| Hotline: 0983.970.780

An ninh dinh dưỡng gắn liền với tái cấu trúc ngành nông nghiệp

Thứ Ba 31/10/2023 , 16:42 (GMT+7)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, an ninh dinh dưỡng sẽ giúp định hướng đúng về tái cấu trúc ngành nông nghiệp, thay đổi được cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quốc hội.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quốc hội.

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đã trình bày quan điểm về an ninh dinh dưỡng, gắn với đó là vấn đề tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra một số chính sách quốc gia nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng bên cạnh các chính sách về an ninh lương thực.

“Như Chỉ thị số 46 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới nhằm bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tuổi thọ, chất lượng dân số, tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam”, đại biểu đoàn Hải Dương nói trước Quốc hội nhưng cho rằng trong báo cáo của Chính phủ trình bày tại kỳ họp chưa đề cập nhiều đến vấn đề này.

Qua nghiên cứu tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng dinh dưỡng, cần đặc biệt quan tâm đó là tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%, trong đó vùng miền núi là 38%.

Đại biểu cho biết, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em có xu hướng tăng nhanh ở vùng thành thị và các thành phố lớn (trên 40%), tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng còn cao, thiếu kẽm ở trẻ em là 50%, thiếu máu hơn 20% và thiếu vitamin A ở ngưỡng sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó là sự gia tăng của rối loạn chuyển hóa liên quan đến dinh dưỡng, về tim mạch, về tiểu đường, về cao huyết áp. Tỷ lệ người cao tuổi suy dinh dưỡng và nguy cơ suy dinh dưỡng ở cộng đồng là 57,9%, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh viện là 64,7%.

“Thực tế, nước ta vẫn tập trung vào hoàn thiện và đạt các mục tiêu về an ninh lương thực. Tuy nhiên, việc bắt kịp xu hướng thế giới, lấy an ninh dinh dưỡng làm nền tảng thúc đẩy an ninh lương thực là vô cùng cần thiết”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Theo đó, việc đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng là mục tiêu sắp tới sẽ giúp định hướng đúng về tái cấu trúc ngành nông nghiệp, thay đổi được cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của từng vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dinh dưỡng của toàn xã hội.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết, đánh giá chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, qua đó nghiên cứu xây dựng chính sách, quy định pháp luật về an ninh dinh dưỡng, hướng tới xây dựng Luật Dinh dưỡng phù hợp với điều kiện trong nước nhằm giải quyết các vấn đề về sức khỏe, vệ sinh và chính sách nông nghiệp của Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chia sẻ về an ninh dinh dưỡng gắn liền với tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chia sẻ về an ninh dinh dưỡng gắn liền với tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Ảnh: Quốc hội.

Trước đó, đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm 2023, đại biểu này cho rằng tình hình chung tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, bội chi, nợ công trong giới hạn cho phép, đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo.

“Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, chú trọng bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng, lần đầu tiên bán được chứng chỉ carbon và phát triển trái phiếu xanh, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế,  đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ trước Quốc hội.

Về tăng trưởng tín dụng và nợ xấu nội bảng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tăng trưởng tín dụng đến 11/10/2023 đạt 6,29% so với năm 2022, chậm hơn so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu, trường hợp tăng trưởng tập trung vào bất động sản trong giai đoạn này sẽ kéo theo gia tăng nợ xấu, khi phần cung bất động sản đang dư thừa, thị trường bất động sản đang trầm lắng, niềm tin vào thị trường bất động sản sụt giảm.

Trước thực tế đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ vấn đề này, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay, có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Xem thêm
Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.