thực tại các khu vực trọng điểm đê điều, khu vực ngã ba sông, các điểm chốt mực nước đã giúp hỗ trợ công tác quản lý, kịp thời phát hiện các sự cố nguy hiểm, các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều để ngăn chặn, xử lý.

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được triển khai trong lĩnh vực đê điều như khoan phụt vữa 2 nút; thiết kế - thi công đê biển trên nền đất yếu; xử lý mối gây hại thân đê bằng công nghệ thân thiện môi trường; xử lý sự cố cống dưới đê; giải pháp chống tràn bằng công nghệ mới; giải pháp bảo vệ, khôi phục cồn cát ven biển với vai trò tuyến đê biển tự nhiên… Kết quả, các đề tài nghiên cứu đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hộ đê, tu bổ, nâng cấp công trình đê điều.

Nhờ đó, 5 năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, hộ đê đã có những chuyển biến rõ rệt, công trình đê điều cũng được tu bổ, nâng cấp nâng cao mức đảm bảo an toàn, khả năng chống lũ.

Theo báo cáo đánh giá hiện trạng của các địa phương trước mùa bão, lũ năm 2022, chỉ tính trên 2.740km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, còn tồn tại trên 242 trọng điểm đê điều xung yếu phải xây dựng phương án bảo vệ trong mùa lũ; 316km đê còn thấp, thiếu cao trình, nguy cơ bị tràn khi gặp lũ thiết kế; 498km đê còn nhỏ hẹp, chưa đủ mặt cắt thiết kế; 174km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 386 cống qua đê và 233km kè hư hỏng, xung yếu.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Cứu kịp thời một ngư dân trôi dạt trên biển

Quảng Ngãi Trong lúc đang đánh bắt cá thì gặp sóng lớn khiến thuyền thúng bị lật, sau một thời gian trôi dạt trên biển, ngư dân gặp nạn đã được ứng cứu kịp thời.