| Hotline: 0983.970.780

70 năm Báo Nông nghiệp Việt Nam

Thứ Ba 08/12/2015 , 05:45 (GMT+7)

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển 70 năm, dù với tên gọi nào, ở thời kỳ lịch sử nào, Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn là cơ quan tuyên truyền tích cực nông nghiệp, nông thôn nước nhà.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có tiền thân là Báo Tấc Đất - Cơ quan cổ động sản xuất của Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập theo Nghị định số 129 ngày 4/12/1945 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, thông qua nội dung của tờ báo và viết bài: “GỬI NÔNG GIA VIỆT – NAM” giao nhiệm vụ, giới thiệu về Báo Tấc Đất trên số báo đầu tiên, phát hành ngày 7/12/1945.

Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Cơ quan cổ động sản xuất – tờ báo đầu tiên của Bộ Canh nông, là vinh dự lớn không chỉ riêng của Báo Tấc Đất (nay là Báo Nông nghiệp Việt Nam) mà còn của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.

Trong suốt chiều dài lịch sử, để phù hợp với từng giai đoạn của Cách mạng, Bộ Canh nông đã nhiều lần được đổi tên. Vì vậy Báo Tấc Đất cũng được đổi thành nhiều tên gọi khác nhau (trên cơ sở tách, sáp nhập các tờ báo) để thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền, như: Tập San Canh Nông, Báo Toàn Dân Canh Tác, Báo Nông Lâm, Báo Khoa học kỹ thuật nông nghiệp, Báo Nông nghiệp.

Sau khi Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được thành lập tháng 2/1987 trên cơ sở sáp nhập 3 Bộ: Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn ký Quyết định số 89/NN-CNTP/QĐ ngày 30/5/1987 thành lập Báo Nông nghiệp Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Báo Nông nghiệp (của Bộ Nông nghiệp cũ) và Báo Lương thực (của Bộ Lương thực cũ).

Ngày 10/10/1987, phát hành số đầu tiên với tên gọi Báo Nông nghiệp Việt Nam và được duy trì cho đến nay.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển 70 năm, dù với tên gọi nào, ở thời kỳ lịch sử nào, Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn là cơ quan tuyên truyền tích cực nông nghiệp, nông thôn nước nhà. 

Báo Tấc Đất

Ngày 14/11/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) thành lập Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện 2 nhiệm vụ: I)- Thực hiện chương trình tăng gia sản xuất cấp tốc ở Bắc bộ và miền Bắc Trung bộ để giải quyết một phần vào nạn đói đang đe dọa đồng bào. II)- Sửa soạn một nền tảng chấn hưng nông nghiệp để mở đường phát triển cho một nền kinh tế nông nghiệp quốc gia sau này.

Ngay sau khi thành lập Bộ Canh nông, Bộ trưởng Cù Huy Cận đã đến Bắc Bộ phủ, báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xin xuất bản tờ báo làm cơ quan cổ động, vận động sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất của Bộ Canh nông cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý ngay và Người duyệt nội dung của tờ báo, đặt tên cho tờ báo đầu tiên của Bộ Canh nông là: Báo Tấc Đất.

Ngày 4/12/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký Nghị định số 129 thành lập Báo Tấc Đất – Cơ quan cổ động sản xuất của Bộ Canh nông, giao cho ông Hoàng Văn Đức, kỹ sư nông học, Tổng Giám đốc Nha Nông chính thuộc Bộ Canh nông làm Chủ nhiệm. Trụ sở của Báo Tấc Đất đặt tại số 20 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Báo phát hành 1 kỳ/tuần. Khuôn khổ 30x42. 4 trang. In 2 màu tại Nhà in Lê Văn Tân. Giá bán: 7 hào. Phát hành đến Ủy ban Hành chính, các Ban Tăng gia sản xuất tỉnh, huyện, xã và các cơ sở canh nông.

Ngày 7/12/1945 Báo Tấc Đất xuất bản số đầu tiên (số 1). Trong số báo đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết bài: “GỬI NÔNG GIA VIỆT – NAM” giao nhiệm vụ và giới thiệu về Báo Tấc Đất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

Câu tục ngữ: "Tấc đất tấc vàng" ngày nay có hai ý nghĩa:

1. Báo "Tấc đất" sẽ chỉ bảo cho anh chị em nhà nông làm thế nào cho nông nghiệp mau chóng tiến bộ. Sự chỉ bảo của báo Tấc đất cũng quý hóa như tấc vàng.

2. Loài người ai cũng "dĩ thực vi tiên" (nghĩa là trước cần phải ǎn); nước ta thì "dĩ nông vi bản" (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ǎn no thì phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng.

Vì cứu quốc, các chiến sĩ đấu tranh ở ngoài mặt trận, vì kiến quốc, nhà nông phấn đấu ngoài đồng ruộng. Chiến sĩ ra sức giữ gìn nước non. Nhà nông ra sức giúp đỡ chiến sĩ. Hai bên công việc khác nhau, nhưng thật ra là hợp tác. Cho nên hai bên đều có công với dân tộc, đều là anh hùng.

Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam. "Thực túc thì binh cường", cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện "tấc đất, tấc vàng" thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó.

Tǎng gia sản xuất! Tǎng gia sản xuất ngay! Tǎng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập.

Hỡi anh em nhà nông, tiến lên! tiến lên!

Tập San Canh Nông

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), các cơ quan của Đảng, Chính phủ, trong đó có Bộ Canh nông rút về chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo Cách mạng. Những người làm Báo Tấc Đất cõng theo giấy bút, máy móc lên chiến khu Việt Bắc, đóng tại ấp Lê Giá, chân đèo Mon, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiệm vụ Bộ Canh nông giao.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổ chức du kích khắp nơi, tăng gia sản xuất khắp nơi, dù phải rút khỏi thành phố, ta cũng không cần, ta sẽ giữ tất cả thôn quê”, dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn thiếu thốn tại chiến khu Việt Bắc, Ban Biên tập của Báo gồm các ông: Hoàng Văn Đức, Nghiêm Xuân Yêm, Cù Huy Cận, Bùi Huy Đáp, Lã Xuân Đĩnh, Lê Văn Ngươn, Vũ Công Hậu… tiếp tục viết bài, biên tập, xuất bản và phát hành tờ báo Việt Nam Tập San Canh Nông với khổ  nhỏ (20x25) thay cho tờ Báo Tấc Đất khổ lớn (30x42) để phù hợp hơn với hoàn cảnh kháng chiến (có thể bỏ túi), mang lại hiệu quả tuyên truyền cao nhất trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, thiếu thốn, liên tục bị giặc Pháp vây hãm, lùng sục.

Việt Nam Canh Nông Tập San sau một thời gian được đổi thành Canh Nông Tập San. Đến tháng 10/1952 được đổi thành Tập san Canh nông - Cơ quan nghiên cứu, phổ thông, truyền bá canh nông của Bộ Canh nông. Tập San Canh Nông có 56 trang. In li tô (in đá) trên giấy bồi. Phát hành đến các Ban Canh nông tỉnh, huyện và các cơ sở khác trong ngành canh nông.

Tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt đối với ngành canh nông, đồng thời coi Canh Nông Tập San là tờ báo tuyên truyền hiệu quả, có sức lan tỏa rộng lớn dù trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ khi Người viết thư gửi Hội nghị Canh Nông Việt Bắc, các vị Đại biểu đăng trên Canh Nông Tập San số 4, tháng 9/1949.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

Hội nghị Canh nông Việt – Bắc họp nhằm lúc toàn dân và Chính phủ đương tích cực chuẩn bị tổng phản công và Bộ Canh nông đương xúc tiến việc thực hiện chương trình kinh tế toàn diện của Chính phủ. Hội nghị như vậy rất đúng thời.

Tôi gửi lời thân ái chào các vị đại biểu và chúc Hội nghị thành công.

Trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, việc tăng gia sản xuất không những nhằm mục đích đủ no, đủ ấm cho toàn dân, mà còn phải đặc biệt chú ý đến dự trữ, tiếp tế cho bộ đội. Riêng tại các căn cứ địa, việc để lại càng quan trọng và cần phải thực hiện cho kỳ được, mặc dầu nhiều khó khăn.

Để đạt được kết quả ấy, tôi nhắc lại đây những điểm:

1) Việc tăng gia sản xuất phải đặt kế hoạch cho sát với tình hình và khả năng của dân chúng, của địa phương.

2) Phải cố gắng kế toán sản xuất để biết rõ sự tăng gia sản xuất tiến đến chừng mực nào.

3) Cán bộ canh nông phải luôn luôn đi sát với dân, thân với dân, để hiểu dân và làm việc cho dân.

4) Phải tích cực áp dụng phương pháp thi đua trong tất cả mọi việc. Tự mình thi đua và hướng dẫn, tổ chức cho toàn thể nông dân thi đua để làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều.

Sau hội nghị, kiểm điểm kết quả, nhận định ra những ưu điểm, khuyết điểm. Tôi mong anh em rút được nhiều kinh nghiệm và sẽ làm việc với tinh thần chiến sỹ xung phong, luôn luôn thi đua trong tất cả mọi việc.

Trong giai đoạn kháng chiến hiện nay, mặc dầu còn nhiều gian nan và có thể gian nan hơn trước nhưng vì chúng ta ai ai cũng tích cực thi đua để tiến tới chiến thắng, thì cuộc tổng phản công chắc sẽ chuẩn bị đầy đủ và ngày chiến thắng sẽ không xa.

Chào thân ái và quyết thắng.

Báo Toàn dân Canh tác

Cuối năm 1949, tình hình trên thế giới và trong nước có diễn biến có lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Toàn dân tích cực thi đua canh tác chuẩn bị tổng phản công”.

Thực hiện Chỉ thị trên, được sự chấp thuận của Bộ Canh nông, Ban Biên tập Tập san Canh nông gồm các ông Cù Huy Cận, Hoàng Văn Đức, Nghiêm Xuân Yêm, Bùi Huy Đáp, Lã Xuân Đĩnh, Lê Văn Ngươn, Vũ Công Hậu, Trần Văn Hà… đã xuất bản thêm một tờ báo: Báo Toàn dân Canh tác - Cơ quan cổ động và hướng dẫn tăng gia sản xuất của Bộ Canh nông.

Báo Toàn dân Canh tác xuất bản số 1, ngày 1/12/1949. Ông Nghiêm Xuân Yêm – Thứ trưởng Bộ Canh nông làm Chủ nhiệm. Khuôn khổ 18x24cm (sang năm 1950 khuôn khổ 22x33). Xuất bản mỗi tháng 2 kỳ. In giấy bồi (đến năm 1952 in giấy dó). Phát hành rộng rãi trong ngành canh nông và các địa phương.

Trong bài “Mấy lời nói đầu”, đăng trên số đầu tiên viết:

Nhiệm vụ của Báo Toàn dân Canh tác:

- Một là, để cho nhân dân hiểu biết các chủ trương của Chính phủ về nông nghiệp và những việc cần phải làm trong giai đoạn chuẩn bị phản công và tổng phản công. Thí dụ: Mỗi gia đình trồng 200 gốc sắn, nuôi 10 con gà vịt để bán cho bộ đội.

- Hai là, để hướng dẫn cách thức trồng trọt và chăn nuôi của nhân dân cho hợp với khoa học. Giúp cho nhân dân tiến tới đủ ăn, đủ mặc. Thí dụ: Tăng năng suất ruộng, tăng diện tích chiêm và hoa màu, giữ gìn vệ sinh gia súc, chống nạn toi dịch.

- Ba là, để thêm tài liệu cho cán bộ trong công tác vận động nông dân. Thí dụ: Vận động nông dân dùng phân bón ruộng thì phải chỉ dẫn cho dân cách giữ phân thế nào cho tốt. Vận động nông dân tăng gia chăn nuôi thì cần phải chỉ dẫn cho dân cách giữ vệ sinh thế nào để chống nạn toi dịch…

- Bốn là, thâu lượm các kinh nghiệm về ý kiến của nhân dân trong việc trồng trọt, chăn nuôi, kinh nghiệm và ý kiến chuyên môn cũng như tổ chức.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Báo Toàn dân Canh Tác đã cổ động, hướng dẫn rộng rãi các chủ trương, biện pháp sản xuất trên 3 mặt: kinh tế, kỹ thuật và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi “Chương trình sản xuất chiến tranh” năm 1950, 1951. Đến năm 1952, 1953, Báo Toàn dân Canh tác tập trung tuyên truyền đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc, giảm tô, cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của ngành canh nông.

Trong giai đoạn 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (12/1946 – 5/1954), Báo Toàn dân Canh tác và Tập san Canh nông đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tăng gia sản xuất”, “Toàn dân tích cực thi đua canh tác chuẩn bị tổng phản công”, đưa sản xuất nông nghiệp trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thiếu thốn nhưng khắp nơi đều tăng được vụ, năng suất và sản lượng tăng gấp bội. Từ những thắng lợi to lớn trên mặt trận nông nghiệp, nạn đói đã được đầy lùi, chiến sỹ ngoài mặt trận đủ lương thực để chiến thắng thực dân Pháp xâm lược làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu ngày 7/5/1954.

Báo Nông nghiệp và Báo Nông lâm

Tháng 2/1955 Bộ Canh nông được đổi tên thành Bộ Nông lâm.

Bộ Nông lâm được Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa 2 giao nhiệm vụ: “Phải khôi phục sản xuất nông nghiệp để quyết vấn đề lương thực làm cơ sở cho việc khôi phục và phát triển công thương nghiệp. Phải khôi phục sản xuất nông nghiệp và nghề phụ ở nông thôn để nâng cao mức sống của người nông dân, do đó củng cố công nông liên minh” và nhiệm vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh giao: “Nguyện vọng của đồng bào nông dân là khi chưa có ruộng đất thì muốn có ruộng đất, khi đã có ruộng đất rồi thì muốn sản xuất nhiều để được ấm no. Muốn tăng gia sản xuất thì phải làm tập thể… Hiện nay ở nông thôn cần phải phát triển rộng khắp tổ đổi công, nó là hình thức thấp nhất, giản đơn nhất”. 

Kế thừa và phát huy Báo Toàn dân Canh tác và Tập san Canh nông, Tập san Nông lâm, Tạp chí Nông lâm lần lượt ra đời để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Sau đó được đổi tên thành Báo Nông nghiệp – Cơ quan hướng dẫn sản xuất nông lâm ngư nghiệp của Bộ Nông lâm và Báo Nông lâm – Cơ quan phổ biến kỹ thuật của Bộ Nông lâm. Chủ nhiệm là ông Nghiêm Xuân Yêm, Bộ trưởng Bộ Nông lâm.

Báo Nông lâm xuất bản 2 kỳ/tháng. Khuôn khổ 30x42. In tại nhà in Công tư hợp doanh Vũ Hùng, Văn Miếu, Hà Nội. Sau đó đổi khuôn khổ rộng hơn: 42x58 và tăng kỳ xuất bản lên 3 kỳ/tháng. In tại Nhà in Báo Nhân dân. Báo Nông nghiệp cũng xuất bản với số kỳ, khuôn khổ tương tự. Trụ sở của cả hai tờ báo đặt tại Bộ Nông lâm, Vườn Bách Thảo, Hà Nội.

Cuối năm 1960 Bộ Nông lâm tách thành Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Thủy sản và Tổng cục Lâm nghiệp. Báo Nông lâm (của Bộ Nông lâm cũ) và một số tờ báo khác về nông nghiệp như Tập san Nông thôn (cơ quan của Ban Công tác nông thôn Trung ương Đảng), báo Nhân dân Nông thôn (cơ quan của Trung ương Đảng) được nhập vào Báo Nông nghiệp – Cơ quan của Bộ Nông nghiệp. Chủ nhiệm là ông Phan Văn Chiêu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Báo Nông nghiệp thời kỳ này xuất bản 4 kỳ/tháng. Khuôn khổ 42x52. In tại nhà in Báo Nhân dân. Phát hành 20.000 bản/kỳ. Trụ sở đặt tại Vườn Bách Thảo, Hà Nội.

Báo Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp và Báo Nông nghiệp

Đầu năm 1963, trước tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam có nhiều biến chuyển, theo nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ có thể xảy ra ở miền Bắc. Trước tình hình đó, Báo Nông nghiệp được đổi tên thành Báo Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp.

Báo Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp có khổ nhỏ hơn: 13x19, có bìa cứng (có thể bỏ túi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc trong hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Xuất bản 2 kỳ/tháng. In tại nhà in Báo Nhân dân. Trụ sở vẫn đặt tại Vườn Bách Thảo, Hà Nội. Đến năm 1968, do điều kiện thuận lợi hơn, Báo Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp in khổ rộng hơn: 32x42.

Nội dung của Báo tương tự như Báo Nông nghiệp trước đây, nhưng đi sâu hơn vào phần khoa học kỹ thuật nông nghiệp, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho nông nghiệp để đảm bảo năng suất lao động, diện tích và sản lượng lương thực trong thời chiến. Đồng thời tập trung tuyên truyền thực hiện 3 mục tiêu: “5 tấn thóc, 2 đầu lợn, 1 lao động/ha gieo trồng trong một năm...”.           

Tháng 4/1971, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường và Ban quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Báo Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp được đổi trở lại tên Báo Nông nghiệp – Cơ quan của Ủy ban Nông nghiệp Trung ương. Tòa soạn và Trị sự đóng tại Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Xuất bản 2 kỳ/tháng. 4 trang. Khuôn khổ 30x42. Báo Nông nghiệp tiếp tục lấy số từ khi xuất bản tờ Báo Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp năm 1963.

Năm 1976, thực hiện nhiệm vụ mới, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương được đổi tên lại thành Bộ Nông nghiệp. Báo Nông nghiệp trở về với Bộ chủ quản cũ là Bộ Nông nghiệp. Số kỳ, số trang, khuôn khổ vẫn như cũ. Trụ sở đóng tại Bộ Nông nghiệp, Vườn Bách Thảo, Hà Nội.

Báo Nông nghiệp xuất bản đến số 27 (613), năm thứ XXV, ngày 25/9/1987. 

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 xác định đổi mới toàn diện. Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng VI, để phù hợp với tình hình mới, tháng 2/1987 Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 Bộ: Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp thực phẩm.

Ngày 30/5/1987 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Nguyễn Công Tạn ký Quyết định số 89/NN-CNTP/QĐ thành lập Báo Nông nghiệp Việt Nam – Cơ quan của ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm trên cơ sở hợp nhất Báo Nông nghiệp (của Bộ Nông nghiệp cũ) và Báo Lương thực (của Bộ Lương thực cũ). 

Trong số báo đầu tiên với tên gọi Báo Nông nghiệp Việt Nam xuất bản ngày 10/10/1987, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Nguyễn Công Tạn viết bài “CÙNG BẠN ĐỌC THÂN MẾN”:

Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đã được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba Bộ: Nông nghiệp, Công nghiệp thực phẩm và Lương thực.

Ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm đã trở thành một ngành kinhh tế lớn, bao gồm hàng chục triệu người là những nông dân, công nhân nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, nhân viên lưu thông phân phối lương thực và nông sản cùng đông đảo cán bộ quản lý khoa học kỹ thuật từ Trung ương đến địa phương và cơ sở.

Với vinh dự to lớn và trách nhiệm nặng nề, đội ngũ ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận “nông nghiệp hàng đầu”, góp phần xứng đáng vào thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Báo Nông nghiệp Việt Nam  với tiếng nói chung của ngành ta, phục vụ bạn đọc là những cán bộ và đông đảo lao động đang hoạt động trong mọi ngành sản xuất, công tác của ngành và tất cả bạn đọc quan tâm đến nông nghiệp – lương thực và công nghiệp thực phẩm.

Tờ báo sẽ mang đến các bạn những chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp – lương thực và công nghiệp thực phẩm, cùng các chủ trương của Ngành; trao đổi, phổ biến kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến; góp phần đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong ngành; đưa những thông tin về quản lý, sản xuất và khoa học kỹ thuật…

Từ đó góp phần thiết thực vào công cuộc đấu tranh chung của toàn Đảng, toàn dân ta nhằm tạo ra những chuyển biến mới về nông nghiệp, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết của BCH TƯ Đảng”.

Từ ngày thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện cho đến nay, Báo Nông nghiêp Việt Nam – Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn đàn vì sự phát triển và nâng cao dân trí nông thôn luôn là cơ quan báo chí đi đầu trong việc tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn như khoán 10, khoán 100, đổi mới hoạt động của HTX… vào cuộc sống; là cơ quan tuyên truyền có tính định hướng, hướng dẫn dư luận; phổ biến, hướng dẫn tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi và vật tư nông nghiệp mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị.

Góp phần đưa Việt Nam từ một nước thường xuyên thiếu và đói, hàng năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực của nước ngoài, đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng nông nghiệp như gạo, cà phê, thủy sản, cao su, hồ tiêu… Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm sau tăng hơn năm trước: Năm 1986, đạt 400 triệu USD. Năm 2007 đạt tới 12 tỷ USD, tăng gấp 30 lần. Năm 2014 đạt trên 30 tỷ USD.

Đặc biệt trong 5 năm qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phát huy truyền thống tốt đẹp cùng với sự nỗ lực cố gắng của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, năng động, sáng tạo, linh hoạt trong cơ chế thị trường để bám sát đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là Nghị quyết 26-NQ/TƯ của BCH TƯ Đảng khóa X về nông nghiệp – nông dân – nông thôn; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của ngành, địa phương về nông nghiệp và phát triển nông thôn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đề ra.

Điều đó đã đưa Báo Nông nghiệp Việt Nam trở thành cơ quan báo chí có thời lượng tuyên truyền, mật độ tuyên truyền, định hướng và hướng dẫn dư luận về lĩnh vực nông nghiệp - nông dân – nông thôn lớn, mang lại hiệu quả thiết thực nhất trong trong nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay; ngày càng có uy tín với bạn đọc và có sự lan tỏa ngày càng sâu rộng; thực sự là người bạn đồng hành cùng nông nghiệp – nông dân – nông thôn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước những năm qua gặp nhiều khó khăn, hoạt động báo chí nói chung cũng gặp nhiều khó khăn, không hoàn thành nhiệm vụ chính trị tuyên truyền cơ quan chủ quản giao nhưng Báo Nông nghiệp Việt Nam tự chủ hoàn toàn về tài chính, luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch, mục tiêu tăng trưởng đề ra, năm sau luôn cao hơn năm trước, nhờ bộ máy tinh gọn, hiệu quả và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển đúng đắn, tạo tiền đề vững chắc để Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định, bền vững trong những năm tiếp theo.

Đó là sự ghi nhận xứng đáng đối với Báo Nông nghiệp Việt Nam trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển; là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ làm Báo Nông nghiệp Việt Nam, là động lực để Báo Nông nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị tuyên truyền Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, xứng đáng với sự tin tưởng Đảng, Nhà nước và đông đảo bà con nông dân; xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Báo Tấc Đất sẽ chỉ bảo cho anh em chị em nhà nông làm thế nào cho nông nghiệp mau chóng tiến bộ. Sự chỉ bảo của Báo Tấc Đất cũng quý hóa như Tấc Vàng”, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về nông nghiệp – nông dân – nông thôn, mở đường phát triển cho một nền kinh tế nông nghiệp quốc gia hưng thịnh sau này, xây dựng nước Việt Nam dân giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Chủ nhiệm, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam qua các thời kỳ (từ tháng 12/1945 đến nay):

1. Ông Hoàng Văn Đức, kỹ sư nông học, Tổng Giám đốc Nha nông chính, Bộ Canh nông: Chủ nhiệm, kiêm chủ bút Báo Tấc Đất, Tập san Canh nông, Tập san Nông lâm.

2. Ông Nghiêm Xuân Yêm, Thứ trưởng Bộ Nông lâm: Chủ nhiệm Báo Toàn dân Canh tác; ông Trần Văn Hà, bác sỹ thú y, Trưởng phòng Tuyên truyền Bộ Nông lâm: Chủ bút Báo Toàn dân Canh tác.

3. Ông Bùi Huy Đáp, Phó Tổng Giám đốc Nha nông chính: Chủ nhiệm Báo Toàn dân Canh tác (từ năm 1951); ông Vũ Ngọc Tuyên, kỹ sư nông học, Trưởng phòng Tuyên truyền Bộ Nông lâm: Chủ bút Báo Toàn dân Canh tác (từ 1951).

5. Ông Phan Văn Chiêu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp.

6. Ông Lê Đức Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Hưng Yên: Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp (từ năm 1960).

7. Ông Nguyễn Văn Lộc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Chủ nhiệm Báo Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp; Ông Bùi Huy Đáp, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp: Tổng Biên tập Báo Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp.

8. Các ông Bùi Huy Đáp, Viện trưởng Viện khoa học nông nghiệp; Đường Hồng Dật; Trần Khải, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp; Trần Đình Miên, GS. Nông học lần lượt là Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp từ năm 1971 đến 10/1987.

9. Ông Lê Ngọc Cẩm, nguyên Phó Giám đốc Công ty vật tư, Bộ Lương thực cũ: Quyền Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam.

10. Ông Lê Nam Sơn, cử nhân Văn khoa: Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam (12/1991 đến tháng 2/2013).

11. Ông Nguyễn Mạnh Thường, Th.S Ngôn ngữ: Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam từ tháng 3/2013 đến nay. 

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất