Chất lượng và thị trường
"Các cán bộ, nhân viên của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã làm rất tốt trong năm qua. Tuy nhiên, tôi mong muốn chúng ta phải tư duy thêm, trăn trở thêm vì trong tên đơn vị còn yếu tố "chất lượng" và "thị trường". Ngày nay, muốn khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam, chỉ có cách duy nhất là chất lượng đảm bảo, ổn định", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, cho biết.
Tại cuộc họp tổng kết của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường diễn ra tại Hà Nội hôm 26/12, Thứ trưởng Trần Thanh Nam dành nhiều thời gian để gợi mở các nhiệm vụ trong năm 2025 và nhìn lại những điều còn chưa làm được như kỳ vọng của năm 2024.
Dẫn câu nói nổi tiếng của nhà triết học Pháp René Descartes, lãnh đạo Bộ NN-PTNT căn dặn Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường: "Triết học có câu: Tôi tư duy nên tôi tồn tại. Chúng ta làm được việc thì không phải lo lắng điều gì. Tinh giản, hợp nhất các đơn vị, không có nghĩa là loại thải người làm được việc. Ngược lại, từng người phải tư duy xem mình làm được gì, sẽ làm được gì nếu được trao nhiệm vụ".
Quay lại câu chuyện về chuyên môn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá việc góp sức của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường là "sự nỗ lực lớn, góp sức mang tới một chiến thắng quan trọng trọng. Tuy nhiên, dư địa của thị trường vẫn còn rất lớn. Có thể kể đến các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc... chưa có sự hiện diện nhiều của nông sản Việt Nam. Thị trường trong nước cũng là yếu tố mà Thứ trưởng cho rằng cần có bước phát triển tương xứng.
"Về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, tôi đề nghị Cục phải tư duy được cái gì trước, cái gì sau, kết hợp thế nào để nông sản Việt Nam vượt qua được hàng rào kỹ thuật ngày càng ngặt nghèo của các nước khác, cũng như ở ngay thị trường trong nước. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phải làm bằng được vấn đề này", ông Thứ trưởng cho biết.
Vai trò của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng cần phải được thể hiện rõ trong từng khâu, từ lúc ở trên ruộng đến lúc thực phẩm lên bàn ăn.
"Chúng ta thử đi ra các chợ ở địa phương xem, nếu gặp người vừa bán thịt vừa bán cá thì ai quản lý chất lượng. Chợ ở xã là công thương, an toàn thực phẩm (ATTP) là ngành nông nghiệp. Đừng đợi có chuyện rồi mới chạy đi xử lý. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng cần đề xuất một Quy chế phối hợp về ATTP", Thứ trưởng gợi mở.
Cụ thể hơn về khâu đóng gói sản phẩm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý đây là vấn đề "rất quan trọng". "Trong khi chúng ta cứ ngồi thụ động nghĩ, thì ngoài thực tế có rất nhiều việc cho Cục, cho Chi cục làm. Tại sao chúng ta không quan tâm hơn nữa đến OCOP với hơn 14.000 sản phẩm. Đây chính là công việc, là hiện thực khách quan về chất lượng sản phẩm".
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhắc tới 21 doanh nghiệp Việt Nam làm về gạo, các doanh nghiệp làm sầu riêng, tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc, đều là kết quả của quá trình đàm phán kiên trì, lâu dài của Bộ NN-PTNT. Kể lại câu chuyện đi cùng lãnh đạo Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam xem xét về gạo, Thứ trưởng Nam cho biết: "Phía bạn nói chúng ta và một số nước khác mới chỉ chú ý về công nghệ máy móc, không chú ý về ATTP".
Câu chuyện của lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói về một doanh nghiệp "để chuột chạy tùm lum trong kho", mạng nhện giăng khắp nơi. Khi đoàn đến, doanh nghiệp đối phó bằng cách treo biển "Cấm vào". Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn Trung Quốc yêu cầu mở ra để kiểm tra. "Đây chính là vấn đề của chất lượng, chế biến và thị trường", Thứ trưởng nói.
Theo ông Nam, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường còn thế mạnh là 7 trung tâm chứng nhận chất lượng sản phẩm cho nông sản đi nước ngoài. Đây là đơn vị thuộc Cục cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
Khai thác thị trường
Tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường, cho biết đơn vị sẽ nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, tích cực triển khai các gợi mở từ lãnh đạo Bộ NN-PTNT.
Trong năm 2024, ông Phong cho biết đơn vị đã giải quyết hiệu quả, kịp thời các rào cản kỹ thuật, duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản tại các thị trường truyền thống; nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở cửa thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm và thị trường mới, tăng cường quan hệ thương mại với các thị trường lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ; xử lý kịp thời các sự cố mất ATTP, đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong và ngoài nước.
Các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam 2025 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2024. Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường như: Hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ các điểm nóng, xung đột quân sự, chính trị trên thế giới; quá trình phân mảng về công nghệ, tiêu chuẩn ngày càng rõ rệt trên thế giới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, gây sức ép quá trình chuyển đổi công nghệ số, năng lượng.
Trong lĩnh vực chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ngày càng đặc biệt quan trọng gắn liền với sức khỏe người dân, đòi hỏi đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, biến động thị trường; biến đổi xu hướng sản xuất “xanh”, tiêu dùng “xanh”…
Theo ông Phong, trong năm 2025, ngoài việc chủ động giám sát, cảnh báo, thanh tra, kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, ATTP, đơn vị cũng sẽ chủ động hướng dẫn cải thiện điều kiện đảm bảo ATTP, công bố sản phẩm, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; chủ động xử lý các sự cố mất ATTP; tổ chức đánh giá, chỉ định, giám sát cơ sở kiểm nghiệm vật tư nông nghiệp, ATTP theo quy định.
Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường cũng sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tăng cường xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Brazil... Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử.