Tại Hải Phòng, có 2 tuyến sông tự nhiên được chỉnh trị thành công trình thuỷ lợi là sông Đa Độ và hồ Sông Giá. Hiện tại, sông Đa Độ đang cấp nước cho diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 23.000ha, cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước sạch với sản lượng 35 triệu m³/năm. Sông Giá cấp nước cho 6.000ha đất canh tác nông nghiệp và khoảng 30 triệu m³ nước thô mỗi năm cho sản xuất nước sạch và công nghiệp trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.
Trước thực trạng suy giảm chất lượng và ô nhiễm nguồn nước từ hàng loạt các yếu tố chủ quan lẫn khách quan, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành phương án bảo vệ nguồn nước tại sông Đa Độ và sông Giá với giải pháp trọng tâm. Đồng thời giao cho Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, UBND các quận, huyện: Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Kiến An tùy theo chức năng, nhiệm vụ để triển khai hiệu quả.
UBND thành phố Hải Phòng đánh giá, có 3/8 nhiệm vụ cần sớm xây dựng kế hoạch chi tiết để phê duyệt thực hiện. Cùng với đó là đề xuất nguồn vốn triển khai cấp bách trong năm 2024-2025 đối với các công trình thu gom chuyển hướng tiêu thoát nước của khu dân cư, làng nghề, khu cụm công nghiệp nằm tiếp giáp với sông Đa Độ, sông Giá tập trung về kênh cấp 1 để tiêu thoát ra sông tự nhiên.
Trong 3 nhiệm vụ cần xây dựng kế hoạch chi tiết, Sở NN-PTNT Hải Phòng là đơn vị được giao tổ chức thực hiện. Đầu tiên là nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch chi tiết việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống điều tiết đầu kênh cấp 1, xây dựng công trình thu gom để tập trung nước mưa chảy tràn trong lưu vực về các tuyến kênh cấp 1 có kết nối với cống qua đê để tiêu thoát ra sông tự nhiên.
Tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng công trình cống đầu kênh cấp 1 kết nối với sông Đa Độ và sông Giá. Cụ thể việc xây dựng mới, hoặc sửa chữa, nâng cấp đảm bảo yêu cầu trữ nước trong sông, đồng thời chủ động trong việc điều tiết hoạt động cấp nước, tiêu thoát nước từ kênh cấp 1 vào nguồn nước trong sông.
Nghiên cứu đầu tư xây dựng các trạm bơm tiêu cưỡng bức ra các sông tự nhiên đối với các tuyến kênh tiêu thoát nước cho khu, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung hiện đang tiêu thoát vào sông Đa Độ và sông Giá.
Thứ hai là lập kế hoạch chi tiết việc đầu tư xây dựng các công trình đầu mối đã xuống cấp và nạo vét lòng sông kết hợp với đắp hoàn thiện bờ sông Đa Độ, sông Giá để tăng cường khả năng lấy nước nhanh, tiêu nhanh thau chua rửa mặn, thau đảo nguồn nước, tăng cường khả năng trữ nước trong hệ thống vào mùa khô và ngăn nước mưa chảy tràn có chứa các chất thải bề mặt ô nhiễm, nước thải từ sản xuất nông nghiệp có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chảy tràn vào nguồn nước trong sông.
Cuối cùng là xây dựng kè bảo vệ bờ, kết hợp rãnh thu gom nước mưa về các tuyến kênh cấp 1, tách riêng nước thải để thu gom về hệ thống xử lý và xây dựng tường chắn thay thế cho bờ kênh kết hợp rào bảo vệ tại các đoạn sông có nguy cơ sạt lở; đoạn sông tiếp giáp với khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước; đoạn sông tiếp giáp với đường giao thông hoặc công trình hạ tầng khác có cao độ thấp hơn cao độ bờ thiết kế nhưng không đủ điều kiện để đắp hoàn thiện bờ đất.
Theo quyết định của UBND thành phố Hải Phòng, hiện nay, sông Đa Độ và sông Giá đều là tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã được tính vào thành phần vốn doanh nghiệp.