Sự cần thiết của thực đơn dinh dưỡng
Theo kết quả nghiên cứu, Việt Nam hiện vẫn phải đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng, từ suy dinh dưỡng đến thừa cân béo phì. Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở cả trẻ em khu vực nông thôn và thành phố.
Ông Tatsuo Ebi, Giám đốc Cty Ajinomoto Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030.
Tuy nhiên, các trường tiểu học bán trú còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức bữa ăn do còn hạn chế về kiến thức dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn sao cho vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa phù hợp chi phí thu hàng tháng.
Để góp phần thay đổi thực trạng này, Cty Ajnomoto Việt Nam phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ GD- ĐT đã cho ra đời phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp dụng cho các trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú trên toàn quốc.
Sở GD-ĐT các tỉnh/thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường triển khai áp dụng phần mềm sao cho phù hợp với điều kiện của mỗi trường tại từng địa phương khác nhau.
Áp dụng hiệu quả vào thực tế
Kể từ khi được phê duyệt cho đến nay, dự án được triển khai thành công sử dụng phần mềm trong công tác chuẩn bị thực đơn cho học sinh ở 26 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Ông Tatsuo Ebi, Giám đốc Cty Ajinomoto Việt Nam cho biết: “Ajinomoto đã có mặt tại Việt Nam 25 năm với mong muốn cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn góp phần cùng giải quyết các vấn đề xã hội về dinh dưỡng và phát triển thể chất cho trẻ em Việt Nam.
Mặc dù nhà trường và quý thầy cô đã cố gắng giáo dục và chuẩn bị cho trẻ về các kiến thức dinh dưỡng, nhưng việc nhận biết ở các em còn rất hạn chế. Bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi mong muốn cung cấp bộ thực đơn đa dạng, ngon miệng, cân bằng dinh dưỡng cho các trường tiểu học bán trú, thông qua việc sử dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc Dự án bữa ăn học đường”.
Ông Tatsuo Ebi cũng khẳng định, để triển khai dự án tại An Giang, Ajinomoto đang phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh triển khai dự án đến tất cả các trường tiểu học, theo hai bước.
Thứ nhất, tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin về dự án, cách thức triển khai dự án và giới thiệu về cách sử dụng phần mềm. Thứ hai, cử nhân viên của Ajinomoto Việt Nam trực tiếp đến từng trường học để giới thiệu và hướng dẫn rõ ràng hơn cho quý thầy cô về cách thức sử dụng phần mềm một cách thành thạo nhất.
Dự án bữa ăn học đường gồm những nội dung chính: phát hành bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng; cung cấp bộ minh họa và áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” giúp học sinh nhận biết giá trị dinh dưỡng và lợi ích của thực phẩm đối với sức khỏe; xây dựng mô hình mẫu bếp ăn bán trú tại một số trường tiểu học để các trường tham quan, học tập, ứng dụng và phát triển phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng.
Cô Lã Thị Kim Thành, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học A Cái Dầu (thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) đánh giá: “Đây là lần đầu tiên trường được Ajnomoto hướng dẫn triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn học đường, chúng tôi thấy thiết thực và rất ý nghĩa vì nó mang tính khoa học.
Nếu thực hiện theo phần mềm thì chắc chắn hiệu quả rất cao vì thực đơn có tới 360 món ăn của 3 vùng miền, đảm bảo dinh dưỡng và ngon miệng cho học sinh. Riêng trường tiểu học A Cái Dầu là vùng nông thôn, nhà trường có 29 lớp trong đó có 5 lớp bán trú, trường sẽ thay đổi thực đơn món ăn dinh dưỡng cho phù hợp nhất đối với các em”.
Theo ý kiến các chuyên gia, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: “Phần mềm đã xây dựng được các bữa ăn hợp khẩu vị, bộ thực đơn đa dạng và phong phú về thực phẩm, phù hợp với từng vùng miền, thuận lợi cho các trường tiểu học có bán trú thực hiện. Chúng tôi đánh giá cao Cty Ajinomoto Việt Nam đã cùng Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế triển khai dự án cũng như hỗ trợ hiệu quả hoạt động này”. Còn TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD-ĐT nhận định: “Đây là một dự án mới và rất có ý nghĩa cho xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề của ngành giáo dục trong công tác tổ chức bữa ăn bán trú hiện nay”. |