Mỗi sào cà rốt, nông dân Hải Dương lãi 7 triệu đồng. Bán rau Tết, nông dân Mê Linh thu tiền triệu mỗi ngày. Làng nghề làm nồi đất tất bật vào vụ Tết. Người dân thua lỗ vì hoa lay ơn chết hàng loạt. Nghề làm cỏ bàng Giang Thành nhộn nhịp vào vụ Tết. Bạc Liêu: Sản phẩm OCOP đắt hàng ngày Tết.
MỖI SÀO CÀ RỐT, NÔNG DÂN HẢI DƯƠNG LÃI 7 TRIỆU ĐỒNG
Thanh Thuỷ sản xuất
Những ngày sát Tết nguyên đán Ất tỵ, nông dân tại Hải Dương đang tranh thủ thời tiết nắng ráo, xuống đồng thu hoạch những luống cà rốt đầu tiên. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 1.250 ha cà rốt. Nhờ thời tiết thuận lợi ở giai đoạn đầu vụ, cà rốt sinh trưởng phát triển nhanh, củ lớn, sản lượng dự kiến đạt 68.500 tấn, cao hơn 6.525 tấn so với vụ năm ngoái. Hiện bà con mới thu hoạch được khoảng 5-10% diện tích, còn lại dự kiến thu rải rác tới tháng 4 năm 2025, tập trung trong tháng 2 và tháng 3.
Một số diện tích của các hộ nông dân đã bán cho thương lái đạt từ 9-11 triệu đồng/sào, sau khi trừ chi phí, bà con thu lãi 5-7 triệu đồng/sào.
Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương chỉ đạo, bà con thu hoạch nhanh gọn diện tích đã đến kỳ để tranh thủ giá bán ở mức cao, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp tết Nguyên Đán; Giải phóng đất phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2025. Đối với những diện tích chưa thu hoạch, tiếp tục chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
BÁN RAU TẾT, NÔNG DÂN MÊ LINH THU TIỀN TRIỆU MỖI NGÀY
An Khang sản xuất
Là một trong những vựa rau lớn nhất nhì của Hà Nội, thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung ứng rau quả cho thị trường tiêu dùng Tết Thủ đô. Những ngày này, người dân tất bật thu hoạch rau xanh để kịp phục vụ tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán.
Trung bình, mỗi ngày vựa rau này cung ứng hơn 10 tấn rau ăn lá các loại cho thị trường Hà Nội. Theo chị Nguyễn Thị Hòa, hộ trồng rau tại thôn Đông Cao, 3 sào rau ăn lá của gia đình chị được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, hướng đến sản xuất an toàn. Trồng rau quanh năm nhưng vụ Tết là thời điểm rau bán chạy nhất. Trung bình, sau khi trừ đi hết các chi phí, gia đình chị thu được 2-3 triệu đồng một ngày.
LÀNG NGHỀ LÀM NỒI ĐẤT TẤT BẬT VÀO VỤ TẾT
Văn Vũ sản xuất
Những ngày cuối năm, không khí tại các làng nghề làm nồi đất ở thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Đây là thời điểm các hộ sản xuất chạy đua với thời gian để kịp cung ứng hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Các sản phẩm nồi đất được ưa chuộng nhờ giữ được hương vị đặc trưng cho các món ăn truyền thống, đồng thời mang đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam.
Nghề làm nồi đất tại Hòn Đất đã hình thành khoảng 100 năm, không chỉ góp phần bảo tồn nghề truyền thống mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương mỗi dịp Tết đến xuân về. Hiện toàn huyện có gần 200 gia đình với hơn 600 người làm nghề.
NGƯỜI DÂN THUA LỖ VÌ HOA LAY ƠN CHẾT HÀNG LOẠT
Lê Khánh (Lê Duy Khánh) sx
Xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi là vùng trồng hoa lớn nhất nhì của tỉnh Quảng Ngãi. Để phục vụ thị trường Tết năm nay, bà con địa phương đã xuống giống gần 40ha diện tích hoa các loại trong đó nhiều nhất là hoa lay ơn với khoảng 20ha. Mặc dù vậy, so với mọi năm, tình hình thời tiết năm nay không thực sự thuận lợi khi mưa lạnh kéo dài suốt 1 tháng liên tục, nhiều ruộng hoa bị ngập nước, thối rễ rồi vàng lá chết hàng loạt.
Theo thống kê của UBND xã Nghĩa Hà, đến nay, đã có khoảng hơn 40% diện tích trồng hoa lay ơn của người dân bị chết. Trước thực tế này chính quyền xã Nghĩa Hà đã khuyến cáo người dân nhỏ bỏ những cây hoa bị chết, tập trung chăm sóc diện tích còn lại để mong gỡ vốn.
NGHỀ LÀM CỎ BÀNG GIANG THÀNH NHỘN NHỊP VÀO VỤ TẾT
Văn Vũ sản xuất
Những ngày cận Tết, làng nghề làm cỏ bàng ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đây là mùa sản xuất cao điểm trong năm, các hộ dân tất bật thu hoạch, phơi khô, đan lát để kịp cung ứng các sản phẩm phục vụ thị trường. Từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ, những chiếc chiếu, túi xách, thảm hay các sản phẩm trang trí từ cỏ bàng được tạo ra, vừa bền, đẹp, vừa mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Những năm gần đây, người dân Giang Thành đã áp dụng thêm kỹ thuật mới trong đan lát, đồng thời sáng tạo nhiều mẫu mã độc đáo, đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng trong nước và quốc tế.
BẠC LIÊU: SẢN PHẨM OCOP ĐẮT HÀNG NGÀY TẾT
Trọng Linh - Văn Vũ sản xuất
Tỉnh Bạc Liêu hiện có có 154 sản phẩm OCOP của 74 chủ thể được công nhận. Một số sản phẩm tiêu biểu trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Bạc Liêu từ những nông sản chủ lực của tỉnh, bao gồm các sản phẩm nông sản chế biến từ tôm, gạo, muối và các mặt hàng đan đát.
Ông Đặng Minh Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các chủ thể OCOP không chỉ chú trọng đến chất lượng mà còn rất sáng tạo trong cách thức đóng gói sản phẩm. Với giá cả ổn định, bao bì đẹp mắt và chất lượng sản phẩm được đảm bảo, các giỏ quà Tết OCOP được nhiều khách hàng lựa chọn cho mùa Xuân năm nay. Đây không chỉ là món quà ý nghĩa, mà còn là dịp để lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đất Bạc Liêu tới bạn bè, người thân trong và ngoài tỉnh.