| Hotline: 0983.970.780

Chợ đầu mối trái cây quốc gia chết yểu

Thứ Tư 28/03/2012 , 11:05 (GMT+7)

Hàng loạt chợ đầu mối trái cây tầm cỡ quốc gia tại VN sớm chết yểu. Tại ĐBSCL, một số khu chợ đầu mối trái cây được xây dựng rất hoành tráng, nhưng thực tế khi đưa vào khai thác thì chẳng phải để giao dịch trái cây, quay đi quay lại đã bị người ta “hô biến” thành các tiệm tạp hóa hay bến xe chở khách…

Hàng loạt chợ đầu mối trái cây tầm cỡ quốc gia tại VN sớm chết yểu. Tại ĐBSCL, một số khu chợ đầu mối trái cây được xây dựng rất hoành tráng, nhưng thực tế khi đưa vào khai thác thì chẳng phải để giao dịch trái cây, quay đi quay lại đã bị người ta “hô biến” thành các tiệm tạp hóa hay bến xe chở khách…

>> Mon men ra ''biển lớn'' đã... nát bươm !
>> Đánh vật với tiêu chuẩn

TAN HOANG CHỢ ĐẦU MỐI QUỐC GIA!

Trung tâm Thương mại trái cây quốc gia (TTTMTCQG, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, Tiền Giang) có tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng, được xây dựng hoành tráng khu nhà lồng chợ sỉ rộng 10.000 m2, kho làm mát có sức chứa 9.000 tấn được lắp đặt dây chuyền đóng gói, bảo quản trái cây sau thu hoạch; cầu cảng rộng 3.000 m2 có thể tiếp nhận một lúc 500 ghe, tàu (tải trọng 10 tấn trở lên)… Ngoài ra, còn có thêm 7 ha đất gần TTTMTCQG được chủ đầu tư thuê để lập nhà máy chế biến trái cây dạng sấy khô, đóng hộp cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Họ hy vọng đây là cách tiêu thụ tốt nhất nguồn cây trái quanh năm của bà con các tỉnh trong tình hình còn chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu quy mô lớn. Sau 6 năm hoàn thành (năm 2006), hiện TTTMTCQG lớn nhất ĐBSCL này hoạt động ra sao?


Khu vực cầu cảng TTTMTCQG rộng 3.000 m2 có thể tiếp nhận 500 ghe tàu, giờ bỏ hoang phế!

Chúng tôi đến TTTMTCQG vào những ngày giữa tháng 3/2012 và không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh “chợ” vắng hoe, khoảng sân rộng và những con đường dẫn vào đỏ rực những mảng ớt phơi khô. Trong siêu thị trái cây rộng 10.000 m2 chật kín những gian hàng tạp hóa, hàng gia dụng, quầy bánh kẹo, quần áo trưng bày để phục vụ bán cho hành khách đi xe đò tranh thủ ghé trạm dừng chân mua sắm. Mang tiếng là siêu thị trái cây nhưng nơi này chỉ có 5 gian hàng bày bán trái cây kèm tạp nhạp đủ thứ mặt hàng.

Chị Mai, chủ một quầy trái cây, than vãn: “Chuyện bán buôn hàng trái ở đây nếu vào dịp lễ tết mỗi ngày cũng chỉ được vài triệu đồng, còn ngày thường chỉ bán được vài trăm ngàn là cùng...!”. Một số chủ quầy sạp bán ở đây khẳng định, do siêu thị chưa lắp máy điều hòa nhiệt độ nên trái cây đưa vào bày bán chỉ sau 2 ngày là rụng cuống, xuống màu, héo quắt. Tuy giá bán trái cây không cao nhưng cũng rất ít khách mua khiến cảnh quầy sạp càng đìu hiu. Chán nản, họ lại quay về nếp mua bán trái cây nhỏ lẻ cũ đã thành nếp quen và hiệu quả hơn. Nhiều điểm thu mua trái cây đã hình thành phát triển hàng chục năm nay dọc theo quốc lộ ở Hòa Khánh, Mỹ Đức Tây, Tân Thanh, An Hữu... được thương lái dựng làm vựa tiếp tục phát triển rầm rộ đã làm tê liệt TTTMTCQG lớn nhất vùng ĐBSCL.

Cũng vì thực trạng buôn bán ế ẩm, siêu thị bán lẻ trái cây sớm trở thành... siêu thị mắm Trí Hải - giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất mắm ruốc nổi tiếng đến từ huyện Long Đất (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhưng chẳng bao lâu khu vực này lại tiếp tục thay đổi trở thành trạm dừng chân của hãng xe khách Phương Trang. Ngay ngoài cổng chính, hàng chục chiếc xe khách Phương Trang đậu kín lối đi, còn bên trong trung tâm là quán ăn hoành tráng với hàng trăm chiếc bàn được Cty này xếp kín để phục vụ khách đi xe. Chúng tôi tiếp tục rảo bước một vòng trong khuôn viên trung tâm, chỉ thấy duy nhất một chiếc xe tải vào “ăn” bưởi tại một khu nhà lụp xụp kế siêu thị. Trên sân khắp nơi cỏ cây đã nhuốm màu hoang hóa. Còn tại khu vực hệ thống cảng, kho vựa của TTTMTCQG cũng luôn trống vắng. Trên bến, dưới sông chẳng một bóng người hay thuyền chở trái cây qua lại. Một vài cái võng đang đong đưa theo gió, bên cạnh gần chục hệ thống băng chuyền đã gỉ sét chuẩn bị mục nát theo những cây cột kèo, in bóng xuống nền xi măng như những… bóng ma!

Theo Ban điều hành quản lý TTTMTCQG, doanh thu mỗi ngày của khu siêu thị trái cây quá ít, không đủ tiền thanh toán chi phí điện thắp sáng. Nếu không có giải pháp cho thuê kịp thời thì chẳng bao lâu toàn bộ khu chợ trái cây này sẽ chết yểu như nhiều khu chợ khác…


TTTMTCQG tại Tiền Giang trở thành bến xe khách Phương Trang

Chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp (ấp 2, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) có tổng vốn đầu tư xây dựng và thiết bị khoảng 19 tỷ đồng, diện tích xây dựng 5ha gồm kho lạnh, trung tâm xử lý bảo quản trái cây tươi, khu nhà lồng, cơ sở chế biến, hệ thống rửa, sấy trái cây tự động, khu vực nhà nghỉ - ăn uống - giải trí… Nhưng 6 năm chính thức đi vào hoạt động (năm 2006), đến nay khu chợ trái cây này cũng bị “hô biến” thành nơi bán đủ loại tạp hóa!

Toàn bộ khu nhà lồng chợ xây dựng hoành tráng nhưng các gian hàng trái cây đến nay đều đóng cửa im ỉm, vắng teo không một bóng khách hàng ra vào giao dịch, mua bán. Thay vào đó chỉ là các tiệm tạp hóa bán đủ loại đồ tiêu dùng, thuốc tây “đóng chốt” tại bốn góc khu nhà lồng chợ trái cây và một vài hàng tạp hoá bên ngoài hành lang.

Một chủ hàng tạp hoá đang bán ở đây cười nói: “Họ cho xây chợ nhưng không bán được trái cây thì phải cho thuê là đúng thôi, nếu không lại phải đập bỏ, hàng chục tỷ đồng chứ bộ! Còn cho thuê, nhiều người có việc làm, bà con muốn mua đồ tiêu dùng gì, cứ ra đây là có tất…!”. Chị này còn kể, trước kia chị cũng đăng ký vào đây bán trái cây tươi nhưng chỉ được thời gian đầu, dần dần chợ bắt đầu vắng như chùa Bà Đanh. Hàng trái trưng bán trong khu nhà lồng chợ nhưng ế ẩm, bị lỗ, không đủ tiền trả các khoản thuế chợ. Do vậy, các chủ vựa nản, buộc phải trả lại gian hàng cho BQL, rồi ôm hàng trái ra dọc đường bán.


Ngôi nhà của BQL TTTMTCQG tại Tiền Giang rêu phong, u buồn vì chợ trái cây sớm “chết yểu”.

Thực tế đến nay nhiều chủ vựa trái cây đã “dạt” ra ngoài mé sông thuê mặt bằng để làm hàng trái. Anh Nguyễn Văn Thuộc, chủ cơ sở thu mua trái cây Sáu Thuộc (ấp 1, xã Mỹ Hiệp, Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết, đã phải thuê nền đất quá nhỏ (12m x 24m), trong khi nghề này cần phải có mặt bằng rộng mới đủ làm hàng trái. “Mặt bằng như vậy đâu đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của chúng tôi” - anh Thuộc nói.

Tương tự, chủ vựa trái cây Trần Tải, chuyên thu mua nhãn tiêu xuất khẩu Trung Quốc cũng cho rằng, chợ đầu mối ngoài việc xây dựng các gian hàng với quy mô rộng, còn cần phải có chính sách hỗ trợ hay bổ sung thêm một số dịch vụ phụ, phục vụ tại chỗ mới hoạt động hiệu quả và thu hút được khách hàng. Nhiều người kinh doanh trái cây khẳng định, họ cứ ra men quốc lộ mở vựa bán còn khoẻ hơn vì giá thuê rẻ, mặt bằng rộng, khách hàng lại ưng ý vì tiện lợi hơn. Điều này cũng giải thích tại sao chợ trái cây này nhanh chóng “chết yểu” ngay khi mon men gom các vựa trái cây lại tính chuyện làm ăn lớn!

Theo BQL chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp, mặc dù BQL chợ đã lấy ý kiến của rất nhiều cơ quan, viện, trường trước khi đầu tư xây dựng chợ nhưng cũng không thể lường hết được mọi khả năng có thể xảy ra. Đồng thời, cũng biết việc cho các đơn vị không kinh doanh trái cây vào thuê bán ngay trong chợ đầu mối là nghịch lý, nhưng trước nhu cầu thực tế và do khai thác khu nhà lồng chợ không hiệu quả nên đành phải chọn giải pháp bất đắc dĩ này!

Xem thêm
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 626 USD/tấn

Theo các chuyên gia, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục năm 2023.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.