PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết, đến nay đã có rất nhiều đinh nghĩa về an ninh lương thực (ANLT) và an ninh dinh dưỡng được đưa ra. Đây là hai phạm trù. ANLT được đảm bảo khi tất cả mọi người, mọi lúc, có tiếp cận được (vật lý và kinh tế) đầy đủ về thực phẩm an toàn và đảm bảo một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu thực phẩm và sở thích ăn uống của họ cho một cuộc sống năng động và khỏe mạnh.
ANLT đạt được, nếu lương thực, thực phẩm thích hợp (số lượng, chất lượng, an toàn, phù hợp văn hóa xã hội) có sẵn và dễ tiếp cận và được sử dụng tốt bởi mọi cá thể, ở mọi lúc để sống một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc.
Hay nói gọn hơn là thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu sinh lý về số lượng, chất lượng, an toàn và có thể chấp nhận được về mặt xã hội và văn hóa. Định nghĩa ANLT thực phẩm này nhấn mạnh “tính sẵn có”, “tính tiếp cận” và “sử dụng” của lương thực, thực phẩm. Việc đưa vào sử dụng vào nhấn mạnh rằng “an ninh dinh dưỡng hơn là ANLT, thực phẩm”.
Tuy nhiên, đứng trên góc nhìn hiện chúng ta đang sử dụng, đó là vấn đề hệ thống thực phẩm bền vững, sẽ thấy rằng hai phạm trù này cùng nằm trên một hệ, bao gồm hệ thống an ninh thực phẩm rồi mới tới vấn đề an ninh dinh dưỡng, cuối cùng là các đầu ra để nói về đánh giá tình trạng dinh dưỡng như khẩu phần ăn của người dân… Hai vấn đề này đi theo một chuỗi hệ thống.
An ninh lương thực theo vùng miền
Thực trạng an ninh lương thực thực phẩm ở Việt Nam (ANLTTP), theo các số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, chúng ta đã xuất khẩu được rất nhiều các mặt hàng lương thực (gạo, lúa, ngô, khoai, sắn…). Các thực phẩm khác như thịt, cá, trứng, sữa, rau, củ, quả…, vấn đề này chúng ta đáp ứng được tương đối đủ chứ không phải lúc nào cũng đầy đủ 100%, vì còn phụ thuộc vào vấn đề vùng miền. Có những vùng phải chịu hạn hán, bão lụt, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu…, người dân chưa thể cung ứng đầy đủ tại chỗ cho chính mình.
Thứ hai, khi kinh tế không đầy đủ sẽ không thể tiếp cận đầy đủ nguồn dinh dưỡng này. Chúng ta vẫn nói câu chuyện có thể xảy ra các vấn đề thiếu ANLTTP - vấn đề này cần có các con số hàng năm đánh giá bởi Bộ NN-PTNT hay từ một số tổ chức quốc tế liên quan đến nông nghiệp để chúng ta có thể đánh giá, sản xuất của chúng ta đã đáp ứng được chưa, khả năng tiếp cận thực phẩm của người dân như thế nào.
Ngay cả khi chúng ta sản xuất ra rồi nhưng khả năng tiếp cận, khả năng sử dụng của người dân để đủ đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn, từ đó có đủ sức khoẻ để duy trì sản xuất… Cần các bộ chỉ số để đánh giá xem vấn đề thiếu ANLTTP ở mức độ nào.
Các vấn đề này rất phức tạp và mang tình tổ hợp, do đó vấn đề an ninh dinh dưỡng được đánh giá rất cao. Không phải lúc nào chúng ta cũng có đầy đủ các con số trong các điều tra, thống kê. Chính vì vậy, đứng ở góc độ dinh dưỡng chúng ta cần tìm câu trả lời, người dân đã được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng chưa, đánh gia qua các đợt tổng điều tra dinh dưỡng về khẩu phần, chúng ta sẽ điều tra về khẩu phần ăn dính dưỡng của người dân Việt Nam; đầu ra là tình trạng dinh dưỡng của người dân.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cứ 10 năm có một đợt tổng điều tra dinh dưỡng, trong đó có đánh giá khẩu phần ăn của người dân đã đáp ứng được chưa.
An ninh lương thực giúp thực hiện được an ninh dinh dưỡng
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, kết quả Tổng điều tra năm 2020 cho thấy, cơ bản năng lượng khẩu phần ăn của người dân đã cơ bản đáp ứng đủ về mức năng lượng trung bình theo đầu người so với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, chúng ta đã đáp ứng ở mức độ trung bình.
Tuy nhiên, phải nhớ rằng số liệu này khác nhau ở các vùng miền. Một số vùng miền, mức độ dinh dưỡng trung bình là chưa đủ, nhưng một số vùng khác lại vượt quá so với nhu cầu.
Thứ hai, tính cân đối giữa các nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm, nhóm chất béo (li pít) và nhóm bột đường (lúa gạo), khẩu phần ăn của người dân cũng đã hướng tới tính cân đối tốt hơn so với giai đoạn trước. Còn về cung cấp trung bình mức độ lương thực hiện nay, nhóm gạo có xu hướng tiêu thụ giảm đi so với 10 năm trước đây. Nhóm thịt - sữa, hải sản, trứng, cá… tăng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước; nhóm tiêu thụ thịt tăng rất cao, hiện nay trung bình trên 130gram/người trưởng thành/ngày.
Đặc biệt, khu vực thành thị, con số này là 150gram; nhóm rau quả, mức độ tiêu thụ cũng tăng rất nhanh. Điều đó cho thấy bức tranh về cơ cấu khẩu phần ăn cũng như khả năng cung cấp cơ bản đã đáp ứng được.
Nhưng còn một vấn đề, đó là chất lượng của bữa ăn cần tính toán thành phần của các vi chất dinh dưỡng, tính cân đối của các thành phần này và vấn đề kiểm soát các yếu tố, thành phần bất lợi như sử dụng quá nhiều đường trong bữa ăn… Tất cả các bài toán này cũng cần từng bước một mới có thể thay đổi, điều chỉnh được.
Qua một số điều tra, ở Việt Nam, mức đáp ứng vi chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, một số vùng miền núi, vùng sâu xa, vùng nghèo, mức đáp ứng còn thấp, đặc biệt là các nhóm canxi khẩu phần, vitamin… mới đáp ứng được khoảng 60%.
Đánh gia tình trạng dinh dưỡng của người dân để đánh giá đầu ra của việc sử dụng LTTP và cách thức, chế độ ăn có đảm bảo hợp lý, cân bằng và đa dạng không, được thể hiện ra ở khái niệm suy dinh dưỡng. Tình trạng này đã được cải thiện nhiều ở Việt Nam, đặc biệt giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên toàn quốc. Chúng ta đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ này từ năm 2015, tuy nhiên, mức giảm này chênh lệch khác nhau giữa vùng miền.
Hiện nay, mức giảm trung bình dưới 20% tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thấp - còi. Vùng miền núi tỉ lệ này còn khá cao (gần 40%). Số liệu này cho thấy cần có sự nỗ lực hơn nữa. Ở vùng đô thị và vùng kinh tế phát triển, đang có bức tranh ngược lại, đó là vấn đề thừa cân béo phì gia tăng nhanh chóng. Sau 10 năm, tỉ lệ béo phì học sinh học đường của toàn quốc tăng gấp đôi; ở các thành phố lớn, tỷ lệ này ở mức trên dưới 40%.
Chúng ta đang có tình trạng thừa dinh dưỡng, cần xem xét lại việc sử dụng dinh dưỡng đầu vào.
Như thế, vấn đề ANLTTP và an ninh dinh dưỡng là hai vấn đề cần đảm bảo, đủ cân đối lành mạnh và làm thế nào để đảm bảo trong một hành lang an toàn nhất, chúng ta không để thiếu hay thừa. Một quốc gia đảm bảo về an ninh dinh dưỡng cần tính toán các yếu tố như cân đối đầy đủ, không bị vượt quá hay không để thiếu so với nhu cầu, các chỉ tiêu, tiêu chí đề ra về vấn đề liên quan.
An ninh dinh dưỡng góp phần đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực
An ninh dinh dưỡng giống như phần cầu, còn ANLTTP giống như phần cung. An ninh dinh dưỡng vừa là cầu, vừa là cung và nó sẽ chỉ ra những con số như để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho một cá thể, như một phụ nữ có thai và 1 trẻ em dưới 5 tuổi, đã có khuyến cáo về nhu cầu từng chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để đáp ứng cho từng đối tượng.
Trong một hộ gia đình, các đối tượng làm sao phải tự cân đối, đầy đủ về dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, từng giới, từng độ tuổi - giai đoạn sinh lý… Khi đó nó sẽ quay lại câu chuyện làm thế nào chúng ta có đủ được nhưng cũng không để quá thừa mức độ khẩu phần dinh dưỡng…, nó sẽ lại liên quan và quay về vấn đề ANLTTP.
Bởi ANTP chúng ta hay nghĩ tới là thiếu, không đủ cung cấp cho quy mô hộ gia đình, quy mô cấp tỉnh, cấp vùng hay quy mô cấp độ quốc gia… Chính vì vậy, câu chuyện từ nhu cầu về dinh dưỡng sẽ cho thấy khả năng đáp ứng, cung ứng của ANLT có đầy đủ hay không.
Vai trò của dinh dưỡng đối với đảm bảo ANLTTP như thế nào, khi cơ thể một con người được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dinh dưỡng, nó sẽ không thể nằm trong một loại cụ thể mà được tích hợp lại từ nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Vì thế, chúng ta phải ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau là như vậy. Khi đảm bảo được đầy đủ các chất dinh dưỡng, nó sẽ góp phần giúp cơ thể có đủ năng lượng để hoạt động, lao động, tiêu hóa, duy trì sự sống, phát triển thể lực và trí não.
Mỗi một chất có vai trò khác nhau trong cơ thể. Khi có thể có đầy đủ chất dinh dưỡng tốt sẽ có trí tuệ, thể lực tốt, từ đó giúp cho việc nâng cao khả năng lao động, học tập…
Nghiên cứu cho thấy, một trẻ thoát khỏi nguy cơ suy dinh dưỡng, cơ hội để tăng thu nhập khi trưởng thành lên tới 50%, đứa trẻ đó cải thiện và kéo dài khả năng đi học so với những trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu quốc gia giảm được 1% tỉ lệ suy dinh dưỡng sẽ đóng góp cho tăng GDP từ 3 - 5%.
Việc đó thông qua khả năng học tập và khả năng lao động của con người. Nếu chúng ta không bị suy dinh dưỡng, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn về công việc, sức khỏe, học tập lao động và thu nhập. Một quốc gia muốn phát triển bền vững phải giảm được nhiều nhất mức có thể về tỉ lệ suy dinh dưỡng, phải tăng cường được thể lực và trí tuệ ngay từ khi trẻ còn ở trong bụng mẹ.
ANTP và an ninh dinh dưỡng sẽ giúp chúng ta có được một tình trạng dinh dưỡng tốt nhất có thể để chúng ta có thể có sự trưởng thành trong tương lại, đóng góp được nhiều trí tuệ, sức khỏe cho gia đình, xã hội. Các quốc gia trên thế giới khi tỉ lệ suy dinh dưỡng của họ rất thấp, bao giờ cũng dưới 10%; khả năng lao động của họ được tối ưu hoá ngay từ trong bụng mẹ.