| Hotline: 0983.970.780

Agribank cho vay mới không có bảo đảm dù còn nợ và tài sản bị cuốn trôi

Thứ Hai 16/09/2024 , 21:16 (GMT+7)

Lãnh đạo Agribank cho rằng, ngoài nguồn lực của ngân hàng rất cần sự đồng bộ chính sách như giảm thuế, giảm phí bảo hiểm… để bà con mau chóng hồi phục sau bão lũ.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank

Cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất, tiếp tục cho vay mới… đó là những động thái tích cực, đầy trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trước những mất mát do bão lũ gây ra cho đồng bào và khách hàng của mình tại các tỉnh phía Bắc. Trong đó, Agribank là một trong những ngân hàng tiên phong ngay từ đầu đã vào cuộc chia sẻ với đồng bào.

Agribank nỗ lực tối đa chia sẻ với đồng bào

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay, cơn bão số 3 đã gây ra ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và khu vực Hà Nội. Theo thống kê sơ bộ ban đầu của Agribank, đến nay có khoảng 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Dư nợ bị ảnh hưởng ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng. Hiện Agribank vẫn đang tiếp tục thống kê và con số có thể tăng lên, vì còn rất nhiều khu vực giao thông bị chia cắt, mất điện, mất liên lạc…

Cũng theo bà Bình, ngay sau khi bão tan, lãnh đạo Agribank đã cắt cử phân công lãnh đạo chủ chốt tức tốc lên đường kiểm tra tình hình thực tế, kịp thời chia sẻ với các Chi nhánh, bàn giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho khách hàng một cách thiết thực nhất, nhanh nhất.

Đoàn công tác của Agribank do đồng chí Phạm Toàn Vượng, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc dẫn đầu đã đến động viên, chia sẻ cùng cán bộ, người lao động, hỗ trợ các Chi nhánh Agribank trên địa bàn TP Hải Phòng sau khi cơn bão số 3 càn quét qua; đồng thời đề nghị các đơn vị tại trụ sở chính và các Chi nhánh phối hợp khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định ngay hoạt động.

Lãnh đạo Agribank yêu cầu các Chi nhánh trên địa bàn chủ động liên hệ khách hàng vay vốn, nắm bắt thiệt hại để kịp thời có các giải pháp hỗ trợ phù hợp; Công ty Bảo hiểm ABIC kịp thời nắm bắt thông tin và thực hiện các thủ tục bồi thường thiệt hại cho khách hàng; các Chi nhánh chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão…

Bài liên quan

Các đồng chí Phó TGĐ cũng đã đến các điểm thiệt hại nặng nề ở Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình… để kiểm tra và chỉ đạo các Chi nhánh tập trung thống kê thiệt hại của khách hàng vay vốn và đề xuất, triển khai những chính sách hỗ trợ kịp thời để khách hàng sớm ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Trả lời câu hỏi, trước những thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra cho các tỉnh phía Bắc như vậy thì Agribank sẽ có những chính sách hỗ trợ khách hàng ra sao? Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, Agribank triển khai ngay các giải pháp miễn giảm lãi, cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay mới… để hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Thưa bà, nhiều khách hàng gần như mất trắng, có hoàn cảnh mất cả người và toàn bộ tài sản, liệu cho vay tiếp có gỡ gạc được gì không?

Agribank là ngân hàng chủ lực đầu tư vào thị trường nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì đối tượng chúng tôi hướng đến ưu tiên vẫn là nhóm “tam nông”. Không chia sẻ một cách thiết thực nhất lúc này với đồng bào, với khách hàng thì không biết lúc nào mới làm tròn được sứ mệnh của mình. Vì thế, chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để có các giải pháp, có các gói phù hợp cho khách hàng lựa chọn.

Do đó, ngoài những chính sách mà Agribank đang áp dụng, trong cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên diện rộng thì sẽ hướng dẫn khách hàng xác định thiệt hại, cùng với chính quyền địa phương để hoàn thiện hồ sơ, để chúng tôi có thể tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quyết định khoanh nợ cho khách hàng.

Ngập lụt ở Phú Thọ do hoàn lưu bão số 3. Ảnh: Hồng Thắm

Ngập lụt ở Phú Thọ do hoàn lưu bão số 3. Ảnh: Hồng Thắm

Agribank sẽ giảm lãi suất từ 0,5 - 2%

Trước khi bàn đến các quyết sách mới cho vay tiếp, bà có thể nói rõ hơn về chính sách miễn, giảm lãi suất của Agribank để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh này?

Hiện nay, khách hàng đang chịu những mức độ thiệt hại khác nhau, có những khách hàng bị thiệt hại toàn bộ, có những khách hàng bị thiệt hại một phần, có những khách hàng bị ảnh hưởng… Agribank dự kiến ngay trong tuần tới sẽ giảm lãi suất từ 0,5 - 2% trên lãi suất đang áp dụng để hỗ trợ khách hàng, tùy theo mức độ thiệt hại.

Còn đối với việc cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ hay là giãn nợ cho khách hàng… thì Agribank thực hiện như thế nào, thưa bà?

Hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng như Agribank đang áp dụng Thông tư 11 của NHNN (nay là Thông tư 31) về cơ cấu nợ cho khách hàng, chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55 và Thông tư 02…

Tuy nhiên, với bối cảnh thiên tai bất thường hiện nay, chắc chắn cần phải có chính sách phù hợp hơn. Đơn cử, Thông tư 02/2023/TT-NHNN có sửa đổi về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, được áp dụng đến ngày 31/12/2024 và áp dụng cho các khoản giải ngân trước ngày 24/4/2023 thì cần điều chỉnh phù hợp trong điều kiện hiện nay, do những khoản vay giải ngân sau 24/4/2023 không được áp dụng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Những thứ tuy nhiên, những điều áp dụng sau điều chỉnh này chắc chắn là rất đang nóng ngay trong chính các tổ chức tín dụng và nhất là các khách hàng vay vốn. Cùng với việc dồn toàn lực cho khắc phục hậu quả, thống kê thiệt hại, tập hợp các nhóm nợ thì rõ ràng, khách hàng đang khát khao các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Agribank – đơn vị chủ lực thị trường tín dụng “tam nông” tập trung cao độ nhất để kịp thời tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để sớm có các Quyết định nhanh nhất giải quyết ngay và luôn các điểm nghẽn trên hòng “thông chốt” cho các chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nói trên, phải vậy không thưa bà?

Đúng là như vậy! và chúng tôi cũng đang nỗ lực cao nhất.

Đất đá trên núi sạt lở làm lấp nhiều nhà và người dân ở Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai. Ảnh: NNVN

Đất đá trên núi sạt lở làm lấp nhiều nhà và người dân ở Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai. Ảnh: NNVN

Thưa bà, việc gia hạn nợ có ý nghĩa thế nào đối với khách hàng? Và nếu người dân muốn được vay thêm để sản xuất, kinh doanh (trong khi khoản vay cũ vẫn còn) thì Ngân hàng có đáp ứng không? Đối với những khách hàng không còn nguồn tài sản thế chấp thì việc cho vay mới được thực hiện như thế nào?

Việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ giúp khách hàng kéo dài được thời hạn vay, phù hợp với nguồn thu của khách hàng, để khách hàng có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, có nguồn thu và có thể trả nợ cho ngân hàng.

Trong trường hợp bà con đang có dư nợ tại Agribank, không may bị mất hết tài sản nhưng muốn tiếp tục vay thêm khoản mới thì Agribank hoàn toàn có quyền cho vay không có bảo đảm, tất nhiên chúng tôi phải quản lý và có cơ sở về nguồn thu của khách hàng. Song, mức vay và thời hạn vay chúng tôi sẽ dựa trên tình hình cụ thể, tính khả thi của phương án cho vay và nguồn thu của từng đối tượng để quyết định. Quan điểm như lúc nãy tôi đã nói đó là sẽ làm những gì tốt nhất cho người dân và khách hàng, nhất là nhóm khách hàng bị thiệt hại nặng nề nhất do bão lũ gây ra mới đây ở các tỉnh phía Bắc.

Câu hỏi cuối cùng muốn được đặt ra cho bà là, sau mỗi sự cố thiên tai, môi trường hay dịch bệnh thường sẽ có rất nhiều tình huống/trường hợp đặc biệt xảy ra. Làm thế nào để có chính sách hỗ trợ người dân một cách hiệu quả nhất?

Sau cơn bão số 3 vừa qua, có nhiều trường hợp/tình huống khác nhau xảy ra, ngoài nguồn lực từ các ngân hàng thì cũng cần các nguồn lực, sự đồng bộ chính sách của Nhà nước như giảm thuế, giảm phí bảo hiểm… để giúp bà con mau chóng hồi phục, yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Vâng, một lần nữa xin trân trọng cảm ơn bà!

(thực hiện)

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.