| Hotline: 0983.970.780

Áp lực giá điện tăng 7,5%

Chủ Nhật 08/03/2015 , 10:33 (GMT+7)

Trái ngược với nhiều phát ngôn cho rằng tăng giá điện sẽ tốt cho cả nền kinh tế thì tính toán của các cơ quan liên quan đều cho rằng tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và người tiêu dùng.

Những hệ lụy

Thông tin mới được đưa ra hôm 7/3 cho thấy Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN tăng giá điện lên 7,5% vào ngày 16/3 tới đây.

Trước thông tin này đã có nhiều luồng dư luận trái chiều. Trái ngược với nhiều phát ngôn cho rằng tăng giá điện sẽ tốt cho cả nền kinh tế bởi hiệu quả từ thu hút đầu tư phát triển nguồn điện là rất hấp dẫn thì tính toán của các cơ quan liên quan đều cho rằng tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và người tiêu dùng.

Đơn cử, theo Tổng cục Thống kê, nếu giá điện năm nay tăng 9,5% thì giá thành sản xuất đã tăng lên 0,55%, đồng thời làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,45%. Tuy thông tin chính thức đã được đưa ra là giá tăng ở mức 7,5% nhưng những con số trên cũng sẽ không giảm xuống là bao.

Thêm vào đó, áp lực tăng giá điện đối với người tiêu dùng không chỉ đến từ khoản chi phí trực tiếp dành cho sử dụng điện sinh hoạt mà hàng loạt dịch vụ, hàng hóa khác sẽ có cớ tăng theo.


Giá điện tăng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng và sản xuất

Về phần các doanh nghiệp, Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết trong nguyên liệu chế biến chủ yếu, giá điện chiếm 10-20% nên giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Để tồn tại khi giá điện tăng, doanh nghiệp không giảm được chi phí thì đồng thời với tăng giá thành, giảm năng lực cạnh tranh.

Còn với ngành thép, giá điện tăng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đổ vỡ. Theo ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tổng công suất 10 triệu tấn thép mỗi năm thì có 70-80% phôi thép được sản xuất bằng điện.

Theo tính toán, 1 tấn phôi được sản xuất ra thì tốn 400-500 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ hồ quang và khoảng 600 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ cảm ứng. Như vậy, nếu giá điện tăng ở mức 10% thì sẽ phải tốn thêm 30-45 KWh điện để sản xuất ra một tấn phôi thép.

“Tăng giá điện là nguy cơ lớn đối với ngành thép. Giá phôi thép thế giới, đặc biệt là thị trường Nhật và Trung Quốc, đang rất thấp. Chưa tăng giá điện thì DN thép trong nước đã chết rồi. Công suất làm ra 10 triệu tấn mà tiêu thụ nội địa chỉ được 6 triệu tấn. Theo phán đoán của tôi, chưa kể đến những lò sản xuất bằng công nghệ thấp, ngay cả các lò sử dụng công nghệ ở mức trung bình cũng sẽ chết”, ông Cường nhận định.

Tại hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2014” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng: “Vấn đề không phải tăng giá bao nhiêu mà là cách thức tăng giá. Bộ Công Thương bảo vệ đề xuất tăng giá điện của EVN, đồng ý tăng giá điện để bù lỗ là bắt người tiêu dùng phải gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”.

Theo ông Cung, cách thức hợp lý trước mắt là đánh giá, kiểm soát chi phí sản xuất điện, tham vấn ý kiến của các bên liên quan qua đó kiểm soát giá điện, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng…

Giá điện tăng chất lượng vẫn mập mờ

Trả lời câu hỏi về việc tăng giá điện sẽ tác động đến các hộ dùng điện, ông Đinh Quang Tri - phó tổng giám đốc EVN - cho rằng cho biết hiện chưa có biểu giá điện chi tiết nên chưa thể tính toán cụ thể.

Tuy nhiên sơ bộ, có thể nêu với người dùng điện sinh hoạt 50 kWh/tháng thì chỉ tăng chi phí chưa đến 4.800 đồng/tháng. Với hộ sản xuất, cơ cấu giá tới đây, mức chi phí tăng sẽ từ 0,06% đến 0,6%.

Giá điện trong phần còn lại 2015 chắc tương đối ổn định. Tỉ giá theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước sẽ không biến động nhiều, giá khí cũng có quyết định tương đối rõ, giá than chưa có thông báo tăng.

Giá than thế giới giảm cũng tạo sức ép để giá trong nước không thể tăng, mà phải dần theo thị trường. Đây là yếu tố giúp giá điện trong nước ổn định.

“Minh bạch giá điện ai cũng muốn, bản thân EVN cũng muốn minh bạch. Nhưng đặc thù ngành điện là sản xuất - tiêu thụ xảy ra đồng thời, số lượng hộ tiêu thụ cực lớn, khoảng 22 triệu. Hiện công ty mẹ EVN tự sản xuất chỉ chiếm khoảng 15-17% tổng sản lượng điện. Hợp đồng cũng có nhiều dạng: thủy điện mua cố định, 10% theo giá thị trường điện cạnh tranh. Nhiệt điện cũng thanh toán hai phần...” - ông Tri nói.

Theo ông Tri, kể cả không tăng giá, EVN vẫn chỉ đạo tăng năng suất, chất lượng theo yêu cầu của Thủ tướng.

Năm 2014 EVN chỉ đạo giảm thời gian cần để được cung ứng điện. EVN cũng quán triệt việc trực 24/24 giờ, giao các điện lực chỉ số bình quân khách hàng bị cắt bao nhiêu phút/năm và yêu cầu lập kế hoạch giảm xuống. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ phụ thuộc đầu tư.

Chẳng hạn, việc đảm bảo N-1, tức mất điện một đường dây thì có đường khác thay thế, ở TP.HCM đạt trên 90%, tức hầu hết khách hàng đã được cấp điện từ ít nhất hai nguồn. Rồi áp dụng sửa chữa nóng, tức sửa không cắt điện.

Nhưng ở miền Bắc thì chưa triển khai được nhiều nên có nơi mất điện cả huyện, trọn ngày khi phải cắt điện một đường dây để đấu nối. Cũng phải nói điện không phải ngày nay tăng giá mai tăng chất lượng được, mà tăng giá sẽ đủ tiền, đủ điều kiện vay để tiếp tục đầu tư để đủ điện, cấp điện an toàn, chất lượng tốt lên.

Tăng năng suất EVN đã làm quyết liệt. Từ năm 2013, đặc biệt là năm 2014, toàn EVN không cho tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt phải trình tập đoàn phê duyệt. EVN đã tách ba tổng công ty phát điện, sẽ tiến hành cổ phần hóa, sẽ tạo sức ép tuyển dụng hợp lý. Về cơ chế, EVN cũng giao đơn giá tiền lương trên tổng doanh thu trừ chi phí.

Nên nếu tuyển nhiều, sẽ bị giảm lương. Năm 2014 năng suất của EVN tăng 9%. Kế hoạch 2015 sẽ chỉ đạo tiếp tục tăng năng suất 9%.

Theo ông Tri, năm 2015 tổn thất điện được yêu cầu giảm xuống 8% (năm 2014 khoảng 8,46%). Hiện tổn thất điện ở công ty phân phối đã hoàn thành tốt, riêng tổng công ty truyền tải không hoàn thành nhưng họ có lý do khách quan.

Năm 2014 miền Nam thiếu điện, nên EVN phải truyền từ miền Bắc, miền Trung vào làm truyền tải tăng đột biến, dẫn đến tổn thất cao. “Không ai có thể ăn cắp trên đường dây 500kV, hoàn toàn do kỹ thuật. Chúng tôi kiến nghị tăng tiến độ các dự án điện miền Nam để giảm truyền tải, giảm tổn thất” - ông Tri khẳng định.

(Tổng hợp)

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.