Tết đến, xuân về, Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông năng động và hiện đại bỗng chốc khoác lên mình một vẻ đẹp dịu dàng và truyền thống.
Tà áo dài từ lâu đã gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, tượng trưng cho sự dịu dàng, duyên dáng và thanh lịch. Vào những ngày Tết, áo dài không chỉ là trang phục mà còn là cách người dân thể hiện sự tôn kính truyền thống, đồng thời lan tỏa nét đẹp văn hóa trong đời sống hiện đại.
Dạo quanh những con phố Sài Gòn như đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nhà thờ Đức Bà, phố Ông Đồ (Nhà Văn hóa Thanh Niên) không khó để bắt gặp hình ảnh các gia đình, nhóm bạn trẻ hay cặp đôi khoác lên mình những bộ áo dài rực rỡ, cùng nhau lưu giữ những khoảnh khắc đẹp bên những tiểu cảnh được trang trí đậm chất Tết.
Áo dài ngày Tết không chỉ giới hạn trong những thiết kế truyền thống với tông màu đỏ, vàng, xanh lam mà còn được cách tân với nhiều kiểu dáng hiện đại, phù hợp được giới trẻ Sài Gòn lựa chọn để lưu giữ những bức hình đẹp dịp Tết.
Chị Trần Huỳnh Thế Mỹ (ngụ Bình Thạnh) cho biết, mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị cùng nhóm bạn luôn chọn áo dài làm trang phục cho mỗi bộ ảnh. "Năm nay, tông màu mà chúng tôi lựa chọn là sắc đỏ như lời chúc phúc và hy vọng về tương lai tốt đẹp. Màu đỏ được coi là màu của may mắn, niềm vui và sự thịnh vượng trong văn hóa Á Đông", chị Mỹ nói.
Phố Ông Đồ (Nhà văn hóa Thanh Niên - đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1) được trang hoàng lộng lẫy, là địa điểm không thể bỏ qua của người dân và du khách dịp Tết.
Tà áo dài không chỉ là trang phục mà còn là minh chứng sống động cho bản sắc văn hóa Việt Nam, được gìn giữ và phát triển qua từng thế hệ. "Mỗi dịp về Việt Nam ăn Tết, em luôn lựa chọn áo dài trắng, nữ sinh hay áo dài cách tân để lưu giữ những bức hình đẹp ngày Xuân", Thu Hương, du học sinh Anh chia sẻ.